(vhds.baothanhhoa.vn) - Khác với phương pháp giáo dục truyền thống cho trẻ mầm non, mỗi nhóm lớp Montessori được ví như một xã hội thu nhỏ. Với triết lý xuyên suốt là giáo dục để phục vụ cuộc sống hạnh phúc của mỗi em bé trong ngày hôm nay và mỗi con người trưởng thành trong tương lai, phương pháp này đặc biệt đề cao tính tự lập, giúp trẻ tự thấu hiểu bản thân mình, làm mọi việc theo cách tối ưu phù hợp với bản thân.

Phương pháp giáo dục Montessori: Khơi nguồn phát triển bản thân cho trẻ mầm non

Khác với phương pháp giáo dục truyền thống cho trẻ mầm non, mỗi nhóm lớp Montessori được ví như một xã hội thu nhỏ. Với triết lý xuyên suốt là giáo dục để phục vụ cuộc sống hạnh phúc của mỗi em bé trong ngày hôm nay và mỗi con người trưởng thành trong tương lai, phương pháp này đặc biệt đề cao tính tự lập, giúp trẻ tự thấu hiểu bản thân mình, làm mọi việc theo cách tối ưu phù hợp với bản thân.

Phương pháp giáo dục Montessori: Khơi nguồn phát triển bản thân cho trẻ mầm nonMột tiết học Montessori tại Trường Mầm non Sakura.

Là ngôi trường đầu tiên đặt nền móng cho phương pháp giáo dục Montessori tại Thanh Hóa, chương trình giáo dục tại Trường Mầm non Sakura (phường Đông Hải, TP Thanh Hóa) được dựa trên nền tảng dạy học là tôn trọng trẻ, theo triết lý của Tiến sĩ Maria Montessori (người nghiên cứu ra phương pháp): “Học là tự nhiên đúng với thời điểm phát triển của trẻ. Không ai có quyền dạy hơn hoặc thấp hơn, giáo viên không có quyền lựa chọn chương trình dạy mà để trẻ tự lựa chọn”.

Năm học 2021 - 2022, Trường Mầm non Sakura có 12 nhóm lớp với 230 học sinh (tính đến thời điểm cuối tháng 9 - 2021). Mỗi nhóm lớp đều được bố trí hơn 100 bộ giáo cụ, sắp xếp từ trên xuống dưới, từ đơn giản đến phức tạp. Đặc biệt, tất cả giáo cụ đều được sắp xếp ngang tầm với trẻ và đáp ứng nhu cầu của trẻ. Tại đây, trẻ được cung cấp đa dạng bài học, thuộc nhiều lĩnh vực, như: Thực hành cuộc sống giác quan; Toán học; Ngôn ngữ và văn hóa: địa lí, lịch sử, khoa học, nghệ thuật, âm nhạc, thể thao… Ngoài ra, trẻ sẽ tham gia những tiết hoạt động lớn theo các chủ đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo vô cùng phong phú và đa dạng.

Theo bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Hiệu trưởng nhà trường: Với mong muốn tạo nên một xã hội thu nhỏ trong lớp học của bé, và dựa trên nhịp độ, các đặc điểm phát triển tự nhiên của trẻ theo từng giai đoạn, lớp học Montessori được chia thành 2 nhóm: 18-36 tháng và 3-6 tuổi. Với phương pháp Montessori trẻ sẽ học thông qua các giác quan đặc biệt là đôi bàn tay, thông qua các thao tác trực tiếp với giáo cụ trực quan, sinh động. Mỗi một tiết học theo phương pháp này sẽ kéo dài từ 2,5 - 3 giờ đồng hồ, xuyên suốt trong các buổi sáng hàng ngày. Trẻ được tự chọn bộ giáo cụ mà mình yêu thích. Giáo viên là người hỗ trợ, quan sát và trẻ mới là chủ nhân của lớp học.

Cũng theo bà Nguyễn Minh Hằng, kết quả khi trẻ được giáo dục bằng phương pháp Montessori thể hiện ở 5 nội dung quan trọng: Trẻ ham mê khám phá và giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng dụng cụ học tập phù hợp, tiếp cận học tập một cách độc lập. Trẻ phát triển các kỹ năng quan trọng như tự lập, tự học, hợp tác linh hoạt, tính kỷ luật… Trẻ phát triển tất cả các mảng: thính giác, thị giác, vận động, có cảm nhận về giác quan một cách tinh tế. Trẻ hiểu biết tất cả các khía cạnh của môi trường học tập và văn hóa của mình ở mức độ riêng của mỗi trẻ. Trẻ có mục tiêu để phát triển các kỹ năng để tự đánh giá sự tiến bộ và khả năng của mình.

Có thể nói, với phương pháp học Montessori, tư tưởng xuyên suốt là khơi nguồn phát triển bản thân cho trẻ. Vì thế, việc giáo viên, phụ huynh áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ, bắt phải theo ý mình là hoàn toàn đi ngược với nguyên tắc của Montessori. Do đó, tại mỗi lớp học Montessori, giáo viên sẽ quan sát và đưa ra những gợi ý, hỗ trợ tối đa khả năng tự phát triển vốn có của mỗi trẻ trong từng giờ học. Bên cạnh đó, phương pháp giáo dục này đặc biệt đề cao tính tự lập. Những việc trẻ nhỏ có thể làm được thì luôn được khuyến khích tự làm. Các cô giáo không làm thay hoặc làm hộ cho trẻ. Việc tự lập có thể giúp trẻ tự thấu hiểu bản thân mình và đưa ra quyết định vào đúng thời điểm. Tự lập cũng giúp các em phát triển trí tuệ hơn, có thể tự làm mọi việc theo cách tối ưu và phù hợp nhất với bản thân bằng cách vận dụng trí tuệ của mình.

Tại Học viện Tottochan Montessori Academy (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), trong tất cả các nhóm lớp học luôn khuyến khích trẻ tự do lựa chọn hoạt động, giáo cụ phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân, trải nghiệm trong các góc lĩnh vực yêu thích của mình dưới sự định hướng của giáo viên Montessori. Với phương pháp thiên về giáo dục cá nhân và mỗi em bé phát triển khác nhau, việc hướng dẫn trẻ được áp dụng 1 - 1 (1 cô - 1 trò), giáo viên sẽ xây dựng giáo án riêng và lộ trình riêng cho từng trẻ trong lớp.

Bà Nguyễn Thị Trang - Giám đốc Học viện Tottochan Montessori Academy cho biết, tại đây 100% giáo viên đều tốt nghiệp đại học sư phạm và trải qua chương trình đào tạo Montessori. Vì vậy, khi hướng dẫn các bài học, tất cả động tác của cô đều đi theo đúng trình tự, uyển chuyển, nhẹ nhàng, chậm rãi và chính xác. Mọi thao tác đều tỉ mỉ, chi tiết để làm gương cho trẻ, từ đó hình thành nên tính ngăn nắp, trật tự và phép lịch sự, nhã nhặn cho trẻ những năm tháng sau này. Nếu quan sát việc làm của cô giáo Montessori thì đó là một quy trình, tuân theo những nguyên tắc rất đặc biệt. Đặc biệt, cần phải cân bằng nguyên tắc không can thiệp trực tiếp vào việc học của trẻ, nhưng lại không được bỏ rơi trẻ. Tại Tottochan Montessori Academy trẻ được đến trường từ thứ 2 đến thứ 7. Tuy nhiên, thứ 7 được xem là ngày giải phóng năng lượng cho trẻ sau một tuần học tập.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Maria Montessori, khoảng thời gian từ 0 - 6 tuổi chính là giai đoạn trẻ nhạy cảm nhất về các giác quan. Và phương pháp giáo dục Montessori cần tận dụng tối đa giai đoạn “vàng” này để tập trung phát triển giác quan cho trẻ. Thông qua các giáo cụ trực quan chuẩn Montessori như các hộp màu sắc, khối hình học, ống tạp âm, lọ khứu giác… các giác quan của trẻ đều được kích thích phát triển. Trẻ nhìn, cầm, nắm, lắng nghe để cảm nhận, ngửi, nếm để nhận biết, phân biệt… Trên cơ sở đó, trí não của trẻ sẽ phát triển nhanh nhạy và có thể ghi nhớ sâu hơn những điều trông thấy. Từ đó, trẻ có khả năng tiếp thu những tri thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau và tăng cường khả năng tư duy của mình, khơi nguồn phát triển bản thân cho tương lai.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]