(vhds.baothanhhoa.vn) - Những nữ giáo viên đã không quản vất vả, gian khó, dành cả thanh xuân tuổi trẻ cuộc đời, thậm chí vượt lên cả “định kiến” để nỗ lực theo đuổi việc “gieo chữ” trên vùng non cao. Với hy vọng “thắp” lên tương lai tươi sáng cho những thế hệ trẻ em miền núi…

Những “đóa hoa” miệt mài gieo chữ nơi đại ngàn

Những nữ giáo viên đã không quản vất vả, gian khó, dành cả thanh xuân tuổi trẻ cuộc đời, thậm chí vượt lên cả “định kiến” để nỗ lực theo đuổi việc “gieo chữ” trên vùng non cao. Với hy vọng “thắp” lên tương lai tươi sáng cho những thế hệ trẻ em miền núi…

Những “đóa hoa” miệt mài gieo chữ nơi đại ngànSau 27 năm gắn bó với việc gieo chữ ở Trường Tiểu học Sơn Thủy, niềm vui với cô giáo Lê Thị Tiến là được nhìn thấy sự thay đổi của những học trò do mình dạy dỗ.

Thành tích lớn nhất là được nhìn thấy sự đổi thay của những thế hệ học sinh

Thấm thoát, đã 27 năm cô giáo miền xuôi Lê Thị Tiến gắn bó với việc “gieo chữ” trên vùng đất xa xôi Sơn Thủy (Quan Sơn). Để rồi đến hôm nay, những gắn bó với vùng đất, con người và những đứa trẻ nơi đây đã khiến cô “quên mất” cả chuyện về xuôi. Dẫu vậy, cô giáo Lê Thị Tiến chưa bao giờ quên đi những ngày đầu ngược ngàn đầy gian khó.

Sinh ra ở xã Hải Nhân, thị xã Nghi Sơn, năm 1997 sau khi tốt nghiệp, cô giáo Lê Thị Tiến được phân công lên giảng dạy tại Trường Tiểu học (TH) Sơn Thủy - cách trung tâm huyện Quan Sơn hơn 40 km. Nữ giáo viên nhớ lại: Ngày đó thực sự khó khăn. Khi đó xã Sơn Thủy còn thuộc Na Mèo, vì thế Trường TH Sơn Thủy bây giờ mới chỉ là điểm trường thuộc Trường TH Na Mèo, mỗi lần phải lên khu trường chính Na Mèo họp là một lần đi bộ băng rừng, lội suối có khi mất cả ngày. Và ngày đó, lương giáo viên ra trường chưa đầy 200.000 đồng nhưng đi xe khách từ nhà lên xã Mường Mìn đã hết 100.000 đồng, từ đây lại phải đi tiếp khoảng 8 cây số nữa mới vào đến nơi dạy học. Nếu đi xe ôm là hết luôn cả tháng lương, nên nhiều lần để tiết kiệm tiền, tôi và nhiều đồng nghiệp đã chọn cách đi bộ.

Khi đó, mọi thứ đều thiếu thốn, điện không có, trường học và nhà ở cho giáo viên đều lợp tranh nứa tạm bợ, đến chiếc giường ngủ cũng chỉ là bốn chiếc cọc bằng tre luồng dựng lên cùng nứa đập dập làm giường. Chưa kể, tập quán sinh hoạt, thói quen ăn uống cũng khác. Người dân nơi đây quen với việc hàng ngày ăn cơm nếp, mọi thứ đều tự cung tự cấp… Khi đó, điều giúp tôi và những nữ đồng nghiệp vượt qua được những khó khăn có lẽ chính là nhiệt huyết tuổi trẻ. Đã từng nghĩ, cố gắng hết 3 năm “nghĩa vụ” sẽ về xuôi, vậy nhưng cái “duyên” với vùng đất khó đã giữ mình ở lại đây đến tận hôm nay. Dù rằng, đôi khi cũng nghĩ đến bố mẹ già ở quê nhà, rồi mong con cái có điều kiện học tập tốt hơn, nhưng sự gắn bó với vùng đất khó, với người dân, với những đứa trẻ đã khiến cho nơi đây thực sự là nhà của mình, cô giáo Lê Thị Tiến trải lòng.

Là một trong những giáo viên công tác lâu năm tại Trường TH Sơn Thủy đã có nhiều nỗ lực, cố gắng song với cô giáo Lê Thị Tiến, thành tích lớn nhất không phải là những giấy khen mà chính là sự “đổi thay” của những thế hệ con người nơi đây. Cô chia sẻ: “Nghĩ lại những ngày đầu lên đây mọi thứ thực sự quá khó khăn. Đến bây giờ, nhìn những thế hệ học sinh do mình dạy dỗ đã từng ngày lớn lên, trưởng thành và không ít bạn đã quay trở về xây dựng bản làng, để từng bước làm thay đổi quê hương. Đó là niềm vui lớn nhất với tôi”.

Đánh giá về cô giáo Lê Thị Tiến, Hiệu trưởng Trường TH Sơn Thủy - ông Hoàng Văn Sáu cho biết: “Cô giáo Lê Thị Tiến là một trong những giáo viên bám bản, bám trường xuất sắc. Sự tâm huyết của cô không chỉ ở những năm tháng tuổi trẻ, mà đến tận bây giờ vẫn được nhà trường, đồng nghiệp và học sinh đánh giá cao”.

Cô giáo người Mông quyết tâm “ra đi” để “trở về”

Cách đây khoảng hơn 20 năm, chuyện những giáo viên - nữ giáo viên miền xuôi ngược ngàn lên với đồng bào vùng cao “gieo chữ” vốn không phải chuyện hiếm. Nhưng ở thời điểm đó, một “cô bé” người Mông sẵn sàng vượt định kiến, vượt những hủ tục để đến trường, để đi học làm cô giáo và quay trở lại gieo chữ cho chính người dân bản làng nơi mình sinh ra thì lại là chuyện hiếm. Và đó cũng chính là câu chuyện của nữ giáo viên người Mông Lâu Thị Cợ, hiện đang dạy tại điểm trường khu Cơm thuộc Trường TH Pù Nhi.

Những “đóa hoa” miệt mài gieo chữ nơi đại ngàn

Vượt lên những định kiến và hủ tục, cô gái dân tộc Mông Lâu Thị Cợ đã trở thành một trong những nữ giáo viên người Mông đầu tiên ở Pù Nhi.

Sinh ra ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi huyện miền núi Mường Lát. Năm 1997 cô gái Lâu Thị Cợ xuống TP Thanh Hóa “đi học làm cô giáo”, bỏ lại sau lưng những xì xầm, bàn tán của người dân bản. Bởi khi đó, những cô gái người Mông chỉ học hết TH để biết con chữ, rồi lại trở về với nương rẫy, lấy chồng, sinh con, họ bị “bủa vây” trong một vòng luẩn quẩn của hủ tục và đói nghèo. Vậy nên, chuyện một “con bé” người Mông dám xuống thành phố… đi học thực sự là chuyện “chưa có tiền lệ”.

Nhớ lại lý do quyết tâm đi học, cô giáo Lâu Thị Cợ bồi hồi: “Ngày đó, bố tôi cũng là một giáo viên người Mông nhưng đó không phải lý do cho sự lựa chọn. Cũng như những bạn gái cùng trang lứa, dường như có một sự “ám thị” cố hữu đã ăn sâu trong suy nghĩ của những cô gái người Mông, rằng chỉ cần học để biết chữ, còn phải về nhà lấy chồng, sinh con và tôi cũng đã từng nghĩ mình… sẽ như vậy. Có được ngày hôm nay, tôi thực sự biết ơn cô giáo Nguyệt đã dạy mình. Cô Nguyệt là giáo viên miền xuôi lên Pù Nhi dạy học, chính cô giáo Nguyệt đã thường xuyên động viên, khơi dậy khát vọng phải “thay đổi số phận” trong tôi…”.

Là người con của bản làng, vượt lên định kiến để thay đổi “tương lai” của chính mình. Và 20 năm qua, cô giáo Lâu Thị Cợ lại tiếp tục hành trình gieo chữ nhằm “thắp” lên tương lai tươi sáng cho chính những thế hệ người Mông nơi đây. Nói về công việc dạy học, cô giáo Lâu Thị Cợ chia sẻ: “Công việc dạy học vốn đã khó, dạy học cho trẻ em người Mông thực sự vất vả hơn. Bởi trước đây nhận thức ở một bộ phận không nhỏ người dân tộc Mông về việc học vẫn còn khá hạn chế. Tuy nhiên, đến nay cũng nhờ được học mà các bạn trẻ người Mông ở Pù Nhi đã dần thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của việc học, họ tự giác cho con em mình đến trường. Là một người Mông, chứng kiến sự thay đổi tích cực của người dân nơi bản làng mình sinh ra, tôi thực sự thấy rất hạnh phúc”.

Cô giáo Ngô Thị Lan, Hiệu trưởng Trường TH Pù Nhi, cho biết: Trường TH Pù Nhi hiện có 1 trường chính và 7 điểm trường lẻ với tổng số 41 giáo viên, trong đó có 23 giáo viên nữ. Hai điểm trường xa nhất là Pù Quăn và Pha Đén cách trường chính hơn 10 km. Tuy nhiên nếu trước đây việc đi lại giữa trường chính và các điểm trường lẻ thường phải đi bộ hết cả ngày thì hiện nay đã có thể đi xe máy, nhờ đó sự vất vả của giáo viên vùng cao, đặc biệt là các nữ giáo viên cũng giảm bớt phần nào.

Với 31 năm ngược ngàn gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi vùng cao, cô giáo Ngô Thị Lan thẳng thắn: “Nếu nói về những năm đầu 90 (thế kỷ 20) lên đây thì quả thực vô cùng thiếu thốn và vất vả, triền miên những cơn đau ốm, sốt rét hành hạ khiến hơn một lần tôi nghĩ rằng mình liệu có thể “sống” để về xuôi. Vậy nhưng, những tháng ngày đó cũng đã lùi xa, để mọi thứ dần tốt đẹp hơn, nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước… với những chế độ, chính sách thiết thực dành cho giáo viên nói chung, giáo viên vùng cao nói riêng. Với bản thân mình, tôi chưa bao giờ nghĩ việc lên vùng cao dạy học là “hy sinh”, đơn giản đó là sự lựa chọn. Và đến nay, sau hơn 30 năm gắn bó với nghề, tôi thấy hạnh phục với sự lựa chọn của mình”.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]