(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi hỏi: “Chị ước gì trong ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3?” 2 người đàn bà tôi gặp đều nói rằng, họ đã cố gắng để vượt khó, cố gắng làm việc để thoát nghèo, vậy nên điều quan trọng nhất với họ bây giờ là sức khỏe. Có sức khỏe để họ làm việc tích cực hơn, chăm lo cho người thân tốt hơn...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3: Chuyện của những người phụ nữ làm nên hạnh phúc

Tôi hỏi: “Chị ước gì trong ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3?” 2 người đàn bà tôi gặp đều nói rằng, họ đã cố gắng để vượt khó, cố gắng làm việc để thoát nghèo, vậy nên điều quan trọng nhất với họ bây giờ là sức khỏe. Có sức khỏe để họ làm việc tích cực hơn, chăm lo cho người thân tốt hơn...

1. Khi nhớ lại câu chuyện về cuộc đời mình của nhiều năm về trước, Lê Thị Loan sinh năm 1967, ở phố Thành Tân, phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) bỗng rớm nước mắt. Đấy là câu chuyện của một người đàn bà đã đi qua 2 lần đò vẫn không tìm thấy bến đỗ hạnh phúc. Khi ly hôn với người chồng thứ 2 vào năm 2006, gia đình chị lúc ấy đang ở trong Nam, chia tay, chị mang theo 2 con trở ra Bắc và từ đấy chị một mình gồng gánh nuôi 2 con. Trở ra Bắc, chị Loan được người em trai cho một miếng đất nhỏ, vì không có tiền nên chị đành phải vay mượn bạn bè, anh em để dựng một gian nhà đủ để một chiếc chõng và 1 cái bàn học cho con. Chị nhớ lại: “Tôi trở ra Bắc khi tay trắng, lúc đó chỉ có 2 đứa con gái là tài sản quý nhất mà thôi. Có nhà để ở, tôi thấy đó là điều may mắn vô cùng, rồi tôi đi cấy thuê, đi làm phụ hồ, cứ ai thuê gì thì tôi làm. Lúc đấy, tôi chỉ nghĩ được một điều, tôi không làm việc thì 2 con tôi khổ...”.

Hơn 10 năm qua, người đàn bà đầy bản lĩnh ấy đã đi qua nhiều vất vả, lo toan trong cuộc sống để chiến thắng số phận, để rồi như chị đã từng nói: “Nhiều khi tôi cũng bị khủng hoảng tinh thần ghê lắm, tưởng như không còn muốn sống nữa. Nhưng trong lúc khó khăn, may mắn là tôi gặp được nhiều người tốt để giúp tôi đứng dậy và tự tin hơn...”.

Vào năm 2011, chị được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách tỉnh để chăn nuôi, thời gian này chị nuôi hàng trăm con gà. Tiếp đó, chị còn được “CLB xây dựng gia đình hạnh phúc” phường Quảng Thành hỗ trợ cho vay 10 triệu đồng để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế. Trước đó, vào năm 2009, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Thanh Hóa hỗ trợ 10 triệu đồng để xây dựng nhà “Mái ấm tình thương”. Cùng với sự giúp đỡ của anh em, họ hàng, vậy là trên mảnh đất đang ở, chị xây thêm 2 gian nhà để 3 mẹ con có được một ngôi nhà 53m2. Ngày khánh thành nhà, Hội Phụ nữ phường Quảng Thành và các ban, ngành, đoàn thể của phường còn đến tặng bàn ghế, tặng quạt cho gia đình chị...

Đã 3 năm nay, gia đình chị Loan đã thoát nghèo. Con gái đầu cũng đã đi lấy chồng và chị cũng đã lên chức bà ngoại. Cô con gái út đang học lớp 12. Chị Loan thôi không còn chăn nuôi mà vẫn hàng ngày đi làm phụ hồ. Bây giờ, hàng xóm, nếu có ai gặp khó khăn hơn mình, chị vẫn sẵn lòng giúp đỡ. Vì chị nghĩ, họ cũng như chị “ngày xưa”...

2. Năm 2000, chị Nguyễn Thị Ngân lập gia đình với anh Lê Văn Trinh ở thôn Nguyên Trung, xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa). Chị Ngân khi ấy 20 tuổi còn anh Trinh 29 tuổi. Hai vợ chồng về ở với nhau trong một căn nhà cấp 4 nhỏ bé, chật hẹp, hễ cứ mưa xuống là dột...

Ngày qua ngày, chồng đi phụ hồ, vợ đi bán rong hành, tỏi ở khắp các xã của huyện Thiệu Hóa. Cuộc sống nghèo khó hơn khi 3 đứa con lần lượt ra đời. Việc bán hành, tỏi của chị Ngân lời lãi thì ít, nghề phụ hồ của anh Trinh không phải lúc nào cũng đều việc, vậy nên việc đi vay tiền, vay gạo hàng xóm là chuyện thường xuyên diễn ra. Nhớ về những tháng ngày cơ cực, chị Ngân khóc. Chị bảo: “Thời đó khổ lắm, lại ít được sự quan tâm, giúp đỡ của người thân. Hai vợ chồng cứ vật lộn với cuộc sống mà nuôi con thôi...”.

Chị Nguyễn Thị Ngân (bên phải) bán hàng cho khách tại quầy hàng của gia đình.

Năm 2015, “Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc” ở thôn Nguyên Trung hỗ trợ cho gia đình chị Ngân vay vốn với số tiền là 25 triệu đồng để chị mở một quầy hàng tạp hóa. Từ lúc chỉ bán rau, sau này chị mở thêm mặt hàng bánh kẹo, giày dép... Nhờ có quầy hàng này mà kinh tế của gia đình chị cũng đã dần ổn định. Năm 2016, gia đình chị Ngân đã thoát nghèo. Căn nhà cấp 4 cũng đã được sửa sang lại, rộng rãi, vững chắc hơn. Ngay khi chúng tôi đang ngồi trò chuyện với chị Ngân thì một người hàng xóm sang vay tiền của chị dù với một số tiền không lớn. Tôi bỗng chợt thấy vui trong lòng vì thấy cái nghèo, cái khó đã đi xa gia đình người đàn bà chịu thương, chịu khó này...

Ngày 20/3 là ngày Quốc tế hạnh phúc. Xin được trích thông điệp của Tổng thống Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc BanKi Moon gửi các quốc gia nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3/2014: “Hạnh phúc không phải là điều phù phiếm, cũng không phải là điều gì xa xỉ. Hạnh phúc nghĩa là làm việc để chấm dứt xung đột, nghèo đói và các điều kiện không may mắn khác...”.

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]