(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ xa xưa đến nay, nghề giáo vẫn được ngợi ca là nghề cao quý và người làm thầy (thầy giáo, cô giáo) luôn có vị thế đặc biệt trong xã hội, được người đời coi trọng. Song, vẫn có những “nỗi niềm” mà người trong nghề mong muốn được nhìn nhận, thấu hiểu và sẻ chia một cách “công bằng”.

Nghề “trồng người” cao quý

Từ xa xưa đến nay, nghề giáo vẫn được ngợi ca là nghề cao quý và người làm thầy (thầy giáo, cô giáo) luôn có vị thế đặc biệt trong xã hội, được người đời coi trọng. Song, vẫn có những “nỗi niềm” mà người trong nghề mong muốn được nhìn nhận, thấu hiểu và sẻ chia một cách “công bằng”.

Nghề “trồng người” cao quýDốc lòng, tận tâm với nghề “trồng người” cao quý, người làm thầy luôn là tấm gương để học sinh noi theo. (Ảnh chụp tại Trường THPT chuyên Lam Sơn).

Tôi tin rằng bất cứ ai trong chúng ta từng cắp sách đến trường đều “nằm lòng” những lời răn dạy của người xưa, như: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy); “Không thầy đố mày làm nên”; “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Việc “yêu lấy thầy” được hiểu theo nghĩa là sự tôn trọng của cha mẹ dành cho thầy dạy của con mình. Tương tự, trong cuộc đời của mỗi con người, chúng ta có thể sẽ theo học nhiều người thầy và người dạy ta dù chỉ một chữ, một ngày cũng là thầy, đáng để ta tôn trọng. Tôn sư trọng đạo chính là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Trong ký ức của mình, tôi vẫn nhớ khi bước chân vào lớp 1, bố tôi làm thợ mộc, bố không chỉ làm cho tôi cây thước gỗ nhỏ mà còn làm một cây thước gỗ lớn “tặng” cô giáo dạy con mình. Tôi không thể nhớ biết bao lần hai bàn tay lem nhem mực viết của mình đã phải chịu phạt từ cây thước gỗ của cô giáo. Vậy nhưng, tôi chưa từng thấy mình oan ức. Cũng như vậy, bố mẹ tôi chưa bao giờ trách cứ cô giáo. Còn bố tôi, người đàn ông quê mùa và kiệm lời nghiêm khắc nói với tôi: “Nếu con cố gắng làm tốt hơn, cô giáo nhất định không phạt”.

Lớn lên theo thời gian, trong cuộc đời mình, tôi được gặp nhiều hơn những người thầy. Mỗi người thầy, ngoài dạy chữ, còn là tấm gương đạo đức, dạy tôi cách làm người. Tôi luôn nghĩ, mình may mắn vì trong cuộc đời đã gặp được những người thầy thật sự tốt. Và tôi muốn “khoe” với bạn về những người thầy dạy đại học của mình. Những người thầy mà trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 chỉ nhận của sinh viên duy nhất bó hoa tươi thắm, thầy nhất quyết không nhận bất cứ thứ quà tặng nào khác, dù đó là chiếc áo sơ mi. Thầy nói, nếu hôm nay thầy nhận chiếc áo này, năm sau chắc chắn thầy sẽ phải nhận thêm những chiếc áo khác; đó là còn chưa kể nhiều thầy giáo còn dành cả tiền lương giảng viên đại học ít ỏi để giúp sinh viên đóng học phí khi đến hạn… Bởi vậy, nếu để nói lên cảm xúc của mình với những người thầy, với tôi vẫn vẹn nguyên niềm kính trọng và biết ơn.

Tôi cũng tin, tấm gương về nhân cách, đạo đức của những người thầy tôi may mắn gặp trong cuộc đời mình không phải là số ít. Họ có ở khắp nơi trong cuộc sống này. Chỉ là ở những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, mỗi thầy, cô giáo sẽ “tỏa sáng” theo những cách rất thực và rất đời thường.

Nếu một lần ngược ngàn lên với khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, bạn sẽ hiểu sự hy sinh thầm lặng của những thầy, cô giáo bám bản. Họ cũng có thanh xuân, tuổi trẻ và mong muốn sống ở nơi phồn hoa. Nhưng lại nói “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Vì thế, không ít thầy cô “lên non” khi tóc còn xanh, đến khi mái tóc pha sương, ngả màu cũng là lúc người thầy đã thực sự trở thành một phần của bản làng. Và dù cho bản vẫn nghèo, đường đi vẫn khó nhưng nhiều thầy cô đã chẳng còn nhắc đến câu chuyện “về xuôi” nữa.

Hay một cô giáo mầm non trẻ mà tôi biết, trong tâm sự của mình, em “ấm ức” kể về những nỗi niềm làm nghề. Từ việc một số phụ huynh có thái độ, hăm dọa cô giáo ra sao khi con họ chẳng may bị bạn cùng lớp xô ngã. Rồi không ít phụ huynh lại xem cô giáo mầm non tận tình dạy con mình như “người trông trẻ” để có những hành xử thiếu tôn trọng. Nhưng sau những phút giây thoáng qua về ý định bỏ nghề, sau những mệt mỏi, em lại nghĩ đến lý do mình bắt đầu. “Em yêu những đứa trẻ. Còn có sai là ở người lớn, trẻ con ngây thơ không có lỗi”, giọng cô giáo mầm non chùng xuống.

“Nhân vô thập toàn”. Bên cạnh những người thầy cô đáng kính, đâu đó vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh” khiến dư luận xã hội bức xúc. Tuy nhiên, không nên - không thể vì thế mà chúng ta vội vàng quy chụp và có cái nhìn phiến diện về nghề giáo cũng như những thầy cô đang nỗ lực cho sự nghiệp trồng người.

Nghề “trồng người” cao quýVới tình yêu nghề, nhiều thầy, cô giáo đã ngược ngàn lên miền núi xa xôi để “gieo chữ”.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề dạy học, thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn cho biết: “Khi bước chân vào nghề, mỗi thầy, cô giáo cần xác định rõ thiên chức của nghề giáo là giáo dục. Và mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục là để học sinh thành người, thành công dân tốt cho xã hội. Xác định được rõ điều này, người làm nghề sẽ có những hành xử chuẩn mực. Làm nghề nào cũng khó, làm nghề giáo càng khó hơn. Thời gian qua, những vụ việc xảy ra đâu đó trong xã hội liên quan đến đạo đức, tư cách, hành xử của một số người làm nghề giáo thực sự là điều đáng tiếc. Và đó nên là bài học để mỗi người làm nghề “soi” vào đó rút kinh nghiệm cho chính mình. Tuy nhiên, ở mỗi vụ việc xảy ra, xã hội cũng nên có cái nhìn đa chiều và thực sự công bằng, độ lượng hơn với người làm thầy. Trong một số vụ việc, việc thông tin không đầy đủ, vội vàng phán xét sẽ dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc, gây tổn thương cho người thầy”.

Cũng theo thầy Nguyễn Thanh Sơn: “Nhiều người vẫn nói, nghề giáo ngày nay áp lực, nhưng tôi cho rằng, từ xưa đến nay, nghề giáo vẫn luôn nhiều khó khăn, áp lực. Bố mẹ tôi đều là những thầy, cô giáo làm nghề trong giai đoạn đất nước chiến tranh và những năm bao cấp khó khăn. Ngoài thời gian lên lớp, để có thêm thu nhập cho gia đình, bố mẹ tôi đã phải vất vả làm thêm nhiều công việc. Tuy vậy, tôi luôn thấy ở bố mẹ mình tình yêu nghề tha thiết. Đó cũng là lý do, tôi định hướng cho con cái mình theo nghề truyền thống của gia đình. Đương nhiên, trong sự phát triển nhanh của xã hội hiện đại, bên cạnh chuyên môn vững, thầy cô giáo bắt buộc phải cập nhật các thông tin, nghiệp vụ để bồi dưỡng kỹ năng, hoàn thiện chính mình, có như vậy với thực sự trở thành người “dẫn đường” cho học sinh thân yêu. Khi người làm thầy nỗ lực hết mình, nghề sẽ không bao giờ “phụ” người có tâm”.

Bài và ảnh: Lương Khoa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]