(vhds.baothanhhoa.vn) - Hiện tại, khoa học công nghệ là môn học quan trọng và được nhiều học sinh yêu mến. Phát huy hiệu quả môn học cũng như năng lực sáng tạo của học sinh, nhà trường cùng thầy, cô giáo không ngừng đổi mới, nâng cao trình độ chuyên môn nhất là kiến thức về khoa học công nghệ để những giờ lên lớp của học sinh được diễn ra trong môi trường số hiện đại.

Những người thầy “công nghệ”: Thắp lửa và truyền cảm hứng

Hiện tại, khoa học công nghệ là môn học quan trọng và được nhiều học sinh yêu mến. Phát huy hiệu quả môn học cũng như năng lực sáng tạo của học sinh, nhà trường cùng thầy, cô giáo không ngừng đổi mới, nâng cao trình độ chuyên môn nhất là kiến thức về khoa học công nghệ để những giờ lên lớp của học sinh được diễn ra trong môi trường số hiện đại.

Những người thầy “công nghệ”: Thắp lửa và truyền cảm hứngThầy Nguyễn Văn Quang cùng học sinh trong một lần nhận giải thưởng tại Hà Nội.

Là một trường miền núi nhưng thành tích về các giải khoa học - kỹ thuật (KHKT) của Trường THCS Xuân Bình (Như Xuân) không hề thua kém bất kỳ trường điểm nào ở thành phố. Trường có câu lạc bộ (CLB) KHKT dành cho học sinh, từ năm 2017 đến 2022, CLB đã giành 5 giải trong các cuộc thi KHKT cấp tỉnh và quốc gia, trong đó có nhiều giải cao như: năm 2018, giải nhất cấp tỉnh cho Dự án “Dán băng keo tự động”; năm 2019, giải nhất cấp tỉnh Dự án “Sản phẩm bón phân dúi tự động và làm cỏ sục bùn đa năng”; năm 2020, giải nhất cấp tỉnh và giải ba cấp quốc gia Dự án “Thiết bị vớt, bóc tách, xử lý dầu mỡ thải ô nhiễm trong nguồn nước”... và trở thành CLB KHKT mạnh nhất huyện. Những thành tích đáng tự hào này có sự đóng góp không nhỏ của thầy giáo Nguyễn Văn Quang, người đề xuất thành lập CLB, đồng thời là người hướng dẫn khoa học cho cả 5 đề tài đạt giải.

5 năm với 5 đề tài khoa học đạt giải, điều ngạc nhiên thú vị là thầy Nguyễn Văn Quang không phải là giáo viên chuyên về các môn tự nhiên, thầy là giáo viên dạy mỹ thuật. Vậy, điều gì khiến một giáo viên mỹ thuật lại hướng dẫn thành công nhiều dự án khoa học ở một trường miền núi còn nhiều khó khăn?

Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, thầy Quang được phân về công tác tại Trường THCS Xuân Bình. Quãng đường 30 km từ trung tâm huyện vào trường mất gần 6 giờ đồng hồ. Trường không điện, không nước, các thầy, cô giáo phải mang can, thùng ra suối cách trường 2 km lấy nước về sinh hoạt. Chỉ bấy nhiêu đó đủ thấy những khó khăn, vất vả của thầy và trò nơi đây. “Trường nghèo nhưng học sinh nơi đây rất ham học, chính ánh mắt sáng ngời của các em trong mỗi giờ lên lớp giúp chúng tôi - những giáo viên trẻ đang ngỡ ngàng trước khó khăn có thêm động lực gắn bó cùng trường, cùng học sinh”, thầy Quang tâm sự.

Bù đắp cho sự thiếu thốn về vật chất, các thầy, cô luôn nỗ lực truyền dạy kiến thức cho học sinh. Động lực đó đã khiến thầy Quang đề xuất thành lập CLB KHKT của Trường THCS Xuân Bình, giúp các em tiếp cận với KHKT qua những câu chuyện kể do chính thầy sưu tầm, những mẩu chuyện khoa học thường thức, gần gũi với cuộc sống... Như chia sẻ của em Lương Hồng Hải, học sinh lớp 9B: "Những bài giảng của thầy giúp chúng em hiểu rằng khoa học công nghệ không cứ phải là những phát minh cao siêu làm thay đổi thế giới, mà đó có thể là cải tiến, bổ sung giải quyết những nhu cầu, vấn đề trong cuộc sống hoặc làm cho công việc được tiện lợi, dễ dàng hơn”.

Thầy Quang không những trao kiến thức, ứng dụng mà còn hỗ trợ kinh phí cho các học sinh vùng khó khăn. Để học sinh yên tâm thực nghiệm, trong nhiều dự án thầy Quang hoàn toàn tự bỏ tiền cá nhân mua nguyên vật liệu, dụng cụ, thiết bị phục vụ thí nghiệm. Cứ như vậy, tình yêu của thầy Quang dành cho sự nghiệp trồng người đã ươm mầm tình yêu khoa học cho học sinh trên vùng đất khó Xuân Bình.

Hiện tại, vì điều kiện gia đình, sau 17 năm gắn bó với Trường THCS Xuân Bình, thầy Quang đã chuyển về làm giáo viên mỹ thuật tại Trường Tiểu học Mậu Lâm 1 (Như Thanh). Được biết, sau khi làm quen với môi trường mới, thầy Quang sẽ tiếp tục những dự án “gieo mầm” tình yêu khoa học tại ngôi trường này.

Những người thầy “công nghệ”: Thắp lửa và truyền cảm hứngThầy Lê Minh Hải hướng dẫn thực hành khoa học cho học sinh.

Thầy Lê Minh Hải, giáo viên dạy Sinh học Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) không chỉ hướng dẫn học sinh học tập, nghiên cứu khoa học, mà còn khơi dậy ở các em niềm đam mê với khoa học, dám mơ ước và dám thực hiện ước mơ. Theo thầy Hải, ý tưởng trong sáng tạo khoa học không phải là cái gì đó quá to lớn, xa xôi, mà những gì đang diễn ra xung quanh đời sống thường ngày, những ý tưởng sáng tạo có ý nghĩa phục vụ đời sống và làm cho cuộc sống con người tốt hơn. Chính suy nghĩ đó mà suốt 11 năm giảng dạy tại trường, thầy Hải vừa giữ vai trò của một giáo viên cốt cán, tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi tỉnh, vừa hướng dẫn học sinh nghiên cứu, sáng tạo khoa học công nghệ. Sự chịu khó tìm tòi, sáng tạo của thầy đã được đền đáp không chỉ bằng tiến bộ của học sinh trong học tập và rèn luyện, mà còn truyền lửa đam mê sáng tạo khoa học cho các thế hệ học sinh nhà trường, giúp học sinh liên tục tìm tòi, sáng chế ra những sản phẩm khoa học mang ý nghĩa thiết thực.

Dự án “Nghiên cứu quy trình sản xuất dấm gỗ từ phế phụ phẩm gỗ, tre, luồng để làm thuốc trừ sâu bệnh sinh học” do thầy hướng dẫn đã đạt giải nhì cấp tỉnh Cuộc thi KHKT dành cho học sinh THPT, năm học 2021-2022. Từ ý tưởng của học sinh, thầy Hải giúp các em liên hệ với giảng viên, địa điểm thí nghiệm thực tế tại Trường Đại học Hồng Đức, rồi cùng các em thiết kế lò đốt chưng cất, trồng rau thực hiện thí nghiệm... Suốt 4 tháng trời, thầy dành mọi thời gian, công sức cùng các học trò xây dựng mô hình và làm thí nghiệm.

Chính những hy sinh, trách nhiệm trong sự nghiệp “trồng người” của những giáo viên như thầy Quang, thầy Hải đã góp phần “ươm mầm” tình yêu khoa học trong lòng học sinh. Để rồi, tiếp nối trách nhiệm, nhiệt huyết của thầy, cô là những đam mê, sáng tạo cùng những sản phẩm khoa học hữu ích của học sinh.

Bài và ảnh: Phan Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]