(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 27 vụ đuối nước làm 34 người chết. 6 tháng đầu năm 2021 có 13 vụ làm 19 người thiệt mạng vì đuối nước. Sau mỗi vụ việc thương tâm thì những lời cảnh báo lại được đặt ra, như một sự việc “đến hẹn lại lên” về vai trò của gia đình, nhà trường và truyền thông trong giáo dục kỹ năng sống, phòng tránh đuối nước và cách ứng cứu.

Phòng, chống đuối nước ở trẻ em: Những câu chuyện thương tâm

Trong năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 27 vụ đuối nước làm 34 người chết. 6 tháng đầu năm 2021 có 13 vụ làm 19 người thiệt mạng vì đuối nước. Sau mỗi vụ việc thương tâm thì những lời cảnh báo lại được đặt ra, như một sự việc “đến hẹn lại lên” về vai trò của gia đình, nhà trường và truyền thông trong giáo dục kỹ năng sống, phòng tránh đuối nước và cách ứng cứu.

Phòng, chống đuối nước ở trẻ em: Những câu chuyện thương tâmCông an huyện Quảng Xương tổ chức tuần tra tại các bãi biển, nhằm phòng ngừa tai nạn đuối nước. Ảnh: Minh Phương

Một tháng sau sự ra đi của ba em nhỏ: N.V.S (sinh năm 2013). T.Đ.A (sinh năm 2010) và T.V.K (sinh năm 2012) tại bãi biển từ thôn Thắng đến thôn Đức, xã Quảng Nham (Quảng Xương) vắng hẳn bóng trẻ nhỏ chơi nghịch trên bờ. Trước đây, khi chiều mát, bọn trẻ thường được bố mẹ cho ra biển, rất bình thường. Như chia sẻ của nhiều người dân, trẻ tắm biển có khác gì tắm ở nhà? Quen quá rồi nên nhiều khi có sự chủ quan chăng?

Trong 5 đứa trẻ xuống tắm chiều 9-6-2021, 3 em T.Đ.A, T.V.K và N.V.S được chính ông nội, ông ngoại là Trần Văn Dậu trực tiếp đưa ra biển. Sau sự việc đau lòng, đến nay ông Dậu không thể tin nổi và cả những người dân ở đây càng không thể tin, bởi đoạn biển này rất thoải, thường không nguy hiểm. Thấy các cháu đang chơi ven bờ, ông Dậu ù chạy về nhà ngay gần đó. Thế mà... cả 3 đứa cháu đã xa mãi mãi.

Đau lòng nhất là cháu N.V.S dù được các lực lượng chức năng tìm kiếm, đồng thời thông tin cho các phương tiện đánh bắt gần bờ vùng biển Quảng Nham biết và tham gia hỗ trợ, huy động ngư lưới cụ của ngư dân xã Quảng Hải và các xã lân cận, cùng bà con Nhân dân địa phương tìm kiếm, 4 giờ sau mới tìm thấy thi thể. Thời điểm cháu mất, bố mẹ đang trong khu cách ly ở tỉnh Bắc Giang. Nhìn lên bàn thờ đứa cháu nội, bà Trần Thị Cót - trú tại thôn Đông, xã Quảng Nham đã không còn sức để gào khóc. Một tháng trôi qua, là một tháng cả gia đình bà nhìn nhau với đôi mắt trống rỗng, không tin vào sự thật.

Trong khi đó, ở thôn Đức, 2 đứa con trai mất, anh Trần Văn Xuân đang đi biển, vợ đang làm việc ở công ty. Được báo, anh không tin ở tai mình. “Sau thời gian tích cóp, năm ngoái gia đình đã xây được vài gian cấp 4 để có cuộc sống thoải mái hơn. 3 đứa trẻ còn chưa hết hào hứng, phấn khích với ngôi nhà mới, thế mà giờ đây, chỉ còn 1 đứa, gian nhà trở nên trống hơ, trống hoác”, anh Xuân chia sẻ. Còn mẹ của 2 em T.Đ.A, T.V.K thì đổ gục, người gầy rộc.

Xã Quảng Nham hiện có 17.100 nhân khẩu với 3.620 hộ, diện tích bình quân đầu người ở đây chỉ hơn 1m2. Trong đó trẻ dưới 6 tuổi chiếm hơn 1.000. Ấy vậy mà hơn một tháng nay, chẳng còn đứa trẻ nào xuống biển chơi, chỉ quanh quẩn trong nhà, ra ngõ. Ông Trần Văn Long, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo huyện Quảng Xương đã đến thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ ban đầu cho gia đình có người gặp nạn, mỗi gia đình 10 triệu đồng. Hàng năm, bắt đầu từ tháng 4, chúng tôi đã tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống đuối nước, đảm bảo thời gian nghỉ học từ tháng 5 đến tháng 7 của các cháu được an toàn. Vì thế vài năm gần đây, trên địa bàn xã không có trường hợp bị đuối nước. Sự việc lần này quá thương tâm và là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người từ gia đình đến xã hội. Hiện, chúng tôi cũng cho cắm biển báo nguy hiểm, dù khu vực này không phải vùng nước xoáy và chưa bao giờ xảy ra sự việc đau lòng như thế”.

Sự việc thương tâm ở Quảng Nham xảy ra chưa được bao lâu thì chiều ngày 26-6, vụ đuối nước xảy ra ở thôn 9, phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) lại khiến mọi người bàng hoàng. Nhân lúc bố mẹ không để ý, hai anh em ruột là cháu Lý Xuân Đ. (sinh năm 2011) và Lý Xuân Đ. (sinh năm 2014) rủ nhau ra khu vực bờ kè sông Chu tắm. Trong lúc tắm, cả hai không may bị đuối nước, tử vong thương tâm.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Sỹ Ngọc, Chủ tịch UBND phường Thiệu Khánh, cho biết: “Trước khi sự việc xảy ra chúng tôi thường xuyên tuyên truyền trên loa phát thanh cho người dân phòng tránh đuối nước. Ngay trong tháng 6, nghị quyết của Đảng ủy phường cũng đã đề cập đến vấn đề này. Dưới đoạn đê kè này chúng tôi cũng đã cắm biển báo nguy hiểm, tuy nhiên không phải điểm xảy ra sự việc đau lòng kể trên”.

Lý giải về nguyên nhân diễn ra những cái chết thương tâm, một người dân ở Thiệu Khánh chia sẻ: Vì hai cháu rất ngoan, luôn nghe lời bố mẹ, nên không ai nghĩ trong khi bố đang nghỉ trưa, mẹ đi xuống chợ, hai cháu lại rủ nhau đi tắm. Từ đầu năm 2021, khi dự án chống sạt lở lòng sông kết thúc, trên địa bàn có đoạn kè rất đẹp, nhiều bà con thường xuyên xuống tắm.

Phòng, chống đuối nước ở trẻ em: Những câu chuyện thương tâmBờ biển khu vực thôn Đức, xã Quảng Nham (Quảng Xương) vắng hẳn bóng trẻ nhỏ chơi đùa kể từ sau cái chết thương tâm của 3 em nhỏ. Ảnh: K.H

Như vậy, chỉ trong chưa đầy 20 ngày có ít nhất 2 cặp anh em trong một gia đình đã mãi mãi ra đi. Nguyên nhân được đưa ra sau những cái chết thương tâm đó thì nhiều. Song, nếu không vì sự chủ quan của người lớn thì các cháu nhỏ ở Quảng Nham đã không mải mê nhảy theo những con sóng; nếu có thêm một cái biển cấm nguy hiểm ở đoạn kè khu vực thôn 9, sát mép sông Chu chắc gì kẻ đầu bạc phải tiễn người tóc xanh? Hay trước đó, ít ngày, ở Đông Sơn, vì sự tắc trách của một doanh nghiệp mà 2 đứa trẻ trượt từ đống cát xuống hố, bị ngạt nước dẫn đến tử vong...

Trong năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 27 vụ đuối nước làm 34 người chết. 6 tháng đầu năm 2021 có 13 vụ làm 19 người thiệt mạng vì đuối nước. Đó là những con số đáng báo động về môi trường sống xung quanh trẻ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn. Trong đó phải kể đến hệ thống sông ngòi, ao, hồ chằng chịt; nhiều ngôi nhà, trường học gần sông ngòi, ao, hồ không có rào chắn, nhiều hố nước sâu ở gần lò gạch, khu vực khai thác cát, đá... Và trẻ nhỏ hồn nhiên chơi đùa không có phương tiện bảo hộ, hay sự giám sát của người lớn.

Dẫu biết rằng, tai nạn thường đến bất ngờ, kể cả có kỹ năng chưa chắc đã thoát khỏi tử thần, nhưng thêm một biển cảnh báo, hay một rào chắn lại thường chỉ được người ta chú ý và tập trung làm khi sự việc đau lòng đã xảy ra. Những lời xin lỗi, những cái cúi đầu và những giọt nước mắt muộn mằn ấy không thể làm dịu nỗi đau của các gia đình. Chắc chắn sẽ còn những sự việc tương tự xảy ra, nếu việc phòng, tránh đuối nước chưa được xem là hành động cấp thiết của toàn xã hội.

Huyền Chi


Huyền Chi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]