(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa với đặc điểm địa hình 102km đường bờ biển, 5 hệ thống sông chính (sông Mã, sông Lạch Bạng, sông Hoạt, sông Yên, sông Chàng), bên cạnh là các sông, suối phụ lưu, ao, hồ dày đặc, mưa lũ thất thường... tất cả dẫn đến nguy cơ cao về tai nạn đuối nước, đặc biệt với các em nhỏ. Làm thế nào để giảm thiểu, ngăn chặn một cách hiệu quả nỗi đau do tai nạn đuối nước ở trẻ em, là câu hỏi đặt ra với các cấp, ngành, chính quyền địa phương, gia đình và toàn xã hội.

Phòng, chống đuối nước ở trẻ em: Ngăn chặn những nỗi đau

Thanh Hóa với đặc điểm địa hình 102km đường bờ biển, 5 hệ thống sông chính (sông Mã, sông Lạch Bạng, sông Hoạt, sông Yên, sông Chàng), bên cạnh là các sông, suối phụ lưu, ao, hồ dày đặc, mưa lũ thất thường... tất cả dẫn đến nguy cơ cao về tai nạn đuối nước, đặc biệt với các em nhỏ. Làm thế nào để giảm thiểu, ngăn chặn một cách hiệu quả nỗi đau do tai nạn đuối nước ở trẻ em, là câu hỏi đặt ra với các cấp, ngành, chính quyền địa phương, gia đình và toàn xã hội.

Phòng, chống đuối nước ở trẻ em: Ngăn chặn những nỗi đau

Xung quanh vấn đề này, PV Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với các ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); Nguyễn Duy Tự, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL); Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn.

Ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH:

Nhiều vụ tai nạn đuối nước xảy ra để lại hậu quả nghiêm trọng. PV: Xin ông cho biết, thực trạng tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Ông Lê Minh Hành: Năm 2017 trên địa bàn tỉnh có 72 trường hợp trẻ tử vong vì tai nạn đuối nước; năm 2018 là 33 trường hợp; năm 2019 là 31 trường hợp; năm 2020 là 27 trường hợp. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, tai nạn đuối nước chiếm đến 95% trong số vụ tai nạn thương tích gây tử vong cho trẻ.

Tình hình trẻ em bị tai nạn đuối nước có giảm dần qua các năm, song vẫn ở mức cao, nhiều vụ để lại hậu quả nghiêm trọng. Gần đây như vụ đuối nước ở xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa) làm 4 trẻ tử vong; đuối nước ở xã Quảng Nham (Quảng Xương) làm 3 trẻ tử vong; đuối nước ở phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) làm 2 trẻ tử vong.

PV: Với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai, thực hiện những giải pháp cụ thể gì để phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em, thưa ông?

Ông Lê Minh Hành: Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về phòng, chống đuối nước trẻ em. Gần đây nhất là Công văn số 5426/UBND ngày 26-4-2021 của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, tập trung một số giải pháp: Tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại cộng đồng, hướng dẫn, vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em (đặc biệt là trẻ nhỏ) trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa lũ; tổ chức các lớp dạy bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em; tổ chức thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống tai nạn thương tích. Đồng thời chỉ đạo xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các vụ việc tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước làm trẻ em tử vong; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”...

Ông Nguyễn Duy Tự, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL:

Cần phổ cập môn bơi trong các trường học phổ thông. PV: Nguyên nhân nào dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, thưa ông?

Ông Nguyễn Duy Tự: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, trong đó thường gặp là: Nhiều gia đình lơ là chủ quan, chưa thực sự quan tâm, giám sát chặt chẽ các hoạt động của trẻ em ở gần môi trường nước; kiến thức phòng tránh, sơ cấp cứu tai nạn đuối nước của người dân còn hạn chế; trẻ em không biết bơi hoặc biết bơi nhưng chủ quan và thiếu kỹ năng xử lý tình huống trong môi trường nước; môi trường sống của trẻ chưa thực sự an toàn, nhưng chưa có biện pháp bảo vệ phù hợp; các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp còn bất cẩn, thiếu biện pháp bảo vệ trong quá trình hoạt động xây dựng, san lấp các hố công trình...

PV: Để phòng, chống đuối nước ở trẻ em, theo ông đâu là giải pháp lâu dài?

Ông Nguyễn Duy Tự: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chương trình, dự án nhằm phòng, chống đuối nước ở trẻ em được triển khai. Có thể kể đến Chương trình Bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em do 3 ngành VH,TT&DL, Giáo dục và Đào tạo, Công an phối hợp thực hiện; Dự án Phòng, chống đuối nước trẻ em do Sở LĐ-TB&XH thực hiện... cùng nhiều mô hình triển khai ở cấp cơ sở.

Về lâu dài, giải pháp căn cơ phòng, chống đuối nước ở trẻ em là phải phổ cập, đưa môn bơi trở thành môn bắt buộc trong các trường học. Chưa nói đến việc bơi đẹp, tối thiểu phải trang bị cho trẻ được kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước một cách toàn diện. Dĩ nhiên, thực hiện được điều này không dễ, chủ yếu là do khó khăn về xây dựng, lắp đặt bể bơi ở các trường học, đặc biệt là các trường ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa...

Thời gian qua, Sở VH,TT&DL đã phối hợp chỉ đạo tập huấn cho giáo viên dạy bơi; tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu các trường hợp bị đuối nước tại cộng đồng cho cán bộ làm công tác trẻ em, cộng tác viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn:

Nâng cao hơn nữa vai trò giám sát của gia đình và chính quyền địa phương. PV: Thưa ông, tháng 5 vừa qua, trên địa bàn thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) xảy ra vụ việc tai nạn đuối nước thương tâm khiến 2 anh em tử vong. Trước, trong và sau khi sự việc xảy ra, huyện Đông Sơn đã làm gì để tăng cường công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em?

Ông Nguyễn Hồng Quang: Ngay khi vụ việc đuối nước đáng tiếc xảy ra tại thị trấn Rừng Thông, cùng với cơ quan cấp tỉnh, UBND huyện Đông Sơn và Phòng LĐ-TB&XH, các đoàn thể, ban ngành đã đến chia buồn, thăm viếng, hỗ trợ gia đình lo tang lễ cho các cháu.

Thời gian qua, huyện Đông Sơn đã có nhiều văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em; nâng cấp hệ thống kênh mương, bờ kè, cắm biển cảnh báo ở những khu vực nguy cơ cao; tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, trường học; Trung tâm Văn hóa Thông tin, Thể thao và Du lịch mở lớp dạy bơi, trang bị kiến thức, kỹ năng bơi cho trẻ em...

PV: Để phòng, chống đuối nước ở trẻ em, ông đánh giá như thế nào về vai trò của chính quyền địa phương và gia đình?

Ông Nguyễn Hồng Quang: Huyện Đông Sơn có 14 xã, thị trấn. Mỗi địa phương lại có đặc điểm khác nhau. Vì vậy, vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc nắm bắt địa hình, khu vực nguy hiểm, nguy cơ cao xảy ra đuối nước để chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống đuối nước là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, sự quan tâm, giám sát trẻ của mỗi gia đình - phụ huynh là vô cùng quan trọng. Ở những gia đình bố mẹ đi làm ăn xa, thường xuyên vắng nhà, nếu không được nhắc nhở, cảnh báo, các cháu rất dễ đến khu vực nguy hiểm như sông, hồ, ao, giếng nước... Đặc biệt, trẻ em thường hiếu kỳ, chủ quan, mải chơi nên khi gặp tình huống bất ngờ rất khó xử lý. Vì thế, để phòng, chống đuối nước ở trẻ em, cùng với Nhà nước, mỗi gia đình cần phải dành nhiều hơn nữa sự quan tâm cho chính con, em mình.

Khánh Lộc (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]