(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa hiện có số lượng trung tâm ngoại ngữ, tin học ngày càng tăng; nội dung, phương pháp giảng dạy được đổi mới, mở rộng. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của các trung tâm rất khó để quản lý, đánh giá; vẫn còn tình trạng các trung tâm hoạt động không đúng quy định, không phép...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường quản lý hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học

Thanh Hóa hiện có số lượng trung tâm ngoại ngữ, tin học ngày càng tăng; nội dung, phương pháp giảng dạy được đổi mới, mở rộng. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của các trung tâm rất khó để quản lý, đánh giá; vẫn còn tình trạng các trung tâm hoạt động không đúng quy định, không phép...

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, tính đến tháng 6/2019, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 153 trung tâm ngoại ngữ tin học được cấp phép hoạt động (thành lập mới 47, tự giải thể 5) trong đó có 101 trung tâm ngoại ngữ, tin học; 16 công ty được cấp phép hoạt động giáo dục kỹ năng sống; 36 công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký tư vấn du học.

Tuy nhiên, ngoài những trung tâm đã được cấp phép hoạt động, trên địa bàn Thanh Hóa còn nhiều đơn vị hoạt động không phép rất cần sự phối hợp giữa các ngành và chính quyền địa phương trong việc quản lý hành chính về giáo dục & đào tạo.

Trung tâm Ngoại ngữ Ocean Edu có địa chỉ tại số 175, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa được cấp phép hoạt động từ năm 2013. Chị Nguyễn Thị Xuân, Quản lý hệ thống Ocean Edu tại Thanh Hóa cho biết: Trung tâm hiện có trên 1.000 học viên theo học ở đủ các lứa tuổi. Với mức học phí từ 2.589.000 đồng/ tháng, học viên có thể trả tiền theo khóa học. Trung tâm có 100% là giáo viên người nước ngoài giảng dạy. Tất cả các phòng học đều được trang bị smart TV, máy chiếu... Ngoài các kiến thức về chuyên môn, học viên còn được rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, cung cấp lồng ghép các kỹ năng xã hội...

Tương tự, Trung tâm Anh ngữ Achievers (số 222B, đường Trường Thi, P. Trường Thi, TP Thanh Hóa) được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2015, đến nay trung tâm hiện có 3 địa điểm trên địa bàn TP Thanh Hóa. Anh Lê Vũ Quyết, Giám đốc Trung tâm cho biết: Với 500 học viên ở nhiều độ tuổi và trình độ, chúng tôi dạy vào tất cả các buổi chiều và tối. Mức học phí từ trên 6 triệu đồng/1 khóa 6 tháng với lớp học có 100% giáo viên nước ngoài giảng dạy ở tất cả các buổi học; 4,5 triệu đồng/1 khóa, với lớp học có 50% buổi học giáo viên nước ngoài giảng dạy...

Không chỉ có mặt ở khu vực thành phố, hiện nay các trung tâm ngoại ngữ, tin học đã được mở ở hầu khắp các huyện ở Thanh Hóa. Vì thế, để cạnh tranh, các trung tâm ngoại ngữ từ tiếng Anh, Trung, Hàn... đã đưa ra các chương trình khuyến mãi học phí; thuê giáo viên người bản xứ đứng lớp; đẩy mạnh quảng cáo về chương trình học ưu việt, hấp dẫn... Tuy nhiên, chất lượng giảng dạy của các trung tâm có đảm bảo đúng như quảng cáo hay không, trình độ giáo viên ra sao vẫn là những câu hỏi bỏ ngỏ.

Để siết chặt quản lý, Sở GD&ĐT đã mở đợt kiểm tra các trung tâm ngoại ngữ, tin học. Qua kiểm tra, hầu hết các trung tâm được thành lập và cấp phép hoạt động, đội ngũ cán bộ giáo viên đều đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng nhu cầu người học; hồ sơ hoạt động tương đối đảm bảo; giáo viên người nước ngoài đều được kiểm soát theo quy định của pháp luật; hoạt động của các trung tâm bước đầu đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ cho mọi lứa tuổi.

Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, cũng đã phát hiện nhiều sai phạm trong tổ chức, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học. Một số trung tâm sử dụng giáo viên nước ngoài chưa đạt tiêu chuẩn, không trung thực trong công tác báo cáo sử dụng giáo viên người Việt Nam. Đoàn thanh tra cũng kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với Trung tâm Anh ngữ Unike, thuộc số 25, Phan Chu Trinh, P. Điện Biên, TP Thanh Hóa với các vi phạm treo biển hiệu không đúng quy định, sử dụng giáo viên người nước ngoài trái quy định.

Thực tế trong năm 2018, Sở GD&ĐT cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động một số trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, huyện Hà Trung... Qua kiểm tra, phát hiện nhiều trung tâm hoạt động chưa đúng quy định. Cá biệt, có một số trung tâm mở cơ sở hoạt động nhưng chưa được cấp phép hoạt động. Trên cơ sở kết quả thanh tra, Sở GD&ĐT đã quyết định đình chỉ hoạt động 3 tổ chức, cá nhân tự ý thành lập và dạy ngoại ngữ trái quy định, gồm: Công ty GD&ĐT Tân Sinh (phường Đông Vệ), Trung tâm Ngoại ngữ APPLE (468G Trần Phú, phường Ba Đình), Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại (đường Ngọc Mai, phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa)...

Ông Lương Đức Hạnh - Trưởng Phòng Quản lý ĐT&GD thường xuyên, Sở GD&ĐT chia sẻ: Hiện nay, các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép hoạt động theo quy định cho các trung tâm ngoại ngữ, tin học rất đơn giản, Sở GD&ĐT cũng sẽ tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các trung tâm trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép. Ngoài ra, Sở còn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ các trung tâm trong tổ chức, hoạt động theo đúng quy định; tổ chức hội nghị đánh giá hoạt động, trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trung tâm trong quá trình hoạt động, nhất là việc bảo lãnh cho giáo viên người nước ngoài giảng dạy, thực hiện các quy trình, thủ tục về lập hồ sơ quản lý, cập nhật các điều kiện hoạt động theo quy định...

Mặc dù, Sở GD&ĐT đã tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, nhưng đến nay vẫn chưa có một “thước đo” chuẩn nào trong việc đánh giá chất lượng của các trung tâm. Khi “chọn mặt gửi vàng”, các bậc phục huynh chỉ biết căn cứ vào những quảng cáo và giới thiệu của các trung tâm.

Hạ Lan


Hạ Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]