(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng để nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu thì năng lực sử dụng ngoại ngữ , đặc biệt là Tiếng Anh là yêu cầu hết sức cấp bách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ: Yêu cầu cấp thiết

(VH&ĐS) Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng để nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu thì năng lực sử dụng ngoại ngữ , đặc biệt là Tiếng Anh là yêu cầu hết sức cấp bách.

Tại Thanh Hóa, sau 9 năm triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” của Bộ GD&ĐT, thực tế cho thấy chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh trong các nhà trường còn thấp. Theo thống kê điểm thi môn Tiếng Anh của tỉnh Thanh Hóa trong kỳ thi THPT Quốc gia 2 năm gần đây cho thấy: Năm 2015, toàn tỉnh có 2,32% học sinh đạt điểm khá giỏi; 3,03% học sinh đạt điểm trung bình; 94,65% học sinh đạt điểm yếu kém. Thậm chí, năm 2016 kết quả còn thấp hơn: chỉ có 0,46% học sinh đạt điểm khá giỏi, 1,83% học sinh đạt điểm trung bình và có đến 97,71% học sinh đạt điểm yếu kém. Thanh Hóa chỉ xếp thứ 56 trên tổng số 63 tỉnh thành cả nước về điểm trung bình thi Tiếng Anh.

Nguyên nhân thực trạng

Số lượng giáo viên vừa thiếu vừa yếu, phương pháp đào tạo chưa bắt kịp với yêu cầu xã hội, nền tảng kiến thức ngoại ngữ từ bậc tiểu học, trung học cơ sở của hầu hết học sinh còn yếu, học sinh và phụ huynh chưa nhận thức được tầm quan trọng cũng như không chú trọng học ngoại ngữ... là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chất lượng dạy và học Tiếng Anh trong các trường THPT đạt thấp.

Trường Nguyễn Xuân Nguyên (Quảng Xương) hiện có 6 giáo viên biên chế môn Tiếng Anh nhưng chỉ có 1/6 giáo viên đạt trình độ theo yêu cầu. Hàng năm nhà trường, thậm chí cả phụ huynh, học sinh đều phải mời thêm từ 3 - 4 giáo viên từ các trung tâm về dạy Tiếng Anh theo tinh thần tự nguyện của học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Văn Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện tại nhà trường có 10 giáo viên Tiếng Anh cả biên chế và hợp đồng. Mặc dù hàng năm, nhà trường đã tạo điều kiện cho các giáo viên biên chế đi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu. Đây là một sự bất cập lớn.

Trường THPT Lưu Đình Chất, (xã Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa) có 8 giáo viên dạy Tiếng Anh, thừa đến 50% so với nhu cầu. Tuy nhiên, điểm trung bình thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh của nhà trường nhiều năm qua vẫn nằm trong top cuối của cả tỉnh. Lý giải về thực trạng này, cô giáo Hoàng Thị Thúy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường hiện chỉ có 2 trên tổng số 8 giáo viên dạy Tiếng Anh đạt chuẩn C1 theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, 6 giáo viên còn lại chỉ đạt trình độ đào tạo hệ tại chức. Thêm vào đó cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học môn Tiếng Anh còn thiếu thốn nên dù các giáo viên đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu chất lượng đào tạo.

Các nhà trường đang nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh.

Ở nhiều trường THPT khác trên địa bàn toàn tỉnh, mặc dù giáo viên có trình độ đạt chuẩn nhưng do giáo viên và học sinh tại đây vẫn giữ phương pháp học thực dụng “thi gì học nấy”, chỉ chú trọng vào lý thuyết ngữ pháp thay vì rèn luyện khả năng nghe, nói... Thêm vào đó, đa phần học sinh chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, mục tiêu trước mắt là đậu đại học nên môn ngoại ngữ bị “xem nhẹ”... dẫn đến chất lượng không đáp ứng được nhu cầu.

Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, thì những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất ở nhiều nhà trường, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chưa đáp ứng được về trang thiết bị cho việc dạy và học môn ngoại ngữ. Các phần mềm dạy ngoại ngữ gần như chưa có và phòng học ngoại ngữ riêng cùng các thiết bị hỗ trợ như: máy tính, máy chiếu đa năng, máy chiếu vật thể, bảng thông minh... đó vẫn còn là mơ ước của các giáo viên ngoại ngữ ở hầu hết các nhà trường.

Cần một giải pháp vĩ mô cho môn ngoại ngữ

Đổi mới phương pháp dạy học; phân luồng học sinh theo nhu cầu của học sinh và phù hợp với từng khối học để nâng cao chất lượng dạy và học; tổ chức nhiều chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh các lớp giao lưu bằng Tiếng Anh bằng cách cho các em sinh hoạt trong các câu lạc bộ; Đưa thêm môn học tự chọn: Dạy Toán bằng Tiếng Anh cho học sinh (nhà trường đã đưa giáo viên Toán đi đào tạo); các phòng học Tiếng Anh được đầu tư bài bản với tivi nối mạng internet; các khẩu hiệu trong nhà trường đều là song ngữ... Với mục đích tạo ra một môi trường và không khí học Tiếng Anh sôi nổi, Trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên đã có nhiều cách làm sáng tạo để nâng cao hiệu quả việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường.

Thầy giáo Nguyễn Văn Ngọc cho ý kiến: Không thể ngay lập tức nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh trong toàn tỉnh mà nên lựa chọn đối tượng tác động trước mắt là những em học sinh giỏi. Trong kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh hàng năm Sở GD&ĐT nên đưa môn Tiếng Anh vào thi như một điều kiện cần đối với các em học sinh giỏi. Nếu các em qua được vòng thi Tiếng Anh thì mới được tiếp tục thi các môn tự chọn khác. Nếu làm được điều này sẽ thúc đẩy các nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh và các em học sinh sẽ có ý thức học môn Tiếng Anh. Chắc chắn chất lượng dạy và học Tiếng Anh qua các năm sẽ được nâng lên. Quan trọng nhất trong nền giáo dục hiện nay là làm thế nào để kỳ thi tốt nghiệp THPT phải học thực, thi thực một cách nghiêm túc.

Thầy giáo Trần Như Chuyên - Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa) cho biết: Chất lượng dạy và học Tiếng Anh hiện nay là một vấn đề mang tính xã hội. Do đó, trước hết cần nâng cao nhận thức của người dân và các em học sinh về tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ; cần có giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên không chỉ về chuyên môn mà còn cả về cái tâm với nghề; ngoài phương tiện, máy móc trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học cần được trang bị thì một chương trình phù hợp với trình độ học sinh và tiếp cận được với thị trường lao động là hết sức cần thiết.

Các nhà trường cần yêu cầu các giáo viên bộ môn Ngoại ngữ khi xây dựng giáo án, nội dung bài giảng cần phải chú trọng những kiến thức cơ bản, nâng cao phù hợp với từng đối tượng học sinh, đồng thời tăng cường sử dụng các phòng học chức năng của môn Ngoại ngữ để nâng cao khả năng nghe, nói, đọc, viết tăng thêm hứng thú học cho học sinh.

Dẫu vẫn biết để đạt được mục tiêu mà Đề án dạy và học ngoại ngữ đưa ra còn rất nhiều khó khăn, nếu không thực sự nỗ lực, cố gắng thì đích đến để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ là điều khó khả thi. Do đó cần lắm các giải pháp đồng bộ từ các cấp quản lý.

Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]