(vhds.baothanhhoa.vn) - Gần 3 tháng trôi qua, hẳn mỗi người dân quê hương Thanh Hóa vẫn còn nhớ trận lũ lụt cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua gây ảnh hưởng nặng nề về người và của đối với địa phương, đặc biệt khu vực miền núi. Hàng nghìn ngôi nhà, trường học bị lũ nhấn chìm, hư hỏng hoặc xóa sổ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nơi lũ dữ đi qua, ngôi trường mới dần hiện hữu

Gần 3 tháng trôi qua, hẳn mỗi người dân quê hương Thanh Hóa vẫn còn nhớ trận lũ lụt cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua gây ảnh hưởng nặng nề về người và của đối với địa phương, đặc biệt khu vực miền núi. Hàng nghìn ngôi nhà, trường học bị lũ nhấn chìm, hư hỏng hoặc xóa sổ.

Chúng tôi trở lại Trường Tiểu học Trung Sơn, huyện Quan Hóa - một trong những ngôi trường bị lũ dữ cuốn trôi khi năm học mới đang cận kề. Kể từ đó đến nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, trường cũ đã mất phải học nhờ, học tạm nhưng các thầy cô giáo và học sinh nơi đây vẫn miệt mài giảng dạy, học tập. Dẫn chúng tôi trở lại ngôi trường cũ ở bản Co Me. Thầy giáo Hắc Xuân Phúc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn không khỏi xót xa khi dấu tích của đợt mưa bão vừa qua vẫn hằn lên trên ngôi trường.

Tại khu nhà điều hành của Công ty 47, thuộc Ban Quản lý thủy điện Trung Sơn, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Trung Sơn đang tổ chức dạy và học cho 8 lớp được chia làm 2 ca (sáng - chiều). Những căn phòng lắp ghép trước đây là nơi ở của công nhân, sau một thời gian bỏ hoang đã bong tróc, hoen gỉ nhiều, nay được tận dụng làm phòng học cho học sinh. Mỗi căn rộng chừng 20m2, nên các thầy cô giáo phải bố trí bàn ghế thật gọn gàng, khéo léo, tận dụng tối đa diện tích để dạy và học. Tại lớp học, những chiếc bàn còn vương mùi bùn vẫn được tận dụng, những chiếc ghế được các thầy cô đóng lại cho chắc chắn hơn để các em ngồi học... Tuy nhiên, do các phòng được thiết kế bằng tôn, lắp ghép, kín hoàn toàn để sử dụng điều hòa, nay được tận dụng làm lớp học, nên thầy và trò phải dạy và học trong môi trường nóng bức, ngột ngạt.

Bên cạnh đó, khu nhà điều hành của Công ty 47 cũng chỉ đáp ứng nhu cầu học cho 4 lớp, nên nhà trường linh động cho các em học 2 ca (sáng, chiều). Cô giáo Vi Thị Huệ cho biết: do thiếu phòng học nên các thầy cô giáo ngoài giờ lên lớp chính, thường tận dụng hành lang lớp học, hoặc những bóng mát quanh khu để tổ chức dạy phụ đạo thêm cho các em học sinh.

Trường Tiểu học Trung Sơn đang được xây mới trên khu đất cao ráo, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2019.

Trong căn phòng rộng chưa đầy 20m2, 3 chiếc giường được kê sát nhau chỉ còn lại một lối đi nhỏ, cô giáo Lê Thị San, đang tranh thủ soạn giáo án cho giờ lên lớp. Chia sẻ về những khó khăn, thiếu thốn của các giáo viên khi phải dạy và học trong môi trường tạm bợ, cô San cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn nước sinh hoạt không có, chúng tôi phải sử dụng trực tiếp nước sông để tắm giặt... Nước ăn, uống hàng ngày thì lọc qua máy lọc nước nhưng vẫn đục và còn mùi bùn đất. Để đảm bảo vệ sinh, các giáo viên ở đây phải mua nước lọc về ăn, uống, thậm chí dùng để tắm, gội nên rất tốn kém...

Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, sau lũ, việc vận động học sinh ra lớp cũng muôn vàn khó khăn. Trường Tiểu học Trung Sơn có 314 học sinh, trong đó gần 100% là con em các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc... Hàng năm, để vận động các em đến lớp đều đặn, các thầy cô phải đến từng nhà động viên, thăm hỏi để nắm được tâm tư, nguyện vọng của các em. Đến nay, dù còn nhiều khó khăn nhưng 100% học sinh đến lớp đều đặn, không có tình trạng học sinh bỏ học. Chất lượng dạy và học được đảm bảo theo đúng chương trình của Bộ GD&ĐT.

Dẫn tôi đến thăm ngôi trường mới đang được xây dựng trên một khu đất cao, thoáng đãng bên kia bờ sông Mã. Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn Tôn Đức Trung cho biết: Không chỉ các thầy cô giáo và các em Trường Tiểu học Trung Sơn mong mỏi ngôi trường mới mà chính quyền địa phương cũng rất mong ngóng. Hiện nay, nhà thầu đang gấp rút thi công và dự kiến ngôi trường mới sẽ khánh thành, đi vào sử dụng trong năm 2019.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]