(vhds.baothanhhoa.vn) - Một sự việc liên quan đến sáp nhập trường học khiến hàng trăm phụ huynh phản đối, là chuyện xảy ra ở 2 xã Tế Nông và Trung Chính (Nông Cống) năm 2020. Sau hơn một học kỳ trôi qua, tình hình đã tạm lắng xuống, nhưng việc sáp nhập vẫn chưa trọn vẹn theo đúng nghĩa của nó…

Sáp nhập trường học - Còn đó những nỗi niềm

Một sự việc liên quan đến sáp nhập trường học khiến hàng trăm phụ huynh phản đối, là chuyện xảy ra ở 2 xã Tế Nông và Trung Chính (Nông Cống) năm 2020. Sau hơn một học kỳ trôi qua, tình hình đã tạm lắng xuống, nhưng việc sáp nhập vẫn chưa trọn vẹn theo đúng nghĩa của nó…

Sáp nhập trường học - Còn đó những nỗi niềm

Trường THCS Trung Chính đang xây dựng thêm 8 phòng mới để đảm bảo cơ sở vật chất cho việc sáp nhập trường.

Phòng học mới đóng cửa

Cụ thể, sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, huyện Nông Cống đã chủ trương sáp nhập để thành lập các trường: Sáp nhập Trường Tiểu học (TH) Trung Ý và Trường TH Trung Chính thành Trường TH Trung Chính; sáp nhập Trường THCS Trung Ý và THCS Trung Chính thành Trường THCS Trung Chính; sáp nhập Trường Mầm non (MN) Trung Ý và MN Trung Chính thành Trường MN Trung Chính; sáp nhập Trường MN Tế Tân và MN Tế Nông thành Trường MN Tế Nông; sáp nhập Trường TH Tế Tân và TH Tế Nông thành Trường TH Tế Nông; sáp nhập Trường THCS Tế Tân và THCS Tế Nông thành Trường THCS Tế Nông.

Sau sáp nhập, tổng số học sinh của Trường TH Trung Chính là 550 em (trong số đó có 150 học sinh Trường TH Trung Ý cũ). Tuy nhiên, chỉ có 21 em ở Trường TH Trung Ý cũ sang học tại điểm chính, còn 129 em lại về học tại điểm lẻ Trường TH Trung Ý cũ.

Trước đó, để đảm bảo cơ sở vật chất cho việc sáp nhập trường, UBND xã Trung Chính đã đầu tư xây dựng thêm 4 phòng học mới tại Trường TH Trung Chính, thế nhưng do chưa thực hiện thành công sáp nhập nên 4 phòng học này hiện nay vẫn… khóa cửa.

Còn tại Trường THCS Trung Chính, khi sáp nhập, toàn bộ 99 học sinh Trường THCS Trung Ý cũ đã đến học, nâng tổng số học sinh tại điểm chính lên 342 em với 8 lớp. Theo thầy giáo Lê Công Thuần, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Chính: “Số học sinh sau sáp nhập tăng lên nhưng vẫn đảm bảo điều kiện chỗ ngồi cho các em vì chưa quá số học sinh trong 1 lớp theo quy định. Các em mới ổn định được 2 tuần thì sau đó chỉ còn 30 học sinh tiếp tục theo học, 69 em lại về học tại điểm Trường THCS Trung Ý cũ”.

Tại thời điểm sáp nhập, Trường THCS Trung Chính đang trong quá trình xây dựng thêm 8 phòng học mới với 56m2/phòng, đảm bảo diện tích, ánh sáng. Theo kế hoạch, sau khi sáp nhập trường, học sinh sẽ chuyển sang 8 phòng này để học văn hóa, các phòng học cũ dùng làm phòng thực hành, bộ môn... Dự kiến, vào quý 2-2021 công trình sẽ hoàn thành. “Xây dựng phòng học mới với mục đích lớn nhất là đáp ứng tốt hơn cho việc sáp nhập. Chúng tôi đang rất hy vọng sẽ được đón các em trở lại trường”, thầy giáo Lê Công Thuần, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Chính cho biết thêm.

Giáo viên thiếu cục bộ

Trên thực tế, việc sáp nhập trường ở xã Trung Chính và Tế Nông, bước đầu mới thực hiện được ở tên trường và con người, chưa sáp nhập được 2 điểm trường thành một. Tuy nhiên, tình trạng thừa, thiếu giáo viên sau sáp nhập cũng đang là vấn đề đặt ra.

Trước sáp nhập, Trường THCS Tế Nông thiếu giáo viên. Sau sáp nhập, tình trạng này còn khó khăn hơn. Theo cô giáo Nguyễn Thị Tám, Hiệu trưởng nhà trường: “Sau sáp nhập có những môn học thừa, giáo viên phải đi dạy tăng cường trường khác nhưng có môn thiếu, giáo viên nơi khác lại phải đến tăng cường cho nhà trường. Vì còn 2 điểm trường mà đối với cấp THCS dạy theo tiết nên nếu tiết 1 giáo viên dạy ở điểm trường chính thì tiết 2 không thể kịp đến điểm trường lẻ vì thời gian chuyển đổi tiết chỉ có 5 phút, mà từ điểm chính sang điểm lẻ 3-4 km”.

Đối với Trường THCS Trung Chính, trước khi sáp nhập, Trường THCS Trung Ý thiếu giáo viên. Theo chia sẻ của thầy giáo Lê Công Thuần, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Chính: “Hiện nay trường có 2 giáo viên dạy Tiếng Anh, về cơ bản nếu 8 lớp ở điểm chính thì dư giáo viên nhưng 2 điểm trường tổng cộng là 12 lớp nên thiếu 3,2 giáo viên. 12 lớp mà hiện nay chỉ có 19 giáo viên. Một số thầy cô phải dạy quá giờ định mức. Chúng tôi sẽ dư khoảng 4 giáo viên nếu sáp nhập thành 1 điểm trường”.

Tiếng lòng

Hơn một học kỳ trôi qua, sự việc đã tạm lắng xuống. Tuy vậy, thuận mặt này thì lại khó mặt kia. Phụ huynh yên tâm hơn khi con vẫn học gần nhà, song sáp nhập trường học ở Tế Nông, Trung Chính vẫn chưa được trọn vẹn theo đúng nghĩa của nó.

Mục đích của việc sáp nhập trường nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, đầu tư trọng điểm… Dù đã được tuyên truyền, nhưng với người dân thì điều này dường như vẫn còn mới mẻ. Họ chưa sẵn sàng để đưa con em đến nơi học mới. Có thể họ cũng hiểu, đến nơi trường mới, con em có điều kiện học tập tốt hơn nhưng họ hoang mang, lo lắng bởi ai là người đưa các em đi học khi phần lớn bố mẹ làm ăn xa, chỉ có ông bà ở nhà. Sang nơi học mới lại thêm quãng đường vài cây số, ai đảm bảo an toàn cho các em? Trong họ bộn bề cảm xúc.

Nhìn lại vụ việc, Chủ tịch UBND xã Tế Nông, ông Lê Hùng Đỉnh cho rằng: “Đúng là chúng tôi có phần chủ quan vì nghĩ mọi việc sẽ thuận như sáp nhập xã”. Còn ông Đỗ Gia Xuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nông Cống trải lòng: “Chúng tôi tin người dân sẽ đồng thuận cao vì sáp nhập trường sẽ mang đến điều kiện tốt hơn cho học sinh nên không lường trước được sự việc. Thời gian tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giảm điểm lẻ, tập trung điểm chính, để nhân dân thấy được hiệu quả của việc đầu tư cơ sở vật chất do chính người dân đóng góp”.

Khi đang thực hiện bài viết này, chúng tôi nhận được thông tin từ ông Bùi Xuân Hữu, Bí thư Đảng ủy xã Trung Chính: Xã đang tiến hành họp các chi bộ để thống nhất ra nghị quyết sáp nhập trường học và sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Theo tinh thần nghị quyết sẽ đưa 69 học sinh THCS Trung Ý cũ về điểm trường chính. Học sinh Trường TH Trung Ý cũ đưa về Trường THCS Trung Ý cũ còn địa điểm Trường TH Trung Ý cũ sẽ xây dựng trường MN đạt chuẩn với tổng kinh phí khoảng 8 tỷ đồng. Ông Bùi Xuân Hữu, cho biết: “Về cơ bản, đến bây giờ người dân cũng đã hiểu. Hơn nữa chúng tôi định hướng xây trường MN đạt chuẩn thì dân chắc chắn sẽ đồng ý đưa con lên điểm chính học”.

Tôi nhớ nỗi niềm của ông Phạm Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nông Cống: "Huyện đang xây dựng nông thôn mới, trong đó quy định tiêu chí giáo dục phải có 80% số trường đạt chuẩn quốc gia. Nếu không thực hiện việc sáp nhập trường thì lấy đâu nguồn kinh phí xây dựng? Để đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt đối với các em học sinh, huyện cũng đang xin làm đèn tín hiệu giao thông ở ngã 5 Hoàng Sơn và ngã tư thị trấn đồng thời giao công an phân luồng giờ cao điểm. Vẫn biết, sẽ còn nhiều khó khăn, song tôi mong phụ huynh, học sinh và các thầy, cô giáo hãy khắc phục vượt qua. Người dân Trung Chính và Tế Nông hãy hiểu và chia sẻ để thực hiện thành công việc sáp nhập trường học, đảm bảo quyền lợi cho chính con em chúng ta”…

Vi An


Vi An

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]