(vhds.baothanhhoa.vn) - Xây dựng công trình cấp nước tập trung nhằm “giải cơn khát” cho bà con ở vùng khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Tuy nhiên, trong số các công trình cấp nước tập trung đã và đang triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh có những công trình xây dựng tiến độ "rùa bò” và có nhiều công trình sau khi hoàn thiện đưa vào sử dụng không phát huy hiệu quả, khiến người dân bức xúc.

Nước sạch về làng: Chuyện về những công trình cấp nước tập trung

Xây dựng công trình cấp nước tập trung nhằm “giải cơn khát” cho bà con ở vùng khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Tuy nhiên, trong số các công trình cấp nước tập trung đã và đang triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh có những công trình xây dựng tiến độ "rùa bò” và có nhiều công trình sau khi hoàn thiện đưa vào sử dụng không phát huy hiệu quả, khiến người dân bức xúc.

Nước sạch về làng: Chuyện về những công trình cấp nước tập trungDự án Hệ thống cấp nước huyện Nông Cống, đứng chân trên địa bàn xã Thăng Thọ, thi công đến nay đạt khoảng 60% khối lượng công trình.

Từ những công trình không phát huy hiệu quả...

Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện trên địa bàn tỉnh có 519 công trình cấp nước tập trung tại khu vực miền núi Thanh Hóa. Trong đó, chỉ có 29 công trình hoạt động hiệu quả (5,59%), 347 công trình hoạt động kém hiệu quả (66,86%) và có tới 143 công trình không hoạt động (27,55%). Hiện những công trình không hoạt động đang “đắp chiếu”, bỏ hoang, xuống cấp, gây lãng phí ngân sách đầu tư của Nhà nước mà còn khiến cho gần 30.000 người dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt.

Công trình cấp nước thôn Mỹ Đàm, xã Thành Minh (Thạch Thành) là một trong số 143 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh hiện không hoạt động. Công trình được khởi công xây dựng giữa năm 2014 với số tiền lên tới 1,3 tỷ đồng bằng nguồn vốn của Chương trình 134. Công trình được hoàn thiện và đưa vào sử dụng kỳ vọng giúp cho 120 hộ/171 hộ dân trong thôn Mỹ Đàm có nước sinh hoạt để sinh hoạt. Tuy nhiên, ngay sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 11-2014, công trình đã không phát huy hiệu quả, bỏ hoang gây lãng phí.

Theo quan sát, công trình được đầu tư xây dựng bê tông kiên cố, nhưng thực tế là 2/3 công trình này hiện đang bị lấp vùi trong đất núi, cỏ mọc um tùm. Đặc biệt, hệ thống van nước, đường ống dẫn có dấu hiệu hoen gỉ, không phát huy tác dụng. Tại bể chứa số 1, do bỏ hoang lâu ngày đã trở thành chỗ chứa củi của bà con. Tại bể chứa nước số 2, hệ thống đường ống dẫn từ bể nguồn bị tháo văng ra bỏ ngổn ngang, bể không có nước. Bể chứa số 3 cũng trong tình trạng tương tự, bỏ hoang không sử dụng. Bể chứa số 4 được đặt ngay trong khu khuôn viên Nhà văn hóa thôn Mỹ Đàm cũng không thể sử dụng được.

Được biết, hiện trên địa bàn huyện Thạch Thành có 8/19 công trình cấp nước tập trung không hoạt động, gây khó khăn cho người dân về nguồn nước sinh hoạt. Tuy nhiên, thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành: Trong số các công trình không phát huy hiệu quả, chỉ có 1 công trình huyện đang đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để sửa chữa đó là công trình cấp nước tập trung tại thôn Nội Thành, xã Thạch Lâm. Những công trình còn lại không đề nghị vì người dân đã khắc phục bằng cách sử dụng giếng khoan hoặc đầu tư dây dẫn, lấy nước từ suối như ở thôn Mỹ Đàm, xã Thành Minh.

... Đến những công trình có tiến độ thi công “rùa bò”

Dự án Hệ thống cấp nước huyện Nông Cống (đứng chân trên địa bàn xã Thăng Thọ) được khởi công xây dựng vào quý I-2019, dự kiến đưa vào hoạt động quý IV-2019. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm kể từ ngày khởi công và qua nhiều lần điều chỉnh, dự án vẫn chưa thể hoàn thành đúng tiến độ, khiến người dân, chính quyền địa phương bức xúc.

Ông Lê Văn An, thôn Thọ Thượng, xã Thăng Thọ là 1 trong số 47 hộ dân của thôn có đất thu hồi phục vụ dự án cho biết: “Khi có thông tin về dự án nước sạch triển khai, không chỉ gia đình tôi mà hầu hết người dân trong thôn, trong xã đều rất phấn khởi vì sắp được sử dụng nguồn nước sạch thay cho nguồn nước giếng khoan bị nhiễm mặn, nhiễm vôi, không tốt cho sức khỏe. Khi có chủ trương thu hồi đất, gia đình tôi đồng ý bàn giao 2 sào đất lúa để thực hiện dự án. Từ khi bàn giao đất (năm 2018) đến nay đã gần 4 năm, vẫn chưa thấy nước sạch. Tôi và các hộ dân nhường đất cho dự án rất bức xúc”.

Nói về dự án cấp nước huyện Nông Cống chậm tiến độ, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Thăng Thọ thừa nhận: “Công trình này đáng lẽ phải hoàn thành, đưa vào sử dụng từ quý IV-2019, nhưng do doanh nghiệp thi công cầm chừng, có nhiều thời gian không thi công. Vì vậy, tại các cuộc họp do thôn, xã tổ chức, người dân bức xúc và kiến nghị chính quyền có biện pháp xử lý. Ngoài làm việc với doanh nghiệp, địa phương đã gửi văn bản đề xuất với huyện có buổi làm việc với doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân. Trên tinh thần đó, huyện đã nhiều lần gửi văn bản và tổ chức hội nghị mời doanh nghiệp và sau mỗi lần, họ có đưa máy móc về làm mấy hôm rồi lại rút đi. Kể từ cuối tháng 3-2021 đến ngày 25-6-2021, doanh nghiệp mới đưa nhiều lao động, phương tiện tập trung thi công dự án”. Cũng theo ông Hưng, nếu doanh nghiệp luôn duy trì ổn định hàng chục lao động cũng như phương tiện làm liên tục như hiện tại thì từ nay đến cuối năm người dân trong xã mới hy vọng có nước sạch để dùng.

Được biết, Dự án Hệ thống cấp nước huyện Nông Cống do Công ty CP Đầu tư phát triển và Xây dựng môi trường đô thị Việt Nam ở địa chỉ: Số 3, hẻm 52/11/76/5, tổ 5, phố Gia Quất, phường Thượng Thanh, quận Long Biên (Hà Nội) là chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư là 455 tỷ đồng. Công suất thiết kế của dự án là 29.000m3/ ngày/đêm, cấp nước cho người dân ở 13 xã thuộc huyện Nông Cống, 3 xã thuộc huyện Như Thanh và 3 xã thuộc huyện Tĩnh Gia.

Ông Nguyễn Lợi Đức, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, cho biết: Ngay sau khi UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, huyện đã kịp thời hỗ trợ chủ đầu tư về giải phóng mặt bằng, thủ tục hồ sơ, nhưng phía chủ đầu tư liên tục đề xuất điều chỉnh dự án và chậm triển khai thi công. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cũng như lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, UBND huyện Nông Cống đã nhiều lần liên hệ, làm việc với chủ đầu tư. Cuộc làm việc gần đây nhất vào ngày 10-3-2021, nghĩa là sau khi có Quyết định số 277/QĐ-UBND ngày 21-1-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc điều chỉnh tiến độ đến tháng 9-2021 công trình phải hoàn thành đưa vào sử dụng. Tại buổi làm việc, đại diện chủ đầu tư đã cam kết với UBND huyện Nông Cống sẽ hoàn thành dự án theo đúng tiến độ. Thực tế, gần 3 tháng nay, dự án Hệ thống cấp nước huyện Nông Cống đã được chủ đầu tư đưa máy móc, phương tiện và đang thực hiện được một số hạng mục: Hồ chứa nước: 3 hồ (trong đó 1 hồ nước có diện tích rộng khoảng 1ha, sâu 7m và 2 hồ nhỏ đã được đắp bờ xung quanh); Tường đá: Phía Bắc khu đất đã xây dựng 2/3 móng tường bằng đá; Đường vào dự án: rộng 8m, có chiều dài 200m đã xây móng đá hai bên, đổ bây mặt bằng, tra cống qua đường hoàn chỉnh; phần còn lại của khu đất đã được san nền. Theo tiến độ thi công hiện tại của công trình, dự án sẽ không thể hoàn thiện đi vào hoạt động trong tháng 9-2021.

Cũng theo ông Đức, nếu dự án không hoàn thành đưa vào sử dụng như Quyết định số 277/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh, không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu nước sạch phục vụ sinh hoạt của người dân 13 xã mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2021 của huyện Nông Cống.

Ông Nguyễn Thành Luân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Còn nhiều khó khăn trong đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn

PV: Có ý kiến cho rằng, việc đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Ông Nguyễn Thành Luân: Dự án cấp nước sạch là dự án xã hội hóa thuộc lĩnh vực môi trường. Hiện nay, việc lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án xã hội hóa được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28-2-2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-4-2020). Tuy nhiên, hiện các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chưa ban hành quy định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án theo quy định của Chính phủ. Do đó, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xã hội hóa nói chung và dự án cấp nước sạch nói riêng chưa thể thực hiện do chưa có quy định áp dụng thực hiện.

Thêm vào đó, ngày 17-4-2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ đầu tư nước sạch nông thôn, trong đó có chính sách khuyến khích đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016 - 2020, do nguồn vốn khó khăn nên ngân sách Trung ương chưa cân đối được nguồn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư công trình nước sạch nông thôn theo chính sách.

PV: Không thể phủ nhận về hiệu quả đầu tư các dự án cấp nước sạch, đặc biệt đối với khu vực nông thôn. Nhưng thực tế cũng có một số dự án đầu tư đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, thưa ông?

Ông Nguyễn Thành Luân: Hiện nay, các dự án cung cấp nước sạch nông thôn chủ yếu được đầu tư từ nguồn vốn ODA và vốn đầu tư của các doanh nghiệp. Trong đó nhiều dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động. Tuy nhiên, cũng có những công trình nước sạch kéo dài, không đảm bảo tiến độ do vướng mắc giải phóng mặt bằng, thiếu vốn, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các nguyên nhân khác... Trường hợp cần thiết thì phải thu hồi dự án để kêu gọi nhà đầu tư khác có tiềm năng hơn...

Ông Đỗ Doãn Thành, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân thấy được tầm quan trọng của nước sạch

PV: Một yêu cầu đối với các xã được công nhận nông thôn mới nâng cao là phải có hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung. Đây có phải là tiêu chí khó, thưa ông?

Ông Đỗ Doãn Thành: Đây đúng là tiêu chí rất khó. Một số xã vì tiêu chí này mà ảnh hưởng đến tiến độ trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Để xã tự đầu tư kinh phí xây dựng công trình cấp nước tập trung là vượt quá khả năng. Bởi điều này phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là kinh phí, điều kiện duy trì và chất lượng nước. Một xã không thể bỏ hàng chục tỷ đồng để xây dựng công trình nước sạch. Thực tế, những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao chưa có xã nào tự xây được công trình nước sạch mà phải cần có sự hỗ trợ từ các dự án, doanh nghiệp. Đối với các xã miền núi còn khó khăn hơn trong việc kêu gọi nhà đầu tư vì còn liên quan đến địa hình, đời sống người dân...

PV: Theo công bố kết quả Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch nông thôn năm 2020 trên địa bàn tỉnh thì tỷ lệ các công trình cấp nước tập trung nông thôn kém bền vững chiếm tới 65,7%, trong khi đó tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung mới đạt 19%. Qua số liệu trên cho thấy, hiệu quả các công trình cấp nước tập trung nông thôn chưa cao. Ông đánh giá về vấn đề này thế nào?

Ông Đỗ Doãn Thành: Hiện Trung tâm nước sạch sinh hoạt và môi trường nông thôn đang quản lý, vận hành 12 nhà máy nước sạch với tổng công suất thiết kế gần 30.000m3/ngày/đêm. Tuy nhiên, công suất khai thác thực tế chỉ đạt từ 60 - 61,5% so với công suất thiết kế. Điều này khiến việc thu hồi vốn đầu tư chậm, dẫn đến duy trì hoạt động của các công trình cấp nước tập trung gặp khó khăn. Công suất khai thác thực tế thấp đồng nghĩa với việc người dân chưa tha thiết sử dụng nguồn nước sạch cho sinh hoạt, vì họ đã quen dùng nước giếng, nước mưa. Hơn nữa, người dân không mặn mà vì phải trả kinh phí lớn cho việc đấu nối...

Do đó để công trình cấp nước tập trung phát huy hiệu quả, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân thấy được tầm quan trọng của nước sạch. Đồng thời, nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ công trình và huy động Nhân dân đóng góp, sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời công trình vừa mới hư hỏng... Bên cạnh đó, tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp, tổ chức đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung theo hình thức xã hội hóa.

Ông Nguyễn Huy Nhắn, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ nước sạch Triệu Sơn: Nhà đầu tư phải có tâm, có tiềm lực

PV: Dự án Nhà máy nước sạch Triệu Sơn hoàn thành trong điều kiện rất khó khăn do bùng phát dịch COVID-19. Đến thời điểm này đã có bao nhiêu hộ dân được sử dụng nước sạch của nhà máy, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Nhắn: Dự án Nhà máy nước sạch Triệu Sơn do Công ty CP Dịch vụ nước sạch Triệu Sơn làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 160 tỷ đồng, công suất 9.800 m3/ngày/đêm, cung cấp nước cho 30 xã thuộc 3 huyện: Đông Sơn, Triệu Sơn và Nông Cống. Nhà máy đầu tư theo công nghệ mới, tiên tiến nhất của Châu Âu và Châu Mỹ. Nước đầu vào được kiểm soát hoàn toàn bằng hệ thống tự động hóa. Chất lượng nước đầu ra đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện đơn vị đã lắp đặt nước cho 1.000 hộ dân. Trung bình mỗi ngày lắp mới từ 20- 30 hộ.

PV: Thông thường, nhà đầu tư mong muốn có nhiều khách hàng lắp đặt, sử dụng nước sạch để ổn định sản xuất cho nhà máy và người dân được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, để người dân quan tâm nhiều hơn đến nước sạch không phải đơn giản?

Ông Nguyễn Huy Nhắn: Chắc chắn rồi. Đầu tư vào nước sạch nông thôn rất nhiều khó khăn, nếu không có tâm, không có tiềm lực, không thể làm được. Khó khăn nhất đối với đơn vị đó là thói quen dùng nước giếng vẫn đang ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Có những hộ rất vui mừng khi có nước sạch, nhưng ngược lại nhiều hộ vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của nước sạch đối với chất lượng cuộc sống. Tôi tin, dần dần người dân sẽ hiểu và sử dụng nước sạch nhiều hơn.

Một khó khăn nữa đó là chi phí lắp đặt nước. Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ đầu tư nước sạch nông thôn vẫn chưa thực hiện được. Hiện nhà đầu tư hỗ trợ 50% và người dân đóng góp 50%, đó là điều khó cho doanh nghiệp và người dân. Nếu nhà đầu tư bỏ ra 50%, Nhà nước 50% thì người dân sẽ sử dụng nước nhiều hơn. Vì vậy, khi Nhà nước hỗ trợ theo nghị định thì nhà đầu tư sẽ trả lại tiền cho bà con.

Bài và ảnh: Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]