(vhds.baothanhhoa.vn) - Nước sạch là nhu cầu tất yếu của con người, là tiêu chí quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng như là một chỉ tiêu dịch vụ xã hội của người dân. Tuy nhiên, đằng sau vấn đề nước sạch nông thôn là câu chuyện chưa có hồi kết...

Nước sạch về làng: Người khát nước, nước “khát” người

Nước sạch là nhu cầu tất yếu của con người, là tiêu chí quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng như là một chỉ tiêu dịch vụ xã hội của người dân. Tuy nhiên, đằng sau vấn đề nước sạch nông thôn là câu chuyện chưa có hồi kết...

Nước sạch về làng: Người khát nước, nước “khát” ngườiDo nước giếng khoan bị nhiễm mặn, người dân xã Hà Tiến (Hà Trung) ra giếng làng lấy nước về sinh hoạt.

Thấp thỏm chờ... nước

Từ trước đến nay, người dân ở xã Hà Tiến (Hà Trung) chủ yếu dùng 2 loại nước để sinh hoạt là nước mưa và giếng khoan. Nhưng với đặc thù là vùng chiêm trũng nên nguồn nước ở đây bị nhiễm mặn nặng, đặc biệt tại 4 thôn: Đồng Ô, Bái Sơn, Đầm Sen và Đầm Tiến.

Do nguồn nước nhiễm mặn, nhiều người dân phải đến giếng làng lấy nước về sinh hoạt, thậm chí lắp đường ống dẫn nước từ giếng về nhà để dùng. Cũng như nhiều người dân ở thôn Đồng Ô, đều đặn ngày 2 lần, chị Mai Thị Gấm lại xách thùng ra giếng làng gánh nước. Chị cho biết: “Lâu nay gia đình tôi dùng nước giếng khoan. Chỉ một thời gian là từ ấm, nồi đều bị rỉ sét, quần áo giặt cũng vàng ố... Cũng may có nguồn nước giếng làng bảo đảm an toàn hơn, nên nhiều gia đình trong thôn hàng ngày đều đến giếng làng lấy nước để phục vụ việc ăn uống, sinh hoạt”.

Được biết, vào ngày 23-10-2020, UBND tỉnh đã có Quyết định số 4544/QĐ-UBND về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nước sạch sinh hoạt Hà Trung. Mục tiêu đầu tư là cung cấp nước sạch cho 13 xã, thị trấn và 3 cụm công nghiệp ở huyện Hà Trung. Ông Trịnh Đình Công, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - thương mại Thanh Hóa - chủ đầu tư dự án này, cho biết: “Nhà máy nước sạch sinh hoạt Hà Trung cũ chỉ đủ công suất cấp nước cho thị trấn Hà Trung và xã Hà Bình. Dự án điều chỉnh được thực hiện tại 4 địa điểm, trong đó xây dựng Trạm xử lý nước tại xã Hà Long với công suất 2.000m3/ngày/đêm, phục vụ nước cho xã Hà Tiến và một số xã lân cận khác. Dự án đang trong quá trình thực hiện hồ sơ, thủ tục về đất đai, xây dựng. Khi nhà máy đi vào hoạt động, công ty sẽ thực hiện ngay việc cấp nước cho người dân”.

Dự án này đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, dự kiến khởi công trong quý III-2021, hoàn thành, đi vào hoạt động trong quý I-2023. Như vậy là người dân ở xã Hà Tiến nói riêng sẽ phải chờ nước sạch thêm gần 2 năm nữa. Chia sẻ của ông Vũ Văn Được, Chủ tịch UBND xã Hà Tiến: “Nước sạch là nhu cầu bức thiết của Nhân dân. Khi biết có dự án Nhà máy nước sạch Hà Trung được đầu tư, lúc nào bà con cũng thấp thỏm chờ nước về làng. Qua khảo sát, 100% số hộ trong xã sẽ đăng ký sử dụng nước sạch”.

Khách hàng... 0m3

Trong khi nhiều nơi, người dân đang “khát” nước sạch thì ở một số địa phương, có một nghịch lý, dù nước đã về đến nhà nhưng người dân không sử dụng, đồng hồ vẫn dừng ở... 0m3.

Tại xã Định Tân, năm 2018, Ngân hàng Vietcombank hỗ trợ cho người dân trong xã 10 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống nước sạch. Đồng nghĩa, các hộ dân được miễn toàn bộ kinh phí đấu nối. Thời điểm này, có 1.467/1.600 hộ trong xã lắp đặt hệ thống nhưng 3 năm qua, trung bình mỗi năm có tới 500 hộ không dùng nước. Ông Lê Trọng Hào, Giám đốc Chi nhánh cấp nước Yên Định, cho hay: “Cứ qua một năm, số hộ không sử dụng nước giảm khoảng 5%. Đó cũng là tín hiệu vui, nhưng thực tế vẫn không tránh được sự bù lỗ từ phía công ty vì liên quan đến chi phí nhân công, điện, quản lý vận hành, khấu hao tài sản"...

Để tháo gỡ, mới đây Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa đã đề nghị UBND tỉnh bổ sung điểm mới trong hợp đồng dịch vụ cấp nước và đã được chấp thuận. Theo đó, đối với khách hàng không sử dụng nước 3 tháng liên tục thì công ty sẽ tạm dừng việc cấp nước. Khi nào khách hàng có nhu cầu thì công ty sẽ nối lại dịch vụ. Về phía xã Định Tân, ông Trịnh Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Số hộ không dùng nước sạch vì 2 lý do, thứ nhất là dùng nước của công ty là phải trả tiền. Thứ 2, trước khi chưa có nước sạch, các hộ đều có bể nước mưa và giếng khoan, máy lọc nước. Chính vì vậy, bà con vẫn quen dùng các nguồn nước truyền thống hơn dùng nước của nhà máy. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tích cực cùng Chi nhánh cấp nước Yên Định tuyên truyền cho Nhân dân rõ hơn về vai trò của nước sạch đối với sức khỏe, môi trường... Nâng cao ý thức người dân phải làm từng bước chứ không thể nóng vội”.

Nếu ở Định Tân, có những hộ dân không dùng nước sạch vì lo phải đóng tiền thì tại xã Yến Sơn (Hà Trung), dù được hỗ trợ cả tiền lắp đặt và dùng nước miễn phí, nhưng tháng nào cũng có khách hàng 0m3.

Lần giở cuốn sổ theo dõi công tơ nước hàng tháng ở cụm dân cư 5, thôn Chuế Cầu, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2021, trung bình mỗi tháng có 10 hộ dân không dùng nước (thôn Chuế Cầu là thôn duy nhất ở xã Yến Sơn được ưu tiên sử dụng nguồn nước sạch của Dự án Các hoạt động địa phương Việt Nam vì sức khỏe môi trường do cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển tài trợ). Theo ông Phạm Trường Giang, công chức địa chính xã Yến Sơn: “Dự án đầu tư 1 hệ thống nước đạt tiêu chuẩn QCVN 01/2009-BYT. Tuy nhiên chỉ có 63/110 hộ lắp đặt nước. Sau 4 năm dự án đi vào hoạt động, một số hộ dân dù được sử dụng nước sạch miễn phí, nhưng họ vẫn không dùng nước của dự án, vì vẫn quen dùng nước giếng khoan”.

Vỡ òa niềm vui

Ngày 6-6-2021, người dân ở xã Tế Lợi (Nông Cống) đã được dùng nước sạch sau nhiều năm chờ đợi. Ông Nguyễn Thế Du ở thôn Liêm Chính không giấu được niềm vui: "Giờ ăn uống, giặt giũ, gia đình tôi dùng toàn bộ bằng nước máy, bỏ hẳn giếng khoan. Trước đây, vào những lúc hạn hán, giếng khoan không bơm được nước. Giờ đây, trời có nắng mấy cũng không lo mất nước nữa”.

Nước sạch về làng: Người khát nước, nước “khát” ngườiSau nhiều năm chờ đợi, người dân xã Tế Lợi (Nông Cống) đã được dùng nước sạch.

Trước khi nước sạch về làng, người dân xã Tế Lợi đều sinh hoạt bằng nước giếng khoan hoặc nước mưa. Tuy nhiên, do nước giếng khoan bị nhiễm mặn nên đồ dùng, thiết bị ở các hộ gia đình đều nhanh hỏng. Vẫn biết, nguồn nước không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng người dân nơi đây không còn cách nào khác. Ông Nguyễn Văn Sáu, Bí thư Đảng ủy xã Tế Lợi, cho biết: “Vào năm 2014 và 2018 đã có 2 dự án nước sạch được triển khai nhưng đều không thực hiện được. Đến dự án Nhà máy nước sạch Triệu Sơn mới thành công. Quá tam ba bận, người dân mới có nước sạch để dùng. Bà con rất phấn khởi”.

Đến nay, ở xã Tế Lợi, 3/7 thôn đã có nước sạch. Hiện chủ đầu tư là Công ty CP Dịch vụ nước sạch Triệu Sơn đang đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống cấp nước tại các thôn còn lại. Bí thư Đảng ủy xã Tế Lợi Nguyễn Văn Sáu cho biết thêm: “Mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận xã Tế Lợi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đúng theo kế hoạch, xã sẽ hoàn thành 15 tiêu chí nông thôn mới nâng cao trong năm 2020 nhưng phải chậm lại 1 năm vì thời điểm này chưa đạt tiêu chí về nước sạch”.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 29 nhà máy cấp nước sạch nông thôn tập trung hoạt động, cấp nước sạch cho khoảng 123 xã. Ngoài ra, có 16 công trình cấp nước sạch đã và đang triển khai thực hiện với quy mô cấp nước cho 162 xã. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn toàn tỉnh được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN là 56,3% (trong đó: tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung là 19%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước nhỏ lẻ là 37,3%).

Bài và ảnh: Việt Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]