(vhds.baothanhhoa.vn) - Khó khăn không lùi bước. Bệnh tật không nản lòng. Đam mê, nhiệt huyết, những người thầy vẫn tiếp tục làm người lái đò trên dòng sông tri thức…

Tin liên quan

Đọc nhiều

Niềm tin ở lại

Khó khăn không lùi bước. Bệnh tật không nản lòng. Đam mê, nhiệt huyết, những người thầy vẫn tiếp tục làm người lái đò trên dòng sông tri thức…

Niềm tin ở lạiCô giáo Lê Thị Thu Thành bên học sinh Huỳnh Phạm Cẩm Vân, đạt giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn Giáo dục công dân, năm học 2021-2022. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Tôi chưa khi nào có ý định bỏ nghề

18 năm qua, cô giáo Lê Thị Thu Thành (sinh năm 1981), giáo viên Trường THCS Hà Châu (Hà Trung) mang trong mình bệnh viêm đa khớp. Bệnh thường trở nặng khi thời tiết thay đổi, khó cho vận động, sinh hoạt. Nhưng, bệnh tật đã không quật ngã được niềm tin, tình yêu của chị dành cho nghề giáo. 18 năm mang bệnh nhưng cô luôn tận tâm với nghề.

Quê cô giáo Thành ở phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Từ nhà chị đến trường 15 km. Quãng đường ấy, với người bình thường đã là xa xôi. Với người mang bệnh lại càng thêm phần khó. Gạt nỗi khó, chị vẫn tiếp tục đi về phía học trò. Cô giáo Thành nhớ lại: “10 năm về trước, đường đến trường còn nhiều vất vả. Có những hôm trời mưa, đường đất trơn trượt, có lúc cầu gẫy, tôi xuống trường phải đi qua sông bằng thuyền chở lúa của dân…”.

“Đằng sau những cơn đau của bệnh tật là một nhà giáo giàu nghị lực, yêu nghề, yêu trò và đã ghi nhiều dấu ấn với nghề. Trong nhiều năm, cô giáo Thành luôn có học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh”. Hiệu trưởng Trường THCS Hà Châu, cô giáo Lê Thị Hương cho biết.

Thành tích của trò là hạnh phúc và cũng là thành công của người đứng trên bục giảng. Trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Giáo dục công dân, cô giáo Thành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, liên tục nhiều năm, có hàng chục giải thưởng của học trò, trong đó nhiều em đạt giải nhất, nhì tỉnh.

Cô Thành tâm sự: “Nhiều thế hệ học sinh, sau khi ra trường, vào ngày Nhà giáo Việt Nam hay ngày sinh nhật của tôi, các em vẫn gọi điện chúc mừng. Có dịp về quê, các em lại đến thăm tôi. Rất xúc động. Tôi chưa khi nào có ý định bỏ nghề, nhưng cũng không biết mình còn đi dạy được bao lâu. Những năm tháng qua, tôi không nghĩ mình vượt khó hay cố gắng mà chỉ đơn giản, đó là công việc của mình, mình phải hoàn thành”.

Truyền năng lượng tích cực cho học sinh

Cách đây 7 năm, thầy Trương Công Giáo, giáo viên môn Hóa học Trường THCS Yên Thọ (Như Thanh) phát hiện bị suy thận mức độ 2. 1 năm sau đó, bệnh diễn biến xấu, suy thận lên độ 4, phải lọc máu và ghép thận. Đây được xem là khoảng thời gian căng thẳng, áp lực nhất với thầy Trương Công Giáo. Thầy nhớ lại: “Lúc đó, tinh thần suy sụp, tôi cảm giác như con đường sống đang dần ngắn lại với mình. 1 tuần 3 lần tôi xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh lọc máu. Nhưng để ghép được thận, điều này tôi và gia đình không có nhiều hy vọng...”.

Niềm tin ở lạiTiết dạy Hóa của thầy Trương Công Giáo với học sinh lớp 8B Trường THCS Yên Thọ. Ảnh: Vi An

Như có phép nhiệm màu, một thanh niên ở tỉnh Bình Phước đã đồng ý hiến thận sau khi nghe thông tin về thầy Trương Công Giáo. Vào tháng 8-2017, ca ghép thận thành công, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của thầy Giáo, như anh chia sẻ: “Tưởng như đã khép lại mọi ước mơ, hy vọng thì may mắn thay, tôi đã được cứu sống”.

Đến nay, sau gần 20 năm công tác tại Trường THCS Yên Thọ, anh đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp với đồng nghiệp và học trò. Liên tục nhiều năm, đội tuyển Hóa do anh phụ trách năm nào cũng có học sinh đạt giải cấp huyện, tỉnh. Bản thân anh, nhiều năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. “Trong giảng dạy, nắm bắt tâm lý học sinh là điều quan trọng. Với những công thức khô khan của môn Hóa, nhiều học sinh cảm thấy căng thẳng khi học môn này. Tuy nhiên, qua cách dạy của thầy Giáo, bài giảng trở nên nhẹ nhàng, gây hứng thú với học sinh. Một điều mà cán bộ, giáo viên, học sinh rất cảm phục, đó là trong thời gian bị bệnh, nhưng thầy Giáo vẫn nhiệt huyết với nghề, đóng góp tích cực cho công tác giáo dục của nhà trường”. Hiệu trưởng Trường THCS Yên Thọ, thầy giáo Phạm Anh Tuấn cho biết.

Với học trò “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Với người đứng trên bục giảng thì mỗi ngày đến trường là niềm hạnh phúc và hạnh phúc ấy càng nhân gấp nhiều lần với những người “đặc biệt” như cô giáo Thành, thầy Công Giáo. Thầy Trương Công Giáo chia sẻ: “Ngay cả khi bệnh rất nặng, nhưng chưa bao giờ tôi có suy nghĩ bỏ nghề. Vì tôi rất yêu nghề, luôn có ước muốn đóng góp thật nhiều cho nghề và làm một thầy giáo mẫu mực, truyền lại năng lượng tích cực cho học sinh”.

Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]