(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, gia đình chồng tôi giống như ngày hội. Bởi lẽ, tính cả thảy hai bên nội, ngoại của nhà chồng tôi có 7 người công tác trong ngành giáo dục. Bên đàng nội có bác dâu, thím. Riêng đàng ngoại, tính đến thời điểm hiện tại đã có 3 đời gắn bó với sự nghiệp “trồng người” danh giá mà cũng lắm nỗi vất vả, nhọc nhằn này.

Một người "chèo đò" đáng kính

Mỗi dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, gia đình chồng tôi giống như ngày hội. Bởi lẽ, tính cả thảy hai bên nội, ngoại của nhà chồng tôi có 7 người công tác trong ngành giáo dục. Bên đàng nội có bác dâu, thím. Riêng đàng ngoại, tính đến thời điểm hiện tại đã có 3 đời gắn bó với sự nghiệp “trồng người” danh giá mà cũng lắm nỗi vất vả, nhọc nhằn này.

Ông ngoại tôi, thầy Hoàng Văn Mão, từng là thầy giáo giỏi có tiếng, một trong những người góp “viên gạch hồng” đầu tiên để vun đắp, dựng xây nên truyền thống cho khối năng khiếu THCS Hoằng Hóa (sau này là trường THCS Nhữ Bá Sỹ, Hoằng Hóa). Lật dở những trang ghi dấu lịch sử hình thành và phát triển của ngôi trường THCS Nhữ Bá Sỹ, tôi đã từng bắt gặp tên ông được nhắc đến với nhiều sự trân trọng, yêu mến của các thế hệ thầy và trò nơi đây.

Ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ ông, khi tôi và chồng tôi “đang trong giai đoạn tìm hiểu”, lắng nghe ông chuyện trò, tôi có cảm giác gần gũi, thân tình, ấm áp và yên tâm vô cùng.

Một người “chèo đò” đáng kính

Thầy Hoàng Văn Mão (xã Hoằng Đồng, Hoằng Hóa) là người thầy giỏi, đáng kính của nhiều thế hệ học sinh

Sau này, khi đã chính thức trở thành con cháu trong gia đình, tôi được lắng nghe nhiều câu chuyện về những năm tháng vất vả, những nỗi thiệt thòi, hy sinh thầm lặng, tình yêu và sự tận tâm với nghề, với học trò của ông.

Ngày ấy, ông ngoại tôi là một trong những rất ít người của xã thi đỗ vào trường đại học thuộc top đầu của cả nước. Nhưng không hiểu vì lý do gì, giấy báo nhập học do trường gửi về đến tay ông tôi bị chậm trễ. Bị lỡ mất cơ hội khăn gói lên kinh kỳ học tập, sau nhiều nỗ lực, cố gắng, ông ngoại tôi trở thành ông giáo làng và gắn bó với nghề suốt mấy chục năm.

Ông ngoại tôi không chỉ là người thầy giỏi về chuyên môn, là người chắp cánh cho nhiều thế hệ học trò vươn tới thành công.

Hơn hết, ông là người thầy luôn tận tâm, tận lực với nghề, hết lòng với học trò của mình. Với ông, người thầy không đơn thuần là người truyền dạy kiến thức mà phải là tấm gương sáng về tư cách, đạo đức để học trò noi theo, phải biết dùng cái tâm trong sáng để dìu dắt, giúp học trò của mình vững tâm tiến lên con đường phía trước, từng bước chinh phục thành công.

Mấy chục năm gắn bó với nghề, ông ngoại tôi luôn tâm niệm một điều như thế. Nhiều khi thấy học sinh của mình nhịn đói đi học, ông ân cần động viên, lúc thì bát cơm, khi thì tô mì tôm nóng hổi giúp học trò no bụng. Biết ông dạy giỏi, nhiều phụ huynh ngỏ ý muốn ông mở lớp dạy thêm ở nhà để có nơi gửi gắm. Ông không bao giờ chạy theo số lượng mà chất lượng mới là điều ông quan tâm, đặt nặng.

Bởi những ân tình ấy nên cho đến tận ngày hôm nay, ông ngoại tôi vẫn luôn nhận được tình cảm yêu mến, kính trọng của nhiều thế hệ học trò.

Dẫu nghỉ hưu đã lâu nhưng dường như năm nào cũng vậy, mỗi dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, ngôi nhà nhỏ của ông trở thành điểm hẹn cho nhiều thế hệ học trò tìm về, rộn vang tiếng nói tiếng cười, ấm áp những kỉ niệm xưa, thiêng liêng tình cảm thầy trò gắn bó, thân thiết.

Những cô cậu học sinh cấp II “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” năm nào giờ đây đã trưởng thành, đã là phụ huynh của con trẻ, nhiều người đã và đang công tác trong ngành giáo dục… vẫn thu xếp công việc, thời gian về thăm ông.

Ông ngoại và học trò của ông đã cho tôi một minh chứng sinh động, thuyết phục về ý nghĩa thiêng liêng, sâu sắc của đạo nghĩa thầy - trò. Ông tôi không nói nhiều về những điều mình đã cống hiến. Nhưng tôi biết, cuộc đời đã và đang đền đáp cho ông một cách xứng đáng.

Được học trò nhớ, yêu thương, trân trọng theo năm tháng - đó là “quả ngọt” mà chính tay ông tôi vun đắp, gieo trồng.

Niềm đam mê, tình yêu nghề giáo của ông ngoại tôi, giờ đây những người con, cháu của ông là người kế thừa, phát huy. Ông ngoại tôi có bốn người con thì có 3 người “nối nghiệp” của ông. Và chồng tôi, em chồng tôi cũng đang công tác trong ngành. Và có lẽ, truyền thống gia đình sẽ tiếp tục được nối dài hơn nữa ở thì tương lai? Để mỗi dịp 20-11, niềm vui, tiếng cười trong gia đình sẽ rộn ràng hơn, niềm vinh dự, tự hào càng thêm lớn lao hơn.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]