(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu ai đó hỏi rằng: Người thầy, người cô dạy cho tôi những con chữ, con số đầu tiên là ai? Tôi sẽ vô cùng hãnh diện, hạnh phúc trả lời rằng: Đó là mẹ. Nói vậy không phải để khoe khoang, bởi lẽ, tôi không phải đứa trẻ duy nhất nhận được sự yêu thương, dạy dỗ của mẹ. Gần như mọi đứa trẻ trên thế giới này, ngay từ khi sinh ra đều được hưởng niềm hạnh phúc vô bờ bến ấy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo

Nếu ai đó hỏi rằng: Người thầy, người cô dạy cho tôi những con chữ, con số đầu tiên là ai? Tôi sẽ vô cùng hãnh diện, hạnh phúc trả lời rằng: Đó là mẹ. Nói vậy không phải để khoe khoang, bởi lẽ, tôi không phải đứa trẻ duy nhất nhận được sự yêu thương, dạy dỗ của mẹ. Gần như mọi đứa trẻ trên thế giới này, ngay từ khi sinh ra đều được hưởng niềm hạnh phúc vô bờ bến ấy.

Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo

Người mẹ đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến việc phát triển, hoàn thiện về thể chất và tinh thần, trí tuệ của con trẻ, nhất là ở giai đoạn đầu đời.

Hằng ngày, vào khoảng từ 7 - 8 giờ tối, dẫu vướng bận công việc nhưng chị Ngô Thị Trang ở thôn Đông Phú, xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) vẫn thu xếp thời gian để giúp con gái Thanh Tâm học bài. Ở tuổi 13, Tâm đã có thể chủ động, tự giác trong việc học nhưng vẫn rất cần sự đồng hành, giúp đỡ, hướng dẫn của mẹ. Chị Trang chia sẻ: “Mình hiểu ở giai đoạn này, con cần được phát triển một cách tự nhiên, rèn luyện tính tự lập chứ không nên được bao bọc quá nhiều. Vì vậy, mình luôn tôn trọng không gian riêng tư của con, kể cả không gian học tập. Thay bằng việc can thiệp, hướng dẫn một cách máy móc, rập khuôn, mình chọn cách đồng hành cùng con thông qua việc thường xuyên có sự trao đổi, định hướng, khuyến khích con tư duy, sáng tạo”.

Với bài tập khó, chị Trang hướng dẫn con cách giải quyết chứ không làm sẵn; sách vở đi học con tự sắp xếp theo thời khóa biểu chứ mẹ không làm hộ… Mỗi khi quan sát thấy Thanh Tâm có vẻ lúng túng, khó khăn trước một bài tập, chị nhẹ nhàng đến bên hỏi con có cần giúp đỡ gì không và lắng nghe chia sẻ. Chính sự quan tâm, lắng nghe ấy khiến Thanh Tâm cảm thấy mình được tôn trọng, thấu hiểu và sẵn sàng cởi mở, chia sẻ với mẹ mọi điều. Từ đó, hai mẹ con phân tích, tìm ra lời giải, cách làm phù hợp, đúng nhất.

Chị Trang không đặt nặng vấn đề thành tích, không tạo áp lực điểm số, danh hiệu học tập của con. Trước mỗi kỳ thi, chị thường động viên, trò chuyện, hướng dẫn con cách sắp xếp thời gian ôn luyện, tìm mua thêm sách tham khảo để nâng cao kiến thức. Bên cạnh đó, chị luôn cân bằng giữa việc học và chơi, cho con nhiều trải nghiệm thực tế, kỹ năng sống, giáo dục giới tính, tâm lý, bảo vệ bản thân… Chị ngậm ngùi cho biết: “Số phận sắp đặt, mình vừa là mẹ vừa đóng vai trò người cha trong gia đình. Tự trong sâu thẳm tâm hồn, Thanh Tâm vẫn khao khát tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc từ bố. Nhiều khi, thấy những đứa trẻ khác được bố cho đi chơi, ôm vào lòng, Thanh Tâm buồn. Thay vì né tránh thì mình chọn cách đối diện, trò chuyện, tâm sự với con để con hiểu, cảm thông cho hoàn cảnh của mẹ, của gia đình để con nhận thức đúng. Có lẽ vì thế nên Thanh Tâm ngoan, hiểu chuyện và thương mẹ nhiều hơn”.

Cũng như cách của chị Trang, chị Trần Thị Hà (TP Thanh Hóa) luôn đồng hành, khuyến khích, làm bạn với con thay vì áp đặt suy nghĩ, kỳ vọng của mình lên hai đứa con trai đang học trung học cơ sở. Ví như đối với mạng xã hội, chị không cấm tuyệt đối, mà xem là một hình thức giải trí, một kênh để tiếp nhận thông tin. Chị vẫn tạo điều kiện cho con tiếp xúc, hiểu về nó nhưng có sự kiểm soát, giới hạn về thời gian, chương trình, nội dung. Chị Hà luôn dạy con phải biết phụ giúp bố mẹ các công việc nhà, như: dọn dẹp nhà cửa, nhặt rau, nấu cơm… sau thời gian học tập ở trường. Khi các con làm tốt, chị đều khen ngợi, khuyến khích. Ngược lại, khi con mắc lỗi hay có biểu hiện sa sút trong việc học, chị trực tiếp lắng nghe, đồng thời trao đổi với giáo viên chủ nhiệm ở lớp nhằm tìm hiểu nguyên nhân, kịp thời uốn nắn… Chị Hà nói: “Có lúc nóng nảy với con, có lúc khắt khe với con đến mức con khóc, mẹ cũng khóc theo. Nhưng mình nghĩ, trên hành trình khôn lớn của con, mỗi người mẹ cần biết cách tự điều chỉnh, hoàn thiện mình tốt hơn để dạy cho con những điều hay, lẽ phải và là tấm gương cho con học tập, noi theo”.

Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo

Vừa là mẹ, vừa gánh vác trách nhiệm của người cha, chị Ngô Thị Trang ở xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) luôn cố gắng dành nhiều thời gian chăm lo, dạy dỗ con cái.

Trong việc chăm sóc, bồi dưỡng, phát triển tâm hồn cho trẻ, giáo dục trong gia đình được xem là nền tảng quan trọng nhất. Gia đình là tế bào của xã hội, giáo dục trong gia đình là quá trình giáo dục xuyên suốt, liên tục trên cơ sở của tình yêu thương, tôn trọng giữa những con người cùng huyết thống - mối quan hệ thiêng liêng, bền chặt không gì thay thế được. Nó đồng thời là bài học trực quan sinh động, thiết thực, dễ tiếp thu nhất về đạo đức, lối sống, tình cảm, văn hóa..., từ đó giúp trẻ định hướng, lựa chọn các giá trị, nhất là giá trị sống. Trong đó, vai trò người mẹ có sự tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình phát triển của con cả về mặt thể chất, tâm hồn. Bà Phạm Thị Thu Hòa, Giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Hồng Đức chỉ ra rằng: "Nhạy cảm và đức hy sinh là một trong những điều cơ bản, khác biệt làm nên vai trò đặc biệt của người mẹ đối với việc chăm sóc, nuôi dạy con cái. Tính nhạy cảm giúp người mẹ dễ dàng nhận thấy những thay đổi, khác thường của con, dù là nhỏ nhặt nhất. Đức tính hy sinh, chẳng cần nói nữa vì mọi người đều hiểu tình mẫu - tử thiêng liêng đến thế nào”.

Cũng theo bà Phạm Thị Thu Hòa: Chăm sóc, giáo dục con cái phải được hiểu một cách đúng đắn, bao quát, đa chiều nhất. Nhạy cảm không có nghĩa là người mẹ luôn luôn lo sợ thái quá, can thiệp vào mọi biểu hiện, thay đổi của con. Hy sinh không có nghĩa là bao bọc, chiều chuộng con như những chú cừu non, những con gà công nghiệp. Không có “mẫu số chung” cho các bà mẹ trong việc nuôi dạy con. Các mẹ cần tìm hiểu đặc điểm tâm lý của con theo từng lứa tuổi, từng giai đoạn để tự mình điều chỉnh, đưa ra phương pháp giáo dục hợp lý, hiệu quả.

Tuy nhiên, từ phần lớn các nghiên cứu tâm lý, thực tiễn cuộc sống và kinh nghiệm hỗ trợ, điều trị tâm lý cho nhiều mẹ và trẻ, bà Phạm Thị Thu Hòa khẳng định: “Kiên nhẫn, lắng nghe, chia sẻ, tôn trọng, đúng mực… chính là những từ khóa cho việc nuôi dạy con trẻ. Đặc biệt, cách giáo dục hiệu quả nhất là phải hướng đến giá trị nhiều hơn là kết quả, thành tích và nguyên tắc là tạo sự hứng thú, thoải mái, niềm yêu thích, từ đó kích thích sự sáng tạo, tìm tòi, khám phá, hình thành tình cảm, trí tuệ cho con. Đừng để việc nuôi dạy con cái trở thành một cuộc chiến”.

Cho đến bây giờ, tôi không thể hình dung lại một cách tường tận quá trình mẹ đã dạy tôi những con chữ đầu tiên như thế nào. Những mảnh ký ức rời rạc nhưng hằn sâu trong tâm trí tôi là hình ảnh mẹ cặm cụi, sớm khuya làm từng cái rá, cái rổ để cóp nhóp từng đồng chia sẻ gánh nặng kinh tế với bố. Còn tôi khi ấy chừng 5 tuổi, ngồi cạnh mẹ, theo cùng là bộ chữ cái tiếng Việt in đậm trên từng mảnh giấy cứng như các tấm card visit bây giờ, ê a đánh vần theo mẹ. Do đặc thù công việc, bố tôi thường xuyên công tác xa nhà, vai mẹ thêm nặng nhọc, ngay cả việc mỗi tối vừa phải lo làm việc vừa sắm vai “cô giáo” dạy cho con những con chữ đầu đời. Mẹ tôi - người mẹ nông thôn bình thường, con đường học tập không quá dài nhưng luôn dạy dỗ, đồng hành với con bằng bản năng và tất thảy tình yêu thương, cùng tôi trải qua nhiều bài học trong đời, ngay cả bài học về những điều thầm kín, khó nói nhất như: giới tính, tình cảm…

Văn hóa Việt Nam bao đời nay là vậy, “đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”. Gia đình là tế bào của xã hội và người mẹ là “hạt nhân” trong mỗi gia đình. Với cuộc đời mỗi con người, trong mối liên hệ, tương quan giữa gia đình - nhà trường - xã hội, người mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc chăm lo thể chất, tinh thần, giáo dục hoàn thiện nhân cách cho trẻ, đặc biệt trong giai đoạn đầu đời.

Bài và ảnh: Thảo Linh


Bài và ảnh: Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]