(vhds.baothanhhoa.vn) - Họ không lấy chồng, không sinh con, tình nguyện dành cả cuộc đời mình để cưu mang, chăm sóc hàng trăm trẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Họ là những người mẹ ở Làng trẻ em SOS Thanh Hóa.

Những người mẹ “đặc biệt”

Họ không lấy chồng, không sinh con, tình nguyện dành cả cuộc đời mình để cưu mang, chăm sóc hàng trăm trẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Họ là những người mẹ ở Làng trẻ em SOS Thanh Hóa.

Những người mẹ “đặc biệt”

Sống là để yêu thương

Từ khi 30 tuổi, chị Bùi Thị Ánh đã nhận nhiệm vụ vào làm mẹ của những em nhỏ mồ côi tại Làng trẻ em SOS Thanh Hóa. 17 năm, chị đã nuôi dạy 24 đứa con. Chỉ vào bức ảnh cưới đang treo trên tường, chị khoe: “Con gái đầu vừa cưới, mang ảnh về nhà mình để treo, vui lắm cô à”.

Công việc của chị Ánh nghe qua có vẻ đơn giản. Đó là làm mẹ. Một người mẹ đúng nghĩa. Buổi sáng chị đi chợ, mua thức ăn về cho cả gia đình. Có ngày chị tự nấu, cũng có ngày các con phụ giúp. Đến buổi, chị nhắc các con học bài.

Hiện ngôi nhà số 2 của chị Ánh đang nuôi dưỡng 9 trẻ, trong đó có một trẻ sơ sinh 7 tháng tuổi. Nhìn thấy chị Ánh lúc nào cũng tất bật với đứa trẻ đủ hiểu chị đang vui và hạnh phúc nhường nào. Đứa trẻ từ nay sẽ được lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ và các anh chị.

Chị Ánh tình nguyện vào đây, tình nguyện không lấy chồng, muốn toàn tâm, toàn ý chăm sóc các cháu mồ côi.

Những người mẹ “đặc biệt”

Chị Bùi Thị Ánh đang làm mẹ của 1 bé sơ sinh.

Nói về quyết định không lấy chồng, không sinh con, để vào làng trẻ, chị cười: “Trên cuộc đời này đã đủ trẻ em rồi, không nhất thiết phải sinh thêm. Điều quan trọng là tình yêu của mẹ sẽ luôn đến với các con. Có thể so với những đứa trẻ khác, các con ở đây sẽ bị thiệt thòi hơn, nhưng tôi sẽ mang đến cho các con những điều tốt đẹp nhất trong khả năng của mình”.

Nhìn những bức ảnh cưới được treo trang trọng trên tường nhà đã đủ hiểu, không chỉ chị Ánh, mà những đứa trẻ cũng xem đây là ngôi nhà thực sự của mình.

Thành tích của các con là phần thưởng lớn cho mẹ

Với mẹ Ngô Thị Sự (58 tuổi) thì nơi đẹp nhất ở ngôi nhà số 13 này là tủ kính đang lưu giữ tất cả thành tích học tập của các con. Cầm một chiếc giấy khen lên, chị tự hào nói: “Đây là của con Oanh, đây là của con Cường… Chúng nó học giỏi lắm, đứa lớn dạy đứa nhỏ. Như con Oanh đây, từ nhỏ đến nay đều là học sinh giỏi, vừa rồi còn được nhận học bổng của một tổ chức khoa học”.

Ở ngôi nhà chung này, có trẻ đến trước, trẻ đến sau. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, sự yêu thương, sóc của mẹ đã kết nối các con coi nhau như anh em ruột thịt.

Những người mẹ “đặc biệt”

Chị Ngô Thị Sự tự hào khoe thành tích học tập của các con

Chị Sự bộc bạch: “40 tuổi tôi được các con tổ chức sinh nhật cho. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi được tổ chức sinh nhật. Chỉ ít đồ ăn và bánh các con tự làm, tôi đã khóc vì hạnh phúc. Những năm sau, năm nào các con cũng tổ chức sinh nhật và có những món quà nhỏ tặng mẹ. Vào những ngày lễ 20-10, con nhỏ thì tấm thiệp xinh xinh, các con lớn thì chiếc khăn quàng, đôi găng tay cho mẹ làm bếp… Nhưng tôi vẫn luôn nói, thành tích học tập xuất sắc là món quà lớn nhất mà các con tặng cho mẹ”.

Chỉ mong con hiểu

Chị Lê Thị Tần là mẹ của 9 bạn nhỏ tại nhà số 5, bạn nhỏ nhất 3 tuổi, bạn lớn nhất 15 tuổi. 16 năm trước, biết mình không thể sinh con, chị Tần vô cùng đau khổ, nhưng vẫn luôn khao khát được làm mẹ, được chăm sóc và yêu thương con trẻ. Vì vậy chị đã tìm đến và xem Làng trẻ em SOS Thanh Hóa là ngôi nhà thực sự và những đứa trẻ mồ côi là con ruột của mình.

Chị tâm sự: “Có xem đây là nhà mình thì tôi mới có thể gắn bó lâu dài đến vậy. Tôi mang đến cho các con tình yêu, sự chăm sóc của một người mẹ. Ngược lại, các con cũng cho tôi niềm vui, sự ấm áp của niềm vui được làm mẹ. Tôi hàn gắn cho những đứa trẻ bị tổn thương và những đứa trẻ cũng giúp tôi xoa dịu nỗi đau”.

Những người mẹ “đặc biệt”

Chị Lê Thị Tần hạnh phúc với công việc làm “mẹ”

Vào làng trẻ từ năm 2005 đến nay chị Tần đã làm mẹ của 19 đứa trẻ. Mỗi đứa một tính khí, cách hành xử khác nhau, đòi hỏi chị Tần phải có sự kiên trì bền bỉ, nhẫn nại với các con.

Chị cho biết: “Các con bước vào tuổi dậy thì thực sự rất khó để nắm bắt tâm lý. Đang là một đứa trẻ ngoan đấy nhưng vào tuổi trưởng thành có những biểu hiện như bỏ tiết học, cãi lời người lớn, đánh nhau… là chuyện bình thường. Có lầni biết S bỏ tiết học, nói dối mẹ để đi chơi, tôi đã tức giận quát mắng con. Con giận không nói gì, ít lâu sau con sang khu lưu xá dành cho trẻ nam từ 14 tuổi trở lên. Ngày đi con vẫn giận, tôi gói đồ và dặn con nhớ về thăm mẹ và các em. Qua một thời gian, đó là vào ngày 8-3 con về mang tặng một bông hoa cùng lời xin lỗi. Tôi thực sự xúc động và vỡ òa vì hạnh phúc. Tôi chỉ mong các con hiểu được tấm long người mẹ. Tôi yêu thương các con và mong các con sau này trở thành những đứa trẻ tốt”.

Những người mẹ “đặc biệt”

Các mẹ ở Làng trẻ SOS tự sáng tạo nên những lẳng trồng hoa trang trí lối đi vào nhà.

Bao năm qua, công việc của các mẹ ở Làng trẻ em SOS Thanh Hóa vẫn lặng thầm, bền bỉ và tuần tự trôi đi. Dẫu có lúc vui, buồn, song các mẹ luôn có một tấm lòng đủ yêu thương, chở che, giúp hàn gắn, với đi những bất hạnh của trẻ mồ côi.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]