(vhds.baothanhhoa.vn) - Hè đến, cũng là thời điểm các vụ tai nạn đuối nước, đặc biệt là ở trẻ em gia tăng. Để phòng tránh, hạn chế tối đa hậu quả do đuối nước gây ra, các cấp, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động nhằm trang bị cho các em kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường phòng, chống đuối nước trong dịp hè

Hè đến, cũng là thời điểm các vụ tai nạn đuối nước, đặc biệt là ở trẻ em gia tăng. Để phòng tránh, hạn chế tối đa hậu quả do đuối nước gây ra, các cấp, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động nhằm trang bị cho các em kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân.

Sự nỗ lực của các nhà trường

Trường TH Quảng Nhân (Quảng Xương) có 652 học sinh, là địa phương có nhiều ao hồ, nhưng đa phần các em lại không biết bơi. Do vậy, khi được Hội Chữ thập đỏ tỉnh lựa chọn đầu tưxây dựng bể bơi thông minh theo Dự án “Nâng cao năng lực ứng phó thảm họa và sơ cấp cứu”, thầy và trò nhà trường rất phấn khởi, xem đây là cơ hội để phổ cập bơi cho trẻ.

Em Lê Công Khánh, lớp 5D, Trường TH Quảng Nhân, huyện Quảng Xương cho biết: Xung quanh nhà em nhiều ao, em không biết bơi nên rất sợ đuối nước. Có bể bơi ở trường, chúng em rất mừng vì sẽ được học bơi.

Ông Nguyễn Văn Sơn- Hiệu trưởng Trường TH Quảng Nhân cho biết: Nhà trường sẽ tuyển dụng giáo viên dạy bơi, tổ chức dạy bơi cho toàn thể học sinh, phân lịch ngoại khóa phù hợp để 100% học sinh nhà trường đều được học bơi.

Hè năm nay, ngoài Trường TH Quảng Nhân, Dự án “Nâng cao năng lực ứng phó thảm họa và sơ cấp cứu” còn tài trợ cho Trường TH Quảng Ninh (Quảng Xương). Nhận thấy ý nghĩa cấp thiết của bể bơi thông minh trong việc phòng chống đuối nước, các nhà trường, địa phương đã triển khai thực hiện công trình nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh kinh phí được dự án tài trợ, 2 đơn vị này còn đầu tư hàng chục triệu đồng từ ngân sách và nguồn xã hội hóa để xây dựng thêm các hạng mục như móng bể, mái che kiên cố.

Từ nguồn đầu tư của phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) và xã hội hóa, từ năm 2008, Trường MN Tân Sơn (TP Thanh Hóa) đã có bể bơi cố định ngay trong khuôn viên nhà trường.

Cô giáo Phạm Thị Minh Thanh - Hiệu trưởng Trường MN Tân Sơn cho biết: Trong hệ thống trường công lập, bể bơi là nét độc đáo của Trường MN Tân Sơn, do đó, để phát huy hiệu quả của bể bơi, hàng năm cứ vào dịp hè, nhà trường lại tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ, để các em làm quen với môi trường nước ngay từ khi còn nhỏ. Ngoài việc thuê giáo viên ở các trung tâm bơi lội có đầy đủ tư cách pháp lý về dạy thì việc sắp xếp thời khóa biểu hợp lý cũng như phân công giáo viên, nhân viên y tế giám sát tại bể bơi cũng được nhà trường thực hiện nghiêm túc.

Qua thực tế cho thấy, do môn bơi chưa có trong chương trình học chính khóa của các nhà trường nên các gia đình cần chủ động cho trẻ đi học bơi. Đồng thời, thường xuyên quản lý, nhắc nhở để trẻ không tắm, bơi ở ao, hồ, sông, suối khi không có người lớn đi kèm.

Bể bơi nằm trong khuôn viên Trường MN Tân Sơn (TP Thanh Hóa).

Thầy giáo dạy bơi miễn phí cho trẻ nhỏ

Từng chứng kiến nhiều nỗi đau do tai nạn đuối nước xảy ra, thầy giáo Phạm Văn Vũ, sinh năm 1980, trú tại thôn Công Trình, xã Phúc Do (huyện Cẩm Thủy), hiện là giáo viên Trường THCS Quý Lộc (huyện Yên Định) đã nảy ra ý tưởng xây dựng bể bơi để dạy miễn phí cho học sinh và trẻ em quanh vùng dù lúc đó điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn.

Sau 2 năm xây dựng, tháng 5/2019, bể bơi của thầy Vũ mới được chính quyền cấp phép hoạt động. Bể bơi được cấp phép, thầy Vũ đã liên hệ với các trường THCS và tiểu học trên địa bàn huyện Cẩm Thủy để đưa học sinh nghèo về dạy bơi miễn phí. Từ năm 2019 đến nay, hơn 200 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đã được thầy Vũ dạy bơi miễn phí, trang bị các kiến thức cơ bản để phòng tránh tai nạn đuối nước.

Chia sẻ về ý tưởng xây dựng bể bơi trong khuôn viên gia đình để có điều kiện dạy bơi miễn phí cho nhiều học sinh, trẻ em nghèo, thầy giáo Vũ chia sẻ: “Cẩm Tân nơi gia đình tôi đang sinh sống là xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Cẩm Thủy. Những người dân trong xã đi làm, trẻ em đi học đều phải qua đò, cầu phao bắc qua sông Mã. Hằng năm, nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra do nhiều người dân không biết bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước còn thiếu. Em gái của tôi cũng đã ra đi vì đuối nước. Chính vì vậy, tôi quyết tâm thực hiện ý tưởng này dù điều kiện kinh tế gia đình khi đó còn nhiều khó khăn”.

Ngoài việc dạy bơi miễn phí, bể bơi của thầy Vũ còn dạy thu phí với những người có nhu cầu, và là nơi luyện tập của các em học sinh khi tham gia các giải thi về bơi lội tại địa phương.

Tại Trường THCS Quý Lộc, huyện Yên Định, nơi thầy Phạm Văn Vũ đang là giáo viên thể dục, thầy Vũ đã giúp nhà trường đạt nhiều thành tích cao khi tham gia các giải bơi lội do huyện, tỉnh tổ chức. Mới đây nhất, tại Giải bơi, lặn cứu đuối tỉnh Thanh Hóa năm 2020, đoàn học sinh của trường tham gia và mang về 6 giải, trong đó có 4 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Ba.

Thầy giáo Phạm Hồng Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Quý Lộc cho biết: Từ ngày thầy Vũ về trường công tác, với vai trò là giáo viên thể dục, thầy không chỉ hoàn thành tốt các nội dung trong chương trình học mà còn nhiệt tình tham gia các hoạt động của nhà trường. Đặc biệt, thầy Vũ có vai trò quan trọng trong việc đào tạo học sinh của trường tham gia các giải thể thao do huyện, tỉnh tổ chức. Nhờ có chuyên môn cao về bơi lội, thầy Vũ đã đào tạo được nhiều học sinh của trường đoạt giải cao tại tất cả các giải thể thao liên quan đến môn bơi. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng của các em học sinh trong việc phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích trong nhà trường và ngoài xã hội...

Ngày 19/5/2020, Bộ GD&ĐT đã ra Công văn số 1715 về tăng cường biện pháp phòng chống đuối nước cho học sinh trong dịp hè, một trong những nội dung quan trọng của công văn yêu cầu các Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục phổ thông chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh. Do vậy, việc xây dựng các bể bơi thông minh, phổ cập bơi cho các em là những mô hình cần nhân rộng để tăng cường hiệu quả công tác phòng tránh, giảm thiểu tối đa tai nạn đuối nước cho học sinh trong dịp hè.

Hạ Lan


Hạ Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]