(vhds.baothanhhoa.vn) - “Lạm thu” - thu sai quy định dù không phải xảy ra ở tất cả các trường học song cũng không phải câu chuyện hy hữu. Bởi cứ đầu năm học là câu chuyện lạm thu lại nhỏ to, có người ví nó như căn bệnh “trầm kha” - là những “con sâu” gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành giáo dục.

Năm học mới và câu chuyện "lạm thu”: “Lạm thu”… ở đâu

“Lạm thu” - thu sai quy định dù không phải xảy ra ở tất cả các trường học song cũng không phải câu chuyện hy hữu. Bởi cứ đầu năm học là câu chuyện lạm thu lại nhỏ to, có người ví nó như căn bệnh “trầm kha” - là những “con sâu” gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành giáo dục.

Năm học mới và câu chuyện lạm thu”: “Lạm thu”… ở đâuTheo ông Lê Thành Đồng, trong năm học 2022-2023, việc triển khai các khoản thu ở các đơn vị trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn.

Tin liên quan:
  • Năm học mới và câu chuyện lạm thu”: “Lạm thu”… ở đâu
    Năm học mới và câu chuyện "lạm thu”: Những ngôi trường không có… ...

    Mỗi dịp đầu năm học mới, cùng với niềm vui đến trường của các em học sinh, còn có một “nỗi buồn” mang tên “lạm thu” - thu sai, thu không đúng quy định xảy ra ở nhiều trường học gây bức xúc trong phụ huynh và dư luận xã hội. Và việc chấm dứt tình trạng huy động đóng góp, quản lý, sử dụng các khoản thu sai quy định trong các cơ sở giáo dục là điều cần thiết.

Có con đang học tại một trường THCS thuộc top đầu trên địa bàn TP Thanh Hóa, chị Lê Thị Vân phường An Hưng (TP Thanh Hóa) cho biết: Năm học này nhà trường chưa tổ chức họp phụ huynh nên tôi chưa rõ các khoản đóng góp như thế nào. Tuy nhiên, những năm học trước, ngoài các khoản đóng góp bắt buộc theo quy định, thì có những khoản thu mà tôi và nhiều phụ huynh khác không thực sự thoải mái khi phải đóng. Ví dụ như quỹ phụ huynh đóng đến 800.000đồng/học kỳ, lớp có hơn 40 học sinh, nhân lên một năm sẽ ra con số không nhỏ. Nhưng việc chi tiêu cụ thể thế nào thì rất ít được công khai, rõ ràng. Thông thường, chỉ là những thông báo quỹ còn hay hết. Và thường thì hết năm học quỹ cũng cơ bản sẽ… hết.

Cũng với quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Thu phường Đông Lĩnh (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 con, con đầu đang học Trường THPT Đông Sơn 1 và hai con nhỏ đang học tiểu học và mầm non trên địa bàn phường. Hai vợ chồng tôi đều làm công nhân, bởi vậy áp lực các khoản đóng góp đầu năm học cho các con rất lớn. Thú thực, có quá nhiều khoản thu mà đôi khi phụ huynh không nhớ nổi. Tôi được biết, ngoài các khoản thu theo quy định của nhà nước, thì có những khoản thu được gọi là xã hội hóa, đóng góp trên tinh thần tự nguyện, hay như một số quỹ không bắt buộc. Tuy nhiên, khi họp phụ huynh, các thầy cô rất hiếm khi “rạch ròi” các khoản phí, quỹ. Thông thường, chỉ là những thông báo cùng với đó là danh sách các khoản phải đóng và “mặc định” phụ huynh phải nộp cho con. Hay như việc học thêm ở trường cũng vậy, dù nói học thêm là tự nguyện nhưng cô giáo lại yêu cầu học sinh về nhà viết đơn đề nghị, thậm chí phải ra phường xin dấu xác nhận. Nhiều khi không chỉ tôi thấy áp lực về các khoản đóng góp, mà còn thấy thương con bởi thời gian học tập quá áp lực, không được nghỉ ngơi… Tôi nghe nói trong năm học này có nhiều quy định mới chi tiết, cụ thể hơn về các khoản thu đầu năm, hy vọng sẽ có nhiều thay đổi, mọi thứ được công khai, minh bạch và rõ ràng, để phụ huynh thoải mái trong việc đóng góp cho con đến trường”.

Nhắc đến câu chuyện các khoản đóng đầu năm học, lại nhớ năm học 2021-2022, một trường tiểu học trên địa bàn thị trấn Nga Sơn bị phụ huynh phản ánh vì con em họ phải đóng khoảng 20-23 khoản phí, quỹ. Trong đó, có nhiều khoản thu mà Ban giám hiệu nhà trường gọi là xã hội hóa, vận động và tự nguyện. Dẫu vậy, nhiều khoản thu nhà trường đưa ra (ngoài các khoản thu bắt buộc) lại không nhận được sự đồng thuận, thậm chí là phản ứng gay gắt của phụ huynh học sinh.

Có thể nhận thấy, hầu hết “phản ứng” của phụ huynh đối với việc đóng góp đầu năm chủ yếu tập trung vào các khoản thu dịch vụ, dạy thêm học thêm, các loại quỹ (ngoài các quỹ bắt buộc)… Và đặc biệt là các khoản thu được gọi chung là xã hội hóa, đóng góp tự nguyện. Tự nguyện mà không tự nguyện. Bởi không mấy ai được lựa chọn mức đóng góp, cũng như tùy vào điều kiện kinh tế gia đình để lựa chọn có đóng hay không. Chính sự tự nguyện một cách “bắt buộc” đã gây bức xúc trong phụ huynh ở nhiều địa phương.

Bà Trịnh Thị Tiến, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thọ Xuân cho biết: “Trước mỗi năm học, phòng luôn tổ chức các buổi họp nhằm triển khai và quán triệt đến các trường về các khoản thu theo quy định. Với ngay cả những khoản thu trong quy định nếu phụ huynh có ý kiến thì nhà trường phải có trách nhiệm giải thích, tuyên truyền để phụ huynh hiểu rõ. Còn lại, những khoản thu không nằm trong danh mục đã được duyệt thu thì tuyệt đối không được phép thu”.

Còn ông Lê Thành Đồng, quyền Trưởng phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa cho rằng: “Để xảy ra ý kiến phản ánh của phụ huynh về các khoản đóng góp đầu năm ở một số trường học do nhiều nguyên nhân. Có nhiều đơn vị trường học dù thu không sai quy định, nhưng do quá trình triển khai, tuyên truyền đến phụ huynh không rõ ràng dẫn đến hiểu nhầm. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp Ban giám hiệu một số trường qua quá trình nắm bắt chưa “hiểu hết” văn bản dẫn đến thu sai, thu chưa đúng quy định. Dù là nguyên do từ đâu, thì việc để xảy ra phản ứng, ý kiến trái chiều của phụ huynh về các khoản thu cũng là điều không nên. Theo đó, trong năm học mới này, căn cứ các văn bản của Bộ GD&ĐT; văn bản của HĐND, UBND tỉnh; và hướng dẫn triển khai, thực hiện các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2022-2023 ngày 16-9-2022 của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa đã họp bàn thống nhất, xin ý kiến của phòng tài chính, UBND thành phố nhằm cụ thể hóa hướng dẫn của Sở GD&ĐT về các khoản thu để triển khai xuống các trường. Về một số khoản thu (ngoài các khoản thu cố định, bắt buộc) thì các nhà trường được phép thu thấp hơn mức quy định nhưng tuyệt đối không được cao hơn mức tối đa”.

Cũng theo ông Lê Thành Đồng, trong năm học mới này, việc triển khai thu ở các đơn vị trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn. Sau khi phòng tổ chức quán triệt, triển khai đến các hiệu trưởng. Ban giám hiệu các trường học sẽ phổ biến đến giáo viên và Ban đại diện hội cha mẹ học sinh. Mỗi nhà trường sẽ phải xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng nội dung thu (thu bắt buộc, thu hộ, xã hội hóa, dịch vụ) và thông tin rõ ràng đến phụ huynh. Trong đó, xã hội hóa không quy định mức trần nhưng không được phép chia đều, bình quân. Và tùy theo từng đơn vị trường học, thiếu cái gì thì xã hội hóa cái đó, trên tinh thần đồng thuận.

“Lạm thu” - thu sai quy định không bỗng nhiên xuất hiện, trở thành “nỗi buồn” của ngành GD&ĐT mỗi dịp đầu năm. Tuy nhiên, mọi sự “tồn tại” bất hợp lý đều đòi hỏi phải được giải quyết triệt để. Trong năm học 2022-2023, “căn bệnh” này đang được “bắt bệnh” và “trị bệnh” một cách tích cực bởi sự vào cuộc nghiêm túc của các cấp, ngành và cả hệ thống giáo dục.

Bài và ảnh: Lương Khoa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]