(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục (MNĐLTT) trên địa bàn TP Thanh Hóa ngày càng chuyên môn hóa, đúng quy định về tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ…

Nâng cao hiệu quả hoạt động ở cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục

Nhiều cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục (MNĐLTT) trên địa bàn TP Thanh Hóa ngày càng chuyên môn hóa, đúng quy định về tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ…

Nâng cao hiệu quả hoạt động ở cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thụcKhu vui chơi hoạt động ngoài trời cho trẻ ở cơ sở giáo dục MNĐLTT OHANA.

Năm 2020, cơ sở MNĐLTT OHANA (phường Đông Thọ) được thành lập. Thời gian đầu, cơ sở chỉ tuyển sinh được 6 trẻ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, cơ sở có gần 50 trẻ với 3 nhóm lớp, gồm 1 nhóm nhà trẻ và 2 nhóm mẫu giáo.

Một khoảng thời gian khó khăn phải đối diện không chỉ riêng cơ sở MNĐLTT OHANA, đó là ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Vượt khó và nỗ lực để duy trì hoạt động, đến nay, OHANA đã và đang từng bước nâng cao chất lượng về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Ngoài đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, ở OHANA với mỗi phòng học là 40m2/16 trẻ (theo quy định bảo đảm ít nhất 1,5m2/1 trẻ), có ti vi, máy chiếu. Tại đây, cơ sở có khu vui chơi hoạt động ngoài trời cho trẻ và mới đây cơ sở cũng đã xây dựng một sân khấu để trẻ biểu diễn văn nghệ… Đặc biệt, theo chủ đề học tập từng tháng, cơ sở thường tổ chức cho học sinh tham quan dã ngoại để trẻ có điều kiện khám phá thiên nhiên.

Theo anh Phạm Quang Trung, quản lý lớp MNĐLTT OHANA thì 3 tiêu chí được quan tâm hàng đầu đối với cơ sở đó là vấn đề về dinh dưỡng, vấn đề an toàn và chuyên môn. Anh Trung nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định cần có sự cẩn trọng về thực phẩm cho trẻ vì hôm nay dạy thiếu thì ngày mai có thể dạy thêm nhưng hôm nay ăn sai rồi thì ngày mai không bao giờ có chuyện ăn sai cả. Về độ an toàn cho trẻ, phải cẩn thận từ ô cửa sổ, từ những đồ chơi... Còn vấn đề chuyên môn, chúng tôi cố gắng thiết kế các hoạt động gần gũi gắn liền với trẻ, hạn chế “dạy chay” truyền thống”. Cũng theo quản lý cơ sở MNĐLTT OHANA, dự kiến quý 4 năm nay, cơ sở sẽ đưa thêm một số hoạt động cho trẻ như tập yoga, ngoại ngữ…

Cách đây 7 năm, cơ sở giáo dục MNĐLTT IQ được thành lập. Hiện IQ có 4 cơ sở tại các phường: Đông Vệ, An Hưng với tổng 250 trẻ. 4 cơ sở với các phòng học, phòng chức năng, khu vui chơi hoạt động ngoài trời được xây dựng quy mô, thoáng mát.

Ở MNĐLTT IQ, chương trình học được thiết kế đa dạng giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, thẩm mĩ, ngôn ngữ và tình cảm xã hội. Theo đó, sẽ cung cấp cho trẻ kiến thức và kỹ năng về thể chất, tinh thần và kỹ năng sống để trẻ hoàn toàn tự tin trong cuộc sống hàng ngày.

Nâng cao hiệu quả hoạt động ở cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thụcGiáo viên người Philippines dạy tiếng Anh cho trẻ ở cơ sở giáo dục MNĐLTT IQ.

Với phương châm lấy trẻ làm trung tâm và ứng dụng phương pháp dạy học tích cực, bên cạnh chương trình học mầm non, nhà trường còn kết hợp phương pháp giáo dục sớm Glenndoman, Montessori, tiếng Anh, bộ môn yoga, võ thuật vào chương trình hàng ngày của trẻ… “Chúng tôi luôn coi trọng sự khác biệt của trẻ. Vì vậy từ xây dựng chương trình học, lựa chọn đồ dùng đồ chơi đến cách chăm sóc dựa trên đặc điểm, sở thích cá nhân của từng trẻ, giúp trẻ độc lập và sáng tạo, có khả năng tự giải quyết vấn đề, tự tin, tự trọng....”, chị Trịnh Hồng Nhung, quản lý cơ sở giáo dục MNĐLTT IQ cho biết.

Hiện trên địa bàn TP Thanh Hóa có 121 cơ sở giáo dục MNĐLTT với 245 nhóm lớp và 4.200 trẻ. So với tổng quy mô của cấp học mầm non, số trẻ chiếm khoảng 16%. Sự ra đời của các cơ sở giáo dục MNĐLTT đã góp phần giảm bớt gánh nặng và tình trạng quá tải cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn TP Thanh Hóa. Đa số các chủ nhóm, lớp đã quản lý và sắp xếp giáo viên trực tiếp chăm sóc giáo dục trẻ có nghiệp vụ sư phạm mầm non, tỷ lệ giáo viên trên trẻ đạt yêu cầu. Nhiều nhóm, lớp đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm và xây dựng theo các quy chuẩn bao gồm phòng học, nhà vệ sinh, nhà bếp, chỗ chơi dành cho trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế đối với cơ sở giáo dục MNĐLTT đó là diện tích phòng của một số nhóm lớp chưa đúng theo quy định, trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi còn thiếu và xuống cấp. Ngoài ra, một số cơ sở chưa đảm bảo 100% giáo viên trực tiếp đứng lớp có trình độ chuyên môn đạt chuẩn… Theo bà Bùi Thị Vân Anh, viên chức mầm non Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thanh Hóa, để nâng cao chất lượng đối với cơ sở giáo dục MNĐLTT có 2 vấn đề đặt ra. Thứ nhất, cần phải nêu cao vai trò trách nhiệm của UBND phường, xã nơi có các cơ sở giáo dục MNĐLTT. Thứ hai, các cơ sở MNĐLTT phải luôn đặt sự an toàn và phát triển toàn diện cho trẻ lên hàng đầu. Để làm được điều này, phải không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn và khả năng đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Quan trọng là phải tạo được niềm tin ở cha mẹ của trẻ…”.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]