(vhds.baothanhhoa.vn) - Bên cạnh kỳ thi học sinh giỏi các cấp được tổ chức hàng năm, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) còn quan tâm tổ chức tốt cuộc thi khoa học  kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh, với mục tiêu khuyến khích học sinh ứng dụng sáng tạo kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

Sức lan tỏa từ các cuộc thi khoa học kỹ thuật trong học sinh

Bên cạnh kỳ thi học sinh giỏi các cấp được tổ chức hàng năm, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) còn quan tâm tổ chức tốt cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh, với mục tiêu khuyến khích học sinh ứng dụng sáng tạo kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

Sức lan tỏa từ các cuộc thi khoa học kỹ thuật trong học sinhMô hình “Thiết bị hút và lọc mùi cục bộ tại bồn cầu, tích hợp các chức năng thông minh thân thiện với người dùng” của 5 học sinh Trường THPT Lương Đắc Bằng và THPT Hoằng Hóa 4 (Hoằng Hóa), giành giải Nhất cấp tỉnh cuộc thi năm 2021.

Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thanh Hóa năm 2021 có sự tham gia của 360 mô hình. Qua sơ loại, Ban tổ chức đã lựa chọn được 20 mô hình. Mô hình “Thiết bị hút và lọc mùi cục bộ tại bồn cầu, tích hợp các chức năng thông minh thân thiện với người dùng” của nhóm tác giả: Đinh Trọng Huy Hoàng, Phạm Văn Đoàn, Trần Bình Dương đều ở Trường THPT Lương Đắc Bằng; Đoàn Thị Hằng, Lê Văn Hiệp ở Trường THPT Hoằng Hóa 4 (Hoằng Hóa), đã giành giải Nhất cấp tỉnh và giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.

Thầy giáo Lê Duy Tài, Trường THPT Lương Đắc Bằng, người hướng dẫn mô hình, cho biết: “Để bắt tay vào làm, chúng tôi có những khó khăn nhất định, như: phụ huynh muốn con em tập trung học văn hóa thay vì dành thời gian nghiên cứu; cơ sở vật chất còn hạn chế. Và đặc biệt đúng vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nên cả thầy và trò chỉ tranh thủ truyền đạt và tiếp thu kiến thức qua mạng”.

Theo thầy Tài, yêu cầu đặt ra với học sinh là phải nắm vững kiến thức liên môn từ kỹ thuật điện tử, kỹ thuật tự động, phản ứng hóa học, vật lý. Là giáo viên Hóa học, 9 năm nay thầy giáo Tài liên tục hướng dẫn học sinh thực hiện các đề tài nghiên cứu KHKT. Hơn ai hết thầy hiểu, có thể lúc đầu học sinh chưa hứng thú nhưng càng làm, các em càng thấy say mê.

Cũng bởi thế mà chỉ trong 1 năm, với sự cộng tác của thầy giáo Tài, các cô cậu học trò tiến bộ, trưởng thành thấy rõ. Phạm Văn Đoàn là học sinh lớp 12, vừa giành giải Khuyến khích Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Hóa học năm học 2021-2022, cho biết: “Cuộc thi KHKT đòi hỏi chúng em nắm vững kiến thức khá toàn diện các môn học. Trong quá trình thực hiện đề tài, cả nhóm và thầy giáo đều gặp phải những thất bại ban đầu, như máy không hoạt động, hoặc hoạt động không theo ý... Những khó khăn ấy khiến cả thầy và trò chúng em đều phải nỗ lực hơn”.

Bên cạnh Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng, hàng năm các học sinh còn tham dự Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh. Được triển khai từ năm học 2013-2014, đến nay cuộc thi này đã có 9 lần tổ chức, thu hút hầu hết các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tham gia và có trên 90% số đơn vị tổ chức cuộc thi cấp cơ sở với hàng nghìn dự án của học sinh tham gia. Có truyền thống tham gia và thường xuyên giành giải cao, thầy và trò Trường THCS Hoàng Giang (Nông Cống) luôn tích cực trong việc học văn hóa và nghiên cứu KHKT. Thầy Lê Quốc Nam, giáo viên Toán - Tin, cho biết: “Qua nhiều năm hướng dẫn tôi nhận ra các em luôn có rất nhiều ý tưởng. Riêng Đề tài “Cải tiến thêm chức năng xông hơi từ bình nóng lạnh” rất khả thi trong thực tiễn, 2 học sinh Lê Quang Trường và Hoàng Thị Vân (lớp 9A) đã bộc lộ khả năng nắm bắt KHKT. Vai trò của tôi chủ yếu là động viên các em”.

Sức lan tỏa từ các cuộc thi khoa học kỹ thuật trong học sinh2 em Lê Quang Trường và Hoàng Thị Vân, lớp 9A, Trường THCS Hoàng Giang (Nông Cống) với Đề tài “Cải tiến thêm chức năng xông hơi từ bình nóng lạnh”.

Hoàng Thị Vân vừa là học sinh giỏi của lớp 9A của Trường THCS Hoàng Giang, vừa rất say mê nghiên cứu KHKT. Em cho biết: “May mắn là đề tài của chúng em có chi phí khá khiêm tốn. Chỉ đơn giản là kiếm một cái bình nóng lạnh cũ, sau đó chế và mua thêm một số linh kiện. Từ đề tài này, em hiểu thêm nhiều kiến thức về phần điện, công nghệ được học ở lớp 9 khi áp dụng vào thực tế đời sống”.

Nhận thấy được hiệu quả của việc học sinh tham gia nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường, thầy giáo Đinh Viết Đồng, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Giang, cho biết: “Nhà trường luôn tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh về thời gian để vừa nghiên cứu KHKT vừa học văn hóa tốt. Mỗi năm học nhà trường thường phát động học sinh nêu ra ý tưởng sau đó lựa chọn, và giao cho thầy Lê Quốc Nam phụ trách hỗ trợ các em nghiên cứu. Qua việc nghiên cứu KHKT, học sinh vừa thỏa mãn đam mê, vừa vận dụng kiến thức văn hóa vào thực tế. Trước ngày tham gia cấp huyện, cấp tỉnh, nhà trường thường tổ chức “tổng duyệt” để học sinh giới thiệu thuyết trình về sản phẩm tại phòng đa năng. Nhiều câu hỏi của các thầy cô giáo và bạn học đặt ra giúp các em hiểu hơn những vấn đề mình nghiên cứu".

Chính nhờ việc vừa học vừa nghiên cứu khoa học từ sớm mà nhiều học sinh của Trường THCS Hoàng Giang khi lên học ở Trường THPT Nông Cống 2 vẫn phát huy được tinh thần nghiên cứu, và tiếp tục nhận được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi.

Đánh giá về hiệu quả của các cuộc thi KHKT, ông Lê Ngọc Tú, Chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT, khẳng định: Các cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học tỉnh Thanh Hóa đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ sở giáo dục. Bởi ngoài việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh, nhiều dự án dự thi thể hiện sự đầu tư công phu, sáng tạo, bài bản và có ý nghĩa cả lý luận và thực tiễn. Trong 9 năm qua, Thanh Hóa luôn là tỉnh có dự án chất lượng trong tốp đầu cả nước, có liên tiếp dự án thi quốc tế và nhiều giải cao. Đây là minh chứng về tiềm năng vừa học vừa nghiên cứu của học sinh xứ Thanh, đồng thời thể hiện sự triển khai đúng hướng, hiệu quả, nghiêm túc của ngành GD&ĐT.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]