(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm học 2019 - 2020, Thanh Hóa tiếp tục thực hiện giải thể, sáp nhập 8 trường THPT trên địa bàn theo Đề án "Sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh đến năm 2025". Đến nay, việc sáp nhập cũng như bố trí nơi làm việc, học tập cho cán bộ giáo viên, học sinh của các nhà trường đã hoàn thành, thế nhưng việc xử lý cơ sở vật chất các trường sau giải thể sao cho hiệu quả, tránh lãng phí tài sản, lại đang là điều không dễ dàng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sau giải thể, làm gì với phòng học thừa?

Năm học 2019 - 2020, Thanh Hóa tiếp tục thực hiện giải thể, sáp nhập 8 trường THPT trên địa bàn theo Đề án "Sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh đến năm 2025". Đến nay, việc sáp nhập cũng như bố trí nơi làm việc, học tập cho cán bộ giáo viên, học sinh của các nhà trường đã hoàn thành, thế nhưng việc xử lý cơ sở vật chất các trường sau giải thể sao cho hiệu quả, tránh lãng phí tài sản, lại đang là điều không dễ dàng.

Vấn đề con người đã được giải quyết hợp lý

Sau khi giải thể theo Quyết định số 3506/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THPT Triệu Thị Trinh đã được bố trí về 3 trường THPT còn lại trên địa bàn huyện Nông Cống. Trong đó có đến 2/3 số cán bộ, giáo viên và học sinh về Trường THPT Nông Cống 1. Công tác dạy và học của nhà trường này cơ bản đã đi vào nền nếp.

Ngay sau tiếp nhận 124 học sinh và 17 cán bộ, giáo viên từ Trường THPT Trần Phú giải thể, Trường THPT Nga Sơn đã sắp xếp lớp học, phân công nhiệm vụ chuyên môn phù hợp cho từng cán bộ, giáo viên. Một số khó khăn về cơ sở vật chất cũng đã được khắc phục.

Nhằm giải quyết tốt nhất vấn đề tâm lý cho giáo viên và học sinh, bà Mai Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường THPT Nga Sơn cho biết: Với quan điểm sử dụng người lao động hài hòa giữa giáo viên cũ và giáo viên mới trong việc dạy đại trà và bồi dưỡng mũi nhọn nên Ban giám hiệu nhà trường đã nắm bắt tâm lý và động viên giáo viên yên tâm công tác. Ngay trong lễ khai giảng, nhà trường đã tổ chức chào mừng giáo viên và học sinh mới bằng hoạt động ngoại khóa để học sinh và giáo viên mới làm quen, hòa nhập vào môi trường mới. Nhà trường cũng đã tham mưu tích cực cho huyện để huyện đầu tư sửa chữa một số hạng mục của nhà công vụ cho giáo viên và nhà để xe.

Huyện Hoằng Hóa cũng đã tiến hành giải thể 2 trường THPT công lập là: THPT Lê Viết Tạo và THPT Lưu Đình Chất. Sau khi giải thể, học sinh và cán bộ, giáo viên của 2 ngôi trường này được sắp xếp về Trường THPT Hoằng Hóa 2, Hoằng Hóa 4 và THPT Lương Đắc Bằng.

Em Lê Trần Chung, học sinh Trường THPT Hoằng Hóa 2 (Hoằng Hóa) cho biết: "Chuyển từ Trường THPT Lưu Đình Chất sang Trường THPT Hoằng Hóa 2 - ngôi trường có bề dầy truyền thống, em và các bạn đều thấy rất vui. Cơ sở vật chất trường lớp và các điều kiện khác của nhà trường đều tốt. Chúng em cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo và các bạn học sinh".

Theo Đề án "Sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh đến năm 2025", Thanh Hóa sẽ giải thể 13 trường THPT, sáp nhập vào các trường THPT khác. Năm học 2018 - 2019, Thanh Hóa đã giải thể, sáp nhập được 5 trường THPT công lập. Năm học 2019 - 2020, 8 trường THPT công lập còn lại thuộc các huyện: Hoằng Hóa, Hà Trung, Nga Sơn, Quảng Xương, Thiệu Hóa, Yên Định cũng đã hoàn thành việc giải thể, sáp nhập.

Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: Việc sắp xếp các trường THPT cơ bản thuận lợi, một số vướng mắc của giáo viên trong quá trình điều chỉnh, sắp xếp việc làm đã được giải đáp thấu tình đạt lý. Sau sắp xếp lại, đến nay toàn tỉnh có 88 trường THPT công lập. Mạng lưới trường học được sắp xếp hợp lý, đội ngũ giáo viên được bố trí đầy đủ, đúng cơ cấu và đảm bảo chất lượng, học sinh được học ở những ngôi trường có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn sẽ là điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh.

Cổng Trường THPT Dương Đình Nghệ (Thiệu Hóa) sau giải thể trở thành nơi buôn bán, tập kết xe cộ.

Vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập về cơ sở vật chất

Từ chỗ chỉ có 27 lớp, Trường THPT Nông Cống 1 (Nông Cống) đã tăng lên 37 lớp sau khi tiếp nhận học sinh từ Trường THPT Triệu Thị Trinh giải thể. Do đó cơ sở vật chất không đảm bảo cho việc dạy và học.

Ông Tô Ánh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 1 cho biết: Toàn bộ học sinh khối 10 gồm 10 lớp của nhà trường được bố trí học tại cơ sở 2 (Trường THPT Triệu Thị Trinh cũ), còn học sinh khối 11 và 12 học tại Trường THPT Nông Cống 1. Khó khăn hiện nay của nhà trường là phải quản lý ở cả 2 nơi, bộ máy nhân viên phục vụ ở 2 cơ sở cũng phải ngang nhau. Hiện nhà trường đang tiến hành cải tạo lại một số phòng bộ môn cho phù hợp với tình tình mới.

Bà Đặng Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Lệ Kha, huyện Hà Trung cho biết: "Sau khi tiếp nhận học sinh và cán bộ giáo viên từ Trường THPT Nguyễn Hoàng (huyện Hà Trung) giải thể, chúng tôi gặp khó khăn do phòng học không đủ. Tuy nhiên, nhà trường khắc phục bằng cách mượn lại cơ sở vật chất cũ của Trường Tiểu học thị trấn Hà Trung ở gần Trường THPT Hoàng Lệ Kha, cải tạo lại và di chuyển 2 lớp học của trường sang học tại đây. Chúng tôi phải lắp camera tại 2 phòng học này để tăng cường việc quản lý, giám sát".

Thực hiện quyết định giải thể của UBND tỉnh, Trường THPT Đinh Chương Dương (Hậu Lộc) được giải thể từ năm 2018, cơ sở vật chất được bàn giao lại cho huyện Hậu Lộc tiếp nhận.

Ông Lê Duy Hưng - Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch, huyện Hậu Lộc cho biết: Sau khi tiếp nhận bàn giao Trường THPT Đinh Chương Dương, huyện Hậu Lộc đã giao UBND thị trấn Hậu Lộc quản lý, bảo vệ. Khi có dự án lát bờ sông Trà Giang, các nhà thầu đã xin UBND thị trấn vào để đổ vật liệu tại trường. Sau đó, huyện Hậu Lộc cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp vào đấu thầu, nhưng không có doanh nghiệp nào đăng ký. Hiện nay, huyện đã thống nhất cho thị trấn Hậu Lộc lập quy hoạch dân cư. Sau khi có quy hoạch chi tiết sẽ báo của Sở Tài chính.

Việc sử dụng hợp lý cơ sở vật chất của Trường THPT Dương Đình Nghệ (huyện Thiệu Hóa) sau giải thể cũng chưa có hướng. Ông Nguyễn Viết Tiến - Trưởng phòng Tài Chính - Kế hoạch, huyện Thiệu Hóa cho biết: “Huyện đang chờ văn bản hướng dẫn chính thống của Sở Tài chính. Hiện nay, cơ sở vật chất cố định của Trường Dương Đình Nghệ vẫn còn niêm phong nên chưa dám “thò” tay vào”.

Đối với việc giải thể và bàn giao 2 trường THPT Lưu Đình Chất và THPT Lê Viết Tạo, ông Lê Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa cho biết: "Huyện Hoằng Hóa chưa được nhận bàn giao cơ sở vật chất 2 trường THPT Lưu Đình Chất và THPT Lê Viết Tạo sau giải thể. Do đó huyện cũng chưa có hướng xử lý đối với cơ sở vật chất 2 trường này".

Để đề án "Sắp xếp các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh đến năm 2025" thực sự thành công và đạt được mục đích ban đầu đề ra, thiết nghĩ việc giải quyết tốt vấn đề cơ sở vật chất các trường sau giải thể có ý nghĩa rất lớn, tránh lãng phí và thất thoát tài sản. Muốn làm được điều này, các địa phương được tiếp nhận cơ sở vật chất sau giải thể cần chủ động phương án quản lý, sử dụng, xử lý tài sản theo quy định.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]