(vhds.baothanhhoa.vn) - Áp dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy, những giờ lên lớp của học sinh trở nên sống động và hiệu quả hơn khi hàm lượng kiến thức không bị bó hẹp trong 45 phút trên lớp, học sinh có thể xem lại bài giảng, nội dung được giải thích cặn kẽ bằng hình minh họa, clip phù hợp. Đồng thời, kích thích khả năng sáng tạo và tư duy tìm hiểu kiến thức mới trong mỗi học sinh.

Những người thầy “công nghệ”: Vui học cùng công nghệ

Áp dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy, những giờ lên lớp của học sinh trở nên sống động và hiệu quả hơn khi hàm lượng kiến thức không bị bó hẹp trong 45 phút trên lớp, học sinh có thể xem lại bài giảng, nội dung được giải thích cặn kẽ bằng hình minh họa, clip phù hợp. Đồng thời, kích thích khả năng sáng tạo và tư duy tìm hiểu kiến thức mới trong mỗi học sinh.

Những người thầy “công nghệ”: Vui học cùng công nghệThầy Lê Nhất Trưởng Tuấn, giáo viên Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) trong một giờ giảng dạy.

Tin liên quan:
  • Những người thầy “công nghệ”: Vui học cùng công nghệ
    Những người thầy “công nghệ”: Thắp lửa và truyền cảm hứng

    Hiện tại, khoa học công nghệ là môn học quan trọng và được nhiều học sinh yêu mến. Phát huy hiệu quả môn học cũng như năng lực sáng tạo của học sinh, nhà trường cùng thầy, cô giáo không ngừng đổi mới, nâng cao trình độ chuyên môn nhất là kiến thức về khoa học công nghệ để những giờ lên lớp của học sinh được diễn ra trong môi trường số hiện đại.

Theo các em học sinh lớp 12 Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) thì tiết thực hành Vật lý hôm nay vẫn là những kiến thức về đo bức sóng ánh sáng bằng phương pháp giao thoa nhưng “chất” hơn nhiều bởi hàm lượng kiến thức rộng và sâu, bài giảng vừa có thể bù đắp kiến thức cho những học sinh đang “hổng” về lĩnh vực này, vừa cung cấp kiến thức chuyên sâu cho học sinh mũi nhọn trong đội tuyển. Một bài giảng chỉ diễn ra 45 phút mà có thể giải quyết nhiều vấn đề khó, có đúng như vậy?

Theo lý giải của thầy Lê Nhất Trưởng Tuấn, người trực tiếp giảng dạy, thì bài học đã được thầy công phu dàn dựng hoàn thiện trên môi trường số. Trong đó, kiến thức lý thuyết được thể hiện đầy đủ, dễ hiểu kèm hình ảnh minh họa chân thực được làm trực tiếp từ phòng thí nghiệm, phần thực hành được trình bày với phần mềm mô phỏng thí nghiệm ảo, thiết bị thí nghiệm thực hành được kết nối và có thể tương tác trên máy tính và cả những sản phẩm sử dụng trên môi trường số... Đặc biệt, bài giảng đã giải quyết được vấn đề nan giải trong thực nghiệm vật lý là việc xử lý số liệu ban đầu. Ngoài ra, bài học được chia thành nhiều tiểu mục rõ ràng với đầy đủ thông tin, kiến thức dễ hiểu, dễ nhớ. Học sinh yếu chỗ nào thì tự mở phần đó để hiểu.

Để giờ học phát huy hiệu quả tối đa, trước đó thầy Tuấn đã chuyển bài giảng cho học sinh tự nghiên cứu trước, giờ lên lớp tập trung làm rõ và giải đáp thắc mắc. Không những thế học sinh có thể xem lại bài học nhiều lần, kết hợp với giảng giải của thầy giúp các em hiểu bài học dễ dàng hơn. Bài học không bị giới hạn bởi thời gian, kiến thức nên thầy Tuấn đã cung cấp thêm nhiều kiến thức chuyên sâu dành cho học sinh chuyên, đội tuyển tham khảo.

“Thực hành đo bức sóng ánh sáng bằng phương pháp giao thoa” là một trong những bài giảng số của thầy Lê Nhất Trưởng Tuấn. Đây là bài thực hành đòi hỏi điều kiện vật chất và thiết bị kỹ thuật cao. Tuy nhiên điều kiện nhà trường chưa đáp ứng được. Vì vậy, thầy Tuấn đã ứng dụng công nghệ biến bài học trở nên đơn giản, dễ hiểu bằng công nghệ số với thí nghiệm ảo.

Những bài học số đã và đang được các thầy, cô giáo tại nhiều cơ sở giáo dục ứng dụng và triển khai, nhất là ở khối THPT, cao đẳng, đại học trong tỉnh. Đặc biệt, cuộc thi “Dạy học số” do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa tổ chức, không những khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới trong giáo viên mà qua đó niềm vui học, tư duy sáng tạo trong học sinh cũng được phát triển. Sản phẩm dự thi là các thiết bị dạy học được xây dựng, thiết kế, số hóa để sử dụng hoàn toàn hoặc một phần trên môi trường số đã và đang phục vụ hiệu quả cho công tác giảng dạy. Những giáo án trên môi trường số mà bài học “Thực hành đo bức sóng ánh sáng bằng phương pháp giao thoa” của thầy Tuấn là một ví dụ điển hình đã tăng cường sự trải nghiệm của người học, có thể thay thế thiết bị dạy học truyền thống. Góp phần làm phong phú thêm nguồn tài nguyên số, giúp cả giáo viên và học sinh thêm công cụ học và dạy học hiệu quả. Đồng thời, việc phát triển bài học số, các thí nghiệm ảo được coi là giải pháp quan trọng khắc phục hạn chế về trang thiết bị máy móc trong nhà trường.

Được biết, “Thực hành đo bức sóng ánh sáng bằng phương pháp giao thoa” là tác phẩm đạt giải ba cấp tỉnh trong cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số” lần thứ 1 năm 2022, do Bộ GD&ĐT tổ chức. Trước đó, thầy Tuấn đã từng đạt giải trong cuộc thi dạy học tích hợp như Đề tài “Dòng điện trong chất bán dẫn” giải nhì cấp tỉnh năm học 2014-2015; Đề tài “Dùng kiến thức Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và khoa học - kỹ thuật để dạy bài lực hấp dẫn - Định luật vạn vật hấp dẫn” giải nhất cấp tỉnh và giải nhì quốc gia...

Từ những bài giảng công nghệ của giáo viên đã khơi dậy lòng đam mê khoa học trong học sinh, cùng với sự đồng hành tích cực của giáo viên đã làm nên nhiều mô hình khoa học thiết thực, có tính ứng dụng cao.

Những người thầy “công nghệ”: Vui học cùng công nghệNhóm học sinh, giáo viên Trường THPT Hoằng Hóa 4 đạt giải nhất quốc gia Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng năm 2022.

Dự án “Mô hình bè nổi hình lục giác trồng cây thủy sinh làm từ chai nhựa tái chế góp phần lọc nước ô nhiễm tại các con sông và tạo cảnh quan trong khu dân cư, đô thị” của nhóm học sinh Trường THPT Hoằng Hóa 4 (Hoằng Hóa) đã vinh dự đạt giải nhất quốc gia Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 18 năm 2022. “Những tiết áp dụng khoa học công nghệ trên lớp đã khơi dậy tình yêu và niềm đam mê khoa học, đồng thời dạy chúng em biết ý nghĩa của khoa học trong cuộc sống. Hiểu rằng những phát minh nhỏ cũng có thể làm thay đổi cuộc sống, chúng em muốn giải quyết những vấn đề bức xúc ngay bên cạnh mình như ô nhiễm ao, nguồn đất, hay cải tiến những máy móc, thiết bị...”, em Lê Huyền Trang, học sinh lớp 12A1, người thực hiện dự án chia sẻ.

Theo đó, khi nhìn thấy nguồn nước trên các con sông, ao, hồ xung quanh trong tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, nhóm học sinh đã đề xuất ý tưởng và cùng bắt tay thực hiện. Vì là sản phẩm bảo vệ môi trường nên nguyên liệu dùng được tái chế hoặc tận dụng phế thải trong cuộc sống. Để có đủ vỏ chai nhựa dành cho thực nghiệm, các em đã tự đóng góp tiền mua hàng chục chậu cây xanh xinh xắn tổ chức chương trình “đổi chai nhựa lấy chậu cây”. Điều đáng quý của dự án không chỉ là ý thức bảo vệ môi trường của các học sinh mà còn ở cách thực hiện cũng rất “xanh”, từng bước hoàn thành mô hình các em đều tránh hoặc giảm thiểu nhất ảnh hưởng đến môi trường như nguyên vật liệu đều là tái chế, sử dụng pin năng lượng mặt trời, cây thủy canh tìm kiếm có sẵn trong thiên nhiên... Và ý thức này bắt nguồn từ đam mê khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, “Tình yêu khoa học là điều kết nối và gắn kết chúng em. Tham gia thực hiện dự án chúng em không những có thêm nhiều kỹ năng mới như làm việc đội nhóm, giao tiếp, thuyết trình trước đám đông... mà còn ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Em và các bạn sẽ tiếp tục tham gia những dự án khoa học của trường, để được đóng góp một phần sức lực cho công tác bảo vệ môi trường...”, Nguyễn Hải Anh, thành viên của nhóm Dự án “Mô hình bè nổi hình lục giác trồng cây thủy sinh làm từ chai nhựa tái chế góp phần lọc nước ô nhiễm tại các con sông và tạo cảnh quan trong khu dân cư, đô thị”, cho biết.

Theo các thầy, cô giáo hướng dẫn thì hầu hết các mô hình, dự án khoa học được học sinh ứng dụng rất nhiều yếu tố công nghệ, làm tăng hiệu quả và tính tiện ích cho sản phẩm, đó là việc sử dụng pin năng lượng mặt trời, kết nối sử dụng bằng điện thoại...

Bài và ảnh: Phan Thị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]