(vhds.baothanhhoa.vn) - Xác định phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 5 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2015 - 2020 nhằm tạo đột phá trong quá trình phát triển, những năm qua tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội, tăng lợi thế cạnh tranh và tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực

Xác định phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 5 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2015 - 2020 nhằm tạo đột phá trong quá trình phát triển, những năm qua tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội, tăng lợi thế cạnh tranh và tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác định 1 trong 5 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2015 - 2020 là “Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực”; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020 tại Quyết định số 291-QĐ/TU ngày 27/5/2016.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Kết quả, 5 năm qua, toàn tỉnh đào tạo, cung ứng cho thị trường trên 410.600 lao động, vượt 3,7% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 55% năm 2015 dự kiến lên 70% năm 2020, đạt kế hoạch. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp có chuyển biến rõ rệt; 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện, 96% cán bộ công chức cấp xã và 99,5% viên chức đạt chuẩn về trình độ theo quy định. Ở cấp tỉnh và huyện, đã tổ chức đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho hơn 900 người trong nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý từ cấp trưởng phòng trở lên; đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho hơn 4.000 người là trưởng, phó phòng, nguồn quy hoạch trưởng, phó phòng và tương đương; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho 2.393 người. Đến nay, số lượng cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện có trình độ tiến sĩ tăng từ 18 người năm 2015 lên 39 người, trình độ thạc sĩ tăng từ 638 người năm 2015 lên 1.004 người. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có khoảng 76.000 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp.

Cùng với đó, Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ trí thức, phát huy vai trò, trách nhiệm đi đầu của đội ngũ này trong việc truyền bá tri thức, văn hóa vào sản xuất và đời sống. Ban hành các chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ này phát huy năng lực, cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự phát triển của tỉnh.

Ngay sau khi có kết quả phê duyệt quy hoạch và để chuẩn bị tốt nguồn nhân sự cho nhiệm kỳ tiếp theo, ngày 04/4/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 82-KH/TU, về bồi dưỡng cho 151 đồng chí là cán bộ dự nguồn ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Quan tâm đến công tác đào tạo, thu hút đội ngũ chuyên gia đầu ngành, Thanh Hóa đã ban hành một số cơ chế, chính sách để đào tạo, thu hút đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chất lượng cao cho tỉnh, như hỗ trợ kinh phí đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo và thưởng khi được công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; hỗ trợ hoạt động và thu hút, đào tạo cán bộ, giảng viên cho Phân hiệu Đại học (ĐH) Y Hà Nội tại Thanh Hóa, hướng tới thành lập ĐH Y Thanh Hóa; cơ chế, chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh... Đến nay, tỉnh đã thu hút được trên 30 bác sĩ nội trú đang học tại ĐH Y Hà Nội cho Phân hiệu ĐH Y Hà Nội tại Thanh Hóa.

Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa ra đề án đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ngành sư phạm nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn giáo viên THPT chất lượng cao giai đoạn 2022-2030, từ năm 2018, Trường ĐH Hồng Đức được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo 4 ngành sư phạm chất lượng cao trình độ ĐH.

Cùng với đó, sau gần 10 năm thực hiện Đề án “Liên kết đào tạo nguồn nhân lực có trình độ ĐH và sau ĐH với các trường ĐH nước ngoài”, đến nay, nhà trường đã gửi 202 học viên đi đào tạo nước ngoài theo đề án. Nhiều chương trình liên kết mang lại hiệu quả cao. Hiện, nhà trường đang tích cực phối hợp với Trường ĐH Anhalt xây dựng đề án liên kết đào tạo ĐH, sau ĐH, phát triển chương trình tiếng Đức tại Trường ĐH Hồng Đức...

Ngoài ra, hiện các cơ sở giáo dục ĐH trên địa bàn Thanh Hóa đã tập trung đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực và năng lực người học, kết hợp với các cơ sở thực hành, thực tập, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo; thực hiện rà soát, đánh giá lại năng lực đào tạo của từng chuyên ngành đào tạo; xác định rõ những ngành nghề có thế mạnh, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh để tập trung xây dựng thành các khoa, ngành đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia và khu vực; xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra đối với từng ngành, nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu xã hội. Theo thống kê, giai đoạn 2016 - 2020 các cơ sở giáo dục ĐH trong tỉnh đã đào tạo, cung cấp cho thị trường lao động trong tỉnh khoảng 18.000 người trình độ ĐH và sau ĐH, trong đó trình độ sau ĐH khoảng 1.330 người. Các chuyên ngành đào tạo chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, kỹ thuật công trình, nông, lâm, ngư nghiệp, sư phạm, văn hóa, thể thao và du lịch... Các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong tỉnh đã tuyển sinh đào tạo, kèm cặp truyền nghề cho 392.988 người.

Nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cải tạo nâng cấp hệ thống nhà xưởng, thực hành phù hợp thực tế sản xuất của các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu xã hội; đồng thời rà soát, sắp xếp và tổ chức lại cho phù hợp với định hướng phát triển...góp phần đào tạo nguồn lao động chất lượng, sẵn sàng phục vụ cho các chương trình, dự án lớn của tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có 92 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Giai đoạn 2016 - 2020, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong tỉnh đã tuyển sinh đào tạo, kèm cặp truyền nghề cho 392.988 người...

Những kết quả đã đạt được trong công tác đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020, đã góp phần tạo chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm lao động trong khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản, tăng lao động khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Hiệu quả sử dụng lao động trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp từng bước được nâng lên.

Có thể khẳng định, phát triển nguồn nhân lực, có vai trò quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực đã và đang tạo ra “cú hích” để Thanh Hóa thu hút thêm nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng đến mục tiêu đến năm 2030 Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc như Nghị quyết 58-NQ/TW đã đề ra.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]