(vhds.baothanhhoa.vn) - Do thiếu bộ phận chuyên trách làm công tác quản lý nội trú học sinh nên ở trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) giáo viên kiêm luôn quản lý. Khó khăn nhiều, trách nhiệm lớn nên cần sự cố gắng, nỗ lực hơn...

Quản lý học sinh nội trú

Do thiếu bộ phận chuyên trách làm công tác quản lý nội trú học sinh nên ở trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) giáo viên kiêm luôn quản lý. Khó khăn nhiều, trách nhiệm lớn nên cần sự cố gắng, nỗ lực hơn...

Quản lý học sinh nội trúGiờ tự học của học sinh Trường PTDTNT Như Xuân (Ảnh nhà trường cung cấp).

Trực đêm là câu chuyện bình thường đối với giáo viên ở Trường PTDTNT Như Xuân (Như Xuân). Nhiệm vụ của giáo viên trực đêm là quản lý, nhắc nhở học sinh học buổi tối, giờ ngủ, giờ dậy buổi sáng...

Hơn 10 năm công tác tại Trường PTDTNT Như Xuân, với thầy giáo Nguyễn Phú Ngọc nói riêng, giáo viên của nhà trường nói chung thì không chỉ là câu chuyện trực đêm mà còn là câu chuyện của 24/24h. Ở đó, giáo viên không chỉ làm công tác chuyên môn mà còn chăm sóc học sinh như chính con em mình. Như chia sẻ của thầy giáo Ngọc: ‘‘Xa nhà, các em nhiều nỗi niềm. Giáo viên theo đó mà vui với niềm vui của trò, buồn với nỗi buồn của trò. Học sinh nhớ nhà, khóc, giáo viên dỗ. Học sinh bệnh, giáo viên đưa lên viện. Luống rau xanh lên tốt, học sinh khoe...”.

Cũng như Trường PTDTNT Như Xuân, ở Trường THCS DTNT Thạch Thành (Thạch Thành), do chưa có chuyên trách quản lý học sinh nội trú nên giáo viên đồng thời cũng là người quản lý. Phó Ban quản lý học sinh nội trú của nhà trường là thầy giáo Lê Minh Thắng. Do thiếu kỹ năng, nghiệp vụ nên đôi khi cũng khiến thầy... bối rối. ‘‘Vì học sinh đông nên có lúc tôi và các đồng nghiệp lúng túng trong động viên và hỗ trợ học sinh. Tuy nhiên, do đặc thù ở một ngôi trường chuyên biệt, giáo viên còn trong vai trò là bố mẹ nên chúng tôi cùng cố gắng, nỗ lực vượt khó...”, thầy giáo Lê Minh Thắng cho biết.

Ở trường PTDTNT nói chung, học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, với nhiều dân tộc anh em cùng học tập và sinh sống trong cùng mái trường, là cơ hội để các em học tập, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Tuy nhiên, sống ở môi trường tập thể nhưng phần lớn các em vẫn còn quen với sinh hoạt theo tập quán gia đình, không theo quy tắc khuôn khổ. Chính vì vậy, việc bắt buộc học sinh thực hiện nội quy sẽ cần nhiều thời gian, đó là quy định về ăn, ở, vệ sinh, ý thức tự học...

Quản lý học sinh nội trúHọc sinh Trường THCS DTNT Thạch Thành hưởng ứng "Ngày hội đọc sách" (Ảnh nhà trường cung cấp).

Từ khi thành lập đến nay, Trường THCS DTNT Thạch Thành luôn chú trọng đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng dạy học. Đối với công tác quản lý học sinh, do thiếu bộ phận chuyên trách nên nhà trường đã thành lập ban quản lý học sinh, bao gồm cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường. Theo hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Đinh Thị Hường: “Bên cạnh bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng thì công tác quản lý học sinh được nhà trường rất chú trọng. Đó là vấn đề an ninh trật tự được bảo đảm, không có các tệ nạn xã hội trong khu nội trú. Học sinh kính trọng thầy, cô. Mối quan hệ bạn bè thân thiện, tích cực. Nếu không quản lý tốt dễ dẫn đến xích mích, mất đoàn kết trong học sinh...”.

Để bảo đảm công tác quản lý học sinh khi các em sống xa gia đình, Ban giám hiệu Trường PTDTNT Như Xuân cũng có quy chế riêng dành cho học sinh nội trú. Ngoài việc thành lập tổ quản lý học sinh nội trú, phân công cán bộ, giáo viên trực trong khu nội trú, nhà trường đồng thời tổ chức các hoạt động tự quản của học sinh để phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm với bản thân và tôn trọng tập thể.

Theo đó, học sinh không sử dụng điện thoại di động, vật dụng nghe nhìn trong khu nội trú. Mỗi phòng nội trú có trưởng, phó phòng và phân công trực nhật hàng ngày. Quản sinh và ban quản lý nội trú sẽ kiểm tra việc thực hiện vệ sinh ở các phòng và có biện pháp xử lý đối với phòng vi phạm. Bên cạnh đó, giáo viên trực có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ học sinh nội trú tự học. Phó hiệu trưởng Trường PTDTNT Như Xuân, cô giáo Lê Hoàng Lan cho biết: ‘‘Việc quản lý học sinh nội trú gặp không ít khó khăn, có em thích trốn học, mải chơi, ăn ở chưa gọn gàng. Việc ứng xử giữa các em trong một phòng nhiều khi chưa tốt. Mỗi lần như vậy, giáo viên chủ nhiệm, ban quản lý học sinh của trường lại làm thêm nhiệm vụ của một thành viên tổ tư vấn, giải quyết giúp các em những thắc mắc mà bản thân chưa biết cách tháo gỡ”.

Quản lý toàn diện về học tập, ăn, ở, đi lại của học sinh dân tộc nội trú trong thời gian học tại trường là trách nhiệm của cả một tập thể. Vậy nên, không chỉ dừng ở nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho học sinh, mỗi cán bộ, giáo viên còn mang trong mình trọng trách là người quản lý, giáo dục học sinh. Dù có nhiều khó khăn, nhưng các thầy cô giáo đều xác định phải khắc phục, vì học sinh thân yêu ...

Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]