(vhds.baothanhhoa.vn) - Được xuất bản lần đầu tiên năm 1944, cuốn sách “Nghề thầy” của cụ Hoàng Đạo Thúy (1900 - 1994) là kim chỉ nam về nghề. Gần đây, NXB Hội Nhà văn và Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tái bản và được nhiều người đón nhận.

Một cuốn sách hay về nghề giáo

Được xuất bản lần đầu tiên năm 1944, cuốn sách “Nghề thầy” của cụ Hoàng Đạo Thúy (1900 - 1994) là kim chỉ nam về nghề. Gần đây, NXB Hội Nhà văn và Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tái bản và được nhiều người đón nhận.

Một cuốn sách hay về nghề giáo

“Ông thầy kia, ông ta còn cần phải có bao nhiêu cái thanh cao của nhà gieo hạt giống; sửa đất đấy, gieo đấy, bón tưới đấy, bao nhiêu hạt nở, bao nhiêu hạt thui, cái kết quả nó chỉ lâu lắm mới thấy được trong trình độ của giống nòi sau này. Giọt tâm huyết rót vào bể lớn, ông ta là người rót mãi rót mãi, cho đến lúc hết. Hiểu cho tâm trạng ông ta, cộng sự với ông ta, ông ta sẽ sung sướng lắm”. Đó không chỉ là mối quan hệ mà là câu chuyện về giáo dục được cụ Hoàng Đạo Thúy “đặt ra, bàn luận, hướng dẫn cho đến hôm nay vẫn chưa hề cũ, thậm chí là còn rất mới”.

Không phải là những vấn đề vĩ mô, đao to búa lớn, chuyện thời sự của ngày hôm nay, đọc lại từ những dòng viết của người xưa cách đây gần 80 năm sao cứ thấy nhẹ nhàng mà thấm thía. Cuốn sách đặt ra vấn đề mục đích - mục tiêu của giáo dục mà những người làm thầy theo đuổi: “Giáo dục là tạo ra con người có khả năng kiến tạo xã hội tốt đẹp hơn”.

Làm thầy là trách nhiệm, nhưng đồng thời cũng là sự tự nguyện. Cụ Hoàng Đạo Thúy đưa ra 2 câu hỏi để mỗi người thầy tự ngẫm nghĩ: Mình đã nhìn rõ công việc mình và để cả tâm trí, thân thể vào đó chưa? Mình đã biết nghề thầy và cố gắng cho xứng với nghề ấy chưa?

Để một cái cây có thể nảy được mầm xanh, đầu tiên là vai trò từ cha mẹ, kể từ những ngày thai giáo cho đến giáo dục từng độ tuổi, trước khi đến với nhà trường. “Ngay từ lúc nhỏ, bà mẹ phải nhớ rằng bé thế mà đã có tai có mắt cả. Con mới biết hóng chuyện bà mẹ đã làm bà giáo rồi”; “Trẻ con thiên tính lành, nhưng có đủ trăm thứ nết của ông bà cha mẹ để lại cho. Nuôi cái mầm ghen mầm giận cho nó, rồi nó ghen, nó giận lại đánh nó; độc ác chưa? Yêu con, ôm chầm lấy nó, rồi lại tát yêu nó; nó hiểu làm sao được trong lúc tuổi nó là tuổi đang cần phân biệt”. Con về nhà, lại thấy mẹ tươi cười, những nỗi đụng chạm thứ nhất trong khi ra đến cái đời cỏn con của trường học, có thể vẫn thỏ thẻ thưa cùng mẹ được. Mẹ an ủi, mẹ khuyến khích, nâng đỡ cho con, làm cho con mạnh mà từ nhà ra đến trường... “Chúng ta có con, lòng yêu người, nó nảy nở ra. Nụ cười con trẻ làm cho một đời tươi tỉnh. Có con không dạy thì con sẽ là cái nợ".

Nếu gia đình là sự ươm mầm để tạo nên một cái cây, thì nhà trường và những người thầy là chất xúc tác, là nguồn dinh dưỡng để cây trưởng thành đúng theo từng giai đoạn. “Không một đứa bé nào tất nhiên là tốt. Không một đứa bé nào đáng bỏ đi cả”. “Đứa hư nhất cũng có năm phần trăm tốt”, trách nhiệm của người thầy là phải trao cho trò những nguyên liệu tốt, có những phương pháp để thấu cảm “vinh hạnh ở cái tên gọi thầy”. Hoàng Đạo Thúy mong mỏi thầy cô giáo hướng đến giáo dục toàn diện “Đức, Chí, Thể, Trí, Công”, trong đó đề cao việc rèn luyện chí khí cho học trò. Ông viết: “Người có chí khí thì cả quyết. Thấy việc nên làm là dám làm: bền gan, gặp nỗi khó khăn không nao núng; vững dạ, giữ được ý mà theo đuổi mãi công việc mình; bạo, dám xông pha chỗ nguy hiểm; nhiệt thành, đủ cái khí để cho việc chóng xong, cho người khác theo; táo tỉnh, chỗ khó khăn nguy nan vẫn không rối trí quẫn bách, vẫn biết được cách chống đỡ và cách nên lui; đảm nhận được công việc, không để hỏng, không bỏ dở, không chịu nhọc, không để cho người ta đè nén hay làm nhục nhã, không hèn. Người có chí khí, có khí khái, gặp trường hợp nào cũng giữ được phẩm cách mình. Người có chí khí biết sáng kiến, biết tìm được đường mới mà đi, đã tìm được đường thì lập được chí và đủ chí để theo đuổi cho đến lúc thành công”. Ngày nay chúng ta thường dùng những cụm từ như “rèn luyện nghị lực”, “giáo dục năng lực vượt khó”, “giáo dục năng lực kiểm soát bản thân”, suy cho cùng cũng là ý chí ở từng lĩnh vực. Không có chí nhiều người dễ “sống mòn” là vì thế!

Làm thầy là “công việc lớn lao”. Cụ Hoàng Đạo Thúy khẳng định: “Chúng ta mà muốn, thì chúng ta có thể đổi hẳn tương lai nòi giống. Chỉ mười năm, phải, mỗi người chỉ tận tụy mười năm, là một thế hệ thanh niên sẽ đổi khác. Huống hồ đời giáo dục của chúng ta ba mươi năm, hay hơn nữa”; “Bước vào giáo giới là chúng ta đã có mục đích: không phải đi làm để kiếm ăn thôi, không phải chỉ đi làm công. Chúng ta “làm thầy”.

Đọc một trích đoạn nhỏ trong “Nghề thầy” ta sẽ hiểu tại sao, sau 80 năm kể từ khi cuốn sách ra đời, cuốn sách vẫn như viết cho những người đang sống hôm nay. “Một em bé mới vào trường, khác nào một tờ giấy trắng, trên đó tổ tiên và nhất là cha mẹ đã viết vào một phần thượng tầng, khoảng nhì thì anh em bạn bè vẽ vào. Còn một phần nữa, ai viết vào đấy? Phần ông thầy đấy chăng? Ông viết vào là phải, nhưng hãy khoan, ông giúp cho trò tự viết vào là hơn, nét sẽ rành rọt, toàn cảnh sẽ tươi tỉnh hơn, mà tờ giấy rồi dùng được. Ông mà viết lấy thì trò đành phải chịu, nhưng rồi nó sẽ chỉ chực quên đi, rồi ra giả dối suốt đời.

Nên làm thế này:

Tìm xem đứa bé có những mầm gì, mầm xấu và mầm tốt. Mầm xấu thì làm bạc tước nó đi đã đành, nhưng cách ấy chưa tốt bằng bồi bổ mầm tốt, giúp cho trẻ nó bồi bổ lấy.

...Tất cả các thói xấu đều có thể chữa như thế!”.

Nghề nào cũng có lắm cái nhục và lắm cái vinh, như người xưa nói: “tiến vi quan, đạt vi sư”. Đặt vai trò thầy giáo ở vị trí cao, có thể là gánh nặng. Nhưng thiết nghĩ đó cũng là niềm vui, bởi nghề thầy không chỉ thuần túy là “dạy học” mà người thầy, cho dù chỉ là một thầy giáo làng đi nữa, đích thực là một nhà khai sáng kiêm nhà hoạt động xã hội.

Giữa những cơn sóng về sự xuống cấp đạo đức trong nhà trường và xã hội, vai trò của nghề thầy càng được đặt lên bàn cân. Hiện tại chúng ta đang có nhiều xu hướng, nhiều triết lý về giáo dục; phụ huynh đang hoang mang về cách nuôi dạy con kiểu Mỹ, Đức, Nhật, Isreal... nhưng nếu chỉ dành một thời gian ngắn, đọc 150 trang của cuốn sách, tôi nghĩ rằng các bậc phụ huynh cũng có thể nhìn lại mình đã thực sự “yêu thầy”; những người thầy đã thực sự “yêu nghề”? Chúng ta người thì quá kỳ vọng vào con trẻ, người lại quá ham muốn những thành tích hiện có rồi nhồi nhét, ép buộc con trẻ. Điều quan trọng nhất để một cái cây có thể đâm chồi nảy lộc trong gia đình đó là tình thương, ở nhà trường nếu coi việc đi học chỉ là “để học đọc, học viết, học tính, để thi đỗ, để rồi đi làm, thì đủ thứ sung sướng” là “sai lạc cả mục đích giáo dục”. Hơn hết, đó là sự “rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất”.

Dẫu một vài chỗ cụ Hoàng Đạo Thúy sử dụng ngôn ngữ cổ, nhưng được đọc “Nghề thầy”, đối với phụ huynh sẽ là sự thấu cảm cho những vất vả và bộn bề lo toan của thầy cô giáo; là sự vững tin vào nghề, là động lực để mỗi người thầy rút ruột nhả tơ trao truyền kiến thức.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]