(vhds.baothanhhoa.vn) - Không chỉ nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa còn xây dựng “Trường học hạnh phúc”, qua đó nhằm hướng tới giúp cho giáo viên, học sinh cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, cũng như góp phần tạo nên một xã hội hạnh phúc.  

Nhân lên những điều tốt đẹp cho học sinh dân tộc

Không chỉ nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa còn xây dựng “Trường học hạnh phúc”, qua đó nhằm hướng tới giúp cho giáo viên, học sinh cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, cũng như góp phần tạo nên một xã hội hạnh phúc.

Nhân lên những điều tốt đẹp cho học sinh dân tộc

Một góc Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa.

Đặc thù là loại hình trường chuyên biệt với đối tượng tuyển sinh, đào tạo là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh còn là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc các em học sinh đến từ các vùng miền, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Trường hiện có 540 học sinh, 100% đến từ các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nên điều kiện kinh tế, học tập gặp nhiều khó khăn. Để giúp các em có điều kiện học tập tốt nhất, nhà trường đã triển khai nhiều kế hoạch, xây dựng lộ trình cụ thể. Đặc biệt, qua rà soát các đối tượng học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, mồ côi cha mẹ… nhà trường kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí, hiện vật giúp các em yên tâm học tập. Hiện nhà trường đang cưu mang một học sinh lớp 11 ở bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn) do mẹ mất đột ngột trong đợt lũ 2018, đồng thời kêu gọi tài trợ từ nguồn xã hội hóa giúp 2 em học sinh quê huyện Thạch Thành, Như Xuân có kinh phí học đại học.

Nhân lên những điều tốt đẹp cho học sinh dân tộc

Nhiều câu lạc bộ văn hóa dân tộc được triển khai trong trường, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Không chỉ đồng cảm, quan tâm chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong các tiết sinh hoạt chào cờ, giáo dục ngoại khóa, nhà trường còn tuyên truyền về những tấm gương học sinh vượt khó, sự vất vả thiệt thòi mà các em phải trải qua. Từ đó, tạo sức lan tỏa giúp học sinh trong nhà trường có thêm nghị lực, ý chí phấn đấu vươn lên trong học tập. Đặc biệt, nhà trường còn chú trọng việc chăm sóc, bảo vệ, không để xảy ra bạo lực học đường, giúp học sinh và thầy cô có thêm sự gắn kết.

Thông qua sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể, ban giám hiệu nhà trường còn tích cực tu sửa cơ sở vật chất trường học, đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt và học tập cho học sinh. Chú trọng cải thiện bữa ăn, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh, xây dựng hệ thống sân chơi, bãi tập, thành lập các câu lạc bộ (bóng đá, bóng bàn, nhảy, câu lạc bộ văn hóa dân tộc…) tạo môi trường sư phạm thân thiện, xanh, sạch. Hiện nay, nhà trường có 18 phòng học, trong đó có 1 phòng học thông minh cấp độ 1, 6 phòng cấp độ 2. Tới đây trường sẽ đấu mối, xin chủ trương đầu tư, hoàn thiện các phòng còn lại để đáp ứng nhu cầu dạy và học của thầy và trò.

Nhân lên những điều tốt đẹp cho học sinh dân tộc

Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư, với hệ thống phòng học thông minh cùng trang thiết bị hiện đại.

Thầy giáo Lê Đình Thuật, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh cho biết, việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” góp phần chuyển biến căn bản nhận thức và hành động về đạo đức, năng lực ứng xử sư phạm của đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh; đồng thời xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, ngăn ngừa đấu tranh với các hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức trong môi trường sư phạm… Quan trọng hơn hết, giúp cho giáo viên, học sinh cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, kiến tạo một xã hội hạnh phúc.

TRUNG LÊ


TRUNG LÊ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]