(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 8920 ngày 26/7/2018, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tích cực sửa chữa, xây dựng các công trình vệ sinh. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều nhà vệ sinh ở các trường học chưa đảm bảo gây nên nỗi ám ảnh và sợ hãi cho học sinh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà vệ sinh trường học: Ám ảnh và sợ hãi

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 8920 ngày 26/7/2018, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tích cực sửa chữa, xây dựng các công trình vệ sinh. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều nhà vệ sinh ở các trường học chưa đảm bảo gây nên nỗi ám ảnh và sợ hãi cho học sinh.

Nỗi ám ảnh

Trường THCS Xuân Hòa (Như Xuân) được xây dựng theo dự án di dân lòng hồ Cửa Đạt, nhà trường có khu vệ sinh gồm 6 phòng vệ sinh bán tự hoại, 3 phòng vệ sinh nữ và 3 phòng vệ sinh nam được xây dựng từ năm 2003 và cải tạo lại năm 2017. Tuy nhiên, giáo viên cũng phải dùng chung nhà vệ sinh với học sinh. Điều đáng nói ở đây là do không có hệ thống nước sạch, không có giếng khoan mà tất cả nước sinh hoạt, tưới cây và nước dùng cho nhà vệ sinh đều được xách từ hồ lên với quãng đường xa vài chục mét.

Ông Lê Nhân Trí - Trưởng phòng GD&ĐT Như Xuân cho biết: Những năm trở lại đây do tuyên truyền tốt, nhận thức của người dân đã được cải thiện rất nhiều. Huyện đã có 100% nhà vệ sinh cho giáo viên và học sinh hợp vệ sinh. Tuy nhiên, để đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định thì chưa đạt, đặc biệt là công trình nước sạch rất khó khăn. Hàng năm, phòng cũng đã tích cực tuyên truyền và chỉ đạo các nhà trường tiết kiệm phần nghiệp vụ để cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh.

Đến thời điểm này, hơn 400 học sinh và giáo viên của Trường Tiểu học Hợp Lý (Triệu Sơn) vẫn dùng chung một nhà vệ sinh. Điều này gây rất nhiều bất tiện cho cả giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, do xây dựng không theo một quy chuẩn nào nên nhà vệ sinh rất tối và ẩm thấp. Cô Đàm Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hợp Lý cho biết: Nhà trường cũng đã thuê người thường xuyên dọn dẹp nhưng do nhiều người sử dụng, nên tình trạng quá tải làm phát sinh mùi hôi. Thêm vào đó, nhà vệ sinh xây dựng đã lâu, diện tích quá nhỏ nhưng phải phục vụ cho hàng trăm học sinh và giáo viên dẫn đến nhiều vấn đề khá bất tiện.

Tương tự như vậy, tại Trường Tiểu học Thiệu Chính (Thiệu Hóa) hiện có hơn 300 học sinh nhưng chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh chật hẹp được xây dựng cách đây hàng chục năm. Vào giờ cao điểm như giờ ra chơi nhà vệ sinh luôn trong tình trạng quá tải. Mặc dù mới được cải tạo lại nhưng do không được dọn dẹp thường xuyên nên nhà vệ sinh vẫn nhếch nhác, bốc mùi.

Để nhà vệ sinh luôn đảm bảo vệ sinh, các nhà trường cần hướng dẫn các cháu cách sử dụng nhà vệ sinh đúng cách.

Thiếu nhà vệ sinh, nhà vệ sinh nhếch nhác, dơ bẩn, xuống cấp, quá tải là thực trạng chung của nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Ngay cả những trường chuẩn quốc gia, dù đã xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chí nhưng công tác dọn rửa không được quan tâm đúng mức hoặc do ý thức người sử dụng chưa cao cũng đã khiến cho nhà vệ sinh trở thành nỗi ám ảnh của học sinh và thậm chí cả giáo viên mỗi khi buộc phải sử dụng.

Và những nỗ lực

Để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đạt chuẩn tại các trường học, nhiều địa phương đã dành kinh phí từ ngân sách và huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình nhà vệ sinh trường học đạt tiêu chuẩn.

Ông Nguyễn Cao Trãi - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hoằng Sơn (Hoằng Hóa) cho biết: Trước đây, toàn trường có hơn 300 học sinh và cán bộ, giáo viên, nhưng chỉ có 2 khu nhà vệ sinh được xây dựng từ lâu, vừa chật hẹp, vừa xuống cấp nghiêm trọng. Hiện tại, hệ thống nhà vệ sinh đã được chuẩn hóa. Xây mới khu nhà vệ sinh THCS và khu của giáo viên, cải tạo khu nhà vệ sinh tiểu học. Đảm bảo hệ thống nhà vệ sinh sạch theo yêu cầu của trường chuẩn.

Bà Lê Thu Lan - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Hoằng Hóa cho biết: Huyện đang tìm nhà đầu tư, chỉ đạo các nhà trường vận động công tác xã hội hóa giáo dục để cải tạo, sửa chữa công trình nhà vệ sinh hợp quy chuẩn.

Bà Trương Thị Định - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thọ Tân (Triệu Sơn) cho biết: Khu nhà vệ sinh cũ của trường được xây dựng từ năm 2003 đã xuống cấp nghiêm trọng. Đầu năm học mới 2018 - 2019, nhà trường đã kêu gọi xã hội hóa xây dựng được khu vệ sinh khang trang cho giáo viên và học sinh có diện tích sử dụng 77m2 gồm 1 khu vệ sinh nam và 1 khu vệ sinh nữ, khu vệ sinh dành cho giáo viên và khu rửa tay chung tổng kinh phí 138 triệu đồng. Để giữ cho nhà vệ sinh luôn sạch sẽ đồng thời giáo dục cho các cháu cách sử dụng đúng cách, nhà trường đã hướng dẫn cho các cháu kỹ năng sử dụng, bảo quản nhà vệ sinh đúng cách. Có như vậy thì mới đảm bảo tốt mục tiêu trường lớp luôn xanh, sạch, đẹp.

Bộ GD&ĐT cũng vừa yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát, đầu tư cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch trong trường học. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục cung cấp đầy đủ thông tin vào “Phiếu điều tra thông tin về nhà vệ sinh trường học” và nhập dữ liệu vào phần mềm cơ sở dữ liệu ngành để Bộ GD&ĐT kiểm tra, giám sát, chỉ đạo kịp thời.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]