(vhds.baothanhhoa.vn) - Khác với mô hình thư viện truyền thống, mô hình thư viện xanh, thân thiện được bố trí hợp lý, với tiêu chí gần gũi với thiên nhiên, giúp các em có tinh thần học tập thoải mái, dễ dàng trao đổi tri thức, hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Nhân rộng mô hình thư viện xanh, thân thiện trong trường học

Khác với mô hình thư viện truyền thống, mô hình thư viện xanh, thân thiện được bố trí hợp lý, với tiêu chí gần gũi với thiên nhiên, giúp các em có tinh thần học tập thoải mái, dễ dàng trao đổi tri thức, hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Nhân rộng mô hình thư viện xanh, thân thiện trong trường học“Thư viện xanh”, thân thiện tại Trường Tiểu học Hà Ngọc (huyện Hà Trung) được bố trí khoa học, đẹp mắt.

Đến thăm Trường THCS Lê Quang Trường (xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa) ấn tượng đầu tiên đó là không gian “thư viện xanh” được bố trí đẹp mắt, hấp dẫn. Giữa thiên nhiên thoáng đãng, cây xanh rợp bóng mát, cả 3 khu vực “thư viện xanh” của nhà trường thu hút đông đảo học sinh (HS). Tại đây, các kệ đựng sách, báo được bố trí ngay ngắn, đẹp mắt, đặt ở các vị trí thuận tiện. Toàn bộ khuôn viên thư viện xanh của trường được bố trí tách biệt so với khu vực phòng học, đồng thời xung quanh thư viện được trồng các loại hoa, cây xanh… đảm bảo môi trường thoáng mát, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, đọc sách của HS.

Để tăng thêm sự phong phú về nguồn sách cho thư viện nhà trường, ngoài việc trang bị, bổ sung sách hàng năm, Trường THCS Lê Quang Trường còn tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của mô hình “thư viện xanh”, kêu gọi sự ủng hộ của hội cha mẹ HS. Đến nay “thư viện xanh” của nhà trường đã có trên 300 đầu sách, báo với nhiều thể loại như: sách Văn học, Toán học, Ngoại ngữ, Lịch sử, Khoa học, Kỹ năng sống… Dù mới đưa vào hoạt động từ năm học 2020-2021 nhưng đến nay thư viện xanh đã là điểm đến hấp dẫn đối với HS toàn trường, góp phần quan trọng vào việc phát triển văn hóa đọc trong môi trường học đường, rèn luyện thói quen đọc sách để tiếp thu, trau dồi kiến thức.

Em Lê Thị Hằng, HS lớp 8A, Trường THCS Lê Quang Trường cho biết: “Từ ngày có “thư viện xanh”, em và các bạn thường xuyên ra đây đọc sách mỗi giờ ra chơi. Ở đây, chúng em thoải mái trao đổi kiến thức, dễ dàng tìm những cuốn sách mà mình yêu thích, không bị gò bó như trong thư viện truyền thống. Và hơn hết, chúng em thêm yêu thiên nhiên và có ý thức trong việc giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp”.

Được biết, từ ngày có “thư viện xanh”, số lượng HS Trường THCS Lê Quang Trường tham gia đọc sách nhiều hơn. Nhiều HS từ chỗ không đam mê đọc sách, đã tự tìm đến sách. Các em cũng chính là người tự quản lý, bảo vệ sách và luôn thể hiện trách nhiệm trong việc giữ gìn sách.

Chia sẻ về việc phát triển mô hình thư viện xanh, thân thiện trong trường học, ông Đoàn Đăng Khoa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoằng Hóa cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 99 ngày 17-9-2019 của UBND huyện về chỉnh trang cảnh quan, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện giai đoạn 2019-2025, mỗi nhà trường đã lựa chọn một mô hình để triển khai, thực hiện. Trong đó, mô hình thư viện xanh, thân thiện trong trường học được nhiều nhà trường quan tâm và triển khai có hiệu quả. Việc bổ sung, luân chuyển sách, báo, tạp chí… cho các thư viện được ngành giáo dục và các nhà trường quan tâm. Với mô hình “thư viện xanh”, các nhà trường đã chú trọng xây dựng văn hóa đọc theo chủ đề, chủ điểm, qua đó vừa tuyên truyền vừa giao lưu, giúp HS có cơ hội tiếp xúc với những phương pháp đọc sách hiệu quả. Trong những năm qua, các nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hội thi kể chuyện, vẽ tranh theo sách, đọc diễn cảm… để nêu gương, khen thưởng những tập thể lớp, cá nhân đọc nhiều, nhớ nhiều sách, báo, tạp chí.

Những năm gần đây, ngành giáo dục huyện Hà Trung cũng đặc biệt quan tâm phát triển mô hình thư viện xanh, thân thiện trong trường học, rèn luyện kỹ năng đọc sách cho HS. Trường Tiểu học Hà Ngọc là một điển hình. Để nâng cao văn hóa đọc cho HS, năm học 2016-2017 nhà trường đã xây dựng mô hình “thư viện xanh”. Đến nay, thư viện có tới 7.380 đầu sách, được bố trí, sắp xếp khoa học theo từng chủ đề, phù hợp với lứa tuổi của HS tiểu học, gồm sách phục vụ học tập, sách tham khảo, truyện… Đặc biệt, không gian đọc sách tại thư viện được thiết kế xanh - sạch - đẹp, với các tiểu cảnh trang trí cây cối, hoa cỏ, ghế ngồi, bàn học… thu hút đông HS đến tìm đọc và mượn sách. Bên cạnh đó, nhà trường cũng không ngừng đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động nhằm tạo môi trường thuận lợi cho HS tiếp cận thường xuyên với sách như: xây dựng các câu lạc bộ về sách, tổ chức các hoạt động giao lưu, các cuộc thi, vận động HS vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn…

Nhân rộng mô hình thư viện xanh, thân thiện trong trường học“Thư viện xanh” Trường THCS Lê Quang Trường (huyện Hoằng Hóa) với không gian mở, thoáng mát, thu hút đông đảo học sinh mỗi giờ ra chơi.

Đến nay, mô hình “thư viện xanh”, thân thiện hiện được rất nhiều đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đánh giá cao về tính hiệu quả. Tuy nhiên, để mô hình được nhân rộng và triển khai có hiệu quả hơn đòi hỏi một lượng vốn tài liệu sách, báo tương đối lớn; kinh phí xây dựng; đặc biệt là đội ngũ cán bộ thư viện. Thực tế hiện nay, chỉ một số ít nhà trường trên địa bàn tỉnh có cán bộ thư viện chuyên trách, chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm hoặc phân công cho tổ chức đoàn - đội trong nhà trường quản lý. Theo đó, tài liệu, sách, báo, trang thiết bị cũng như công tác vận hành trong thư viện chưa thực sự hợp lý; chưa có sự hướng dẫn, định hướng để HS có kỹ năng đọc sách tốt hơn, đảm bảo môi trường học tập tích cực trong thư viện.

Có thể nói, công tác thư viện đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và phát triển văn hóa đọc của các em HS. Và mô hình “thư viện xanh”, thân thiện là một bước tiến mới trong việc tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp phù hợp, hiệu quả. Theo đánh giá của một số thầy, cô giáo, phụ huynh và HS ở những trường đã triển khai thư viện xanh: Hiệu quả của mô hình ngoài góp phần xây dựng thói quen tự đọc, tự học cho HS còn rèn luyện tính tự giác, ngăn nắp qua việc tự chọn, bảo quản sách mượn - trả… Phát triển văn hóa đọc giúp các em có sự lựa chọn giải trí lành mạnh ngoài giờ học; là một biện pháp góp phần ngăn chặn, khắc phục một số vấn nạn học đường hiện nay, qua đó, giúp các em hình thành và phát triển nhân cách. Việc nhân rộng và phát huy tính hiệu quả của mô hình “thư viện xanh”, thân thiện cần có sự quan tâm hơn nữa của ngành giáo dục, nhà trường và cả sự ủng hộ của phụ huynh HS.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]