(vhds.baothanhhoa.vn) - Dưới sự thúc đẩy của xã hội, thanh niên khu vực nông thôn Thanh Hóa đang sôi sục bầu máu nóng khởi nghiệp, tận dụng thế mạnh địa phương, phát triển những mô hình kinh tế hay, phù hợp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh niên xứ Thanh và khát vọng khởi nghiệp (Kỳ 2): Thanh niên nông thôn bùng cháy ước mơ khởi nghiệp

Dưới sự thúc đẩy của xã hội, thanh niên khu vực nông thôn Thanh Hóa đang sôi sục bầu máu nóng khởi nghiệp, tận dụng thế mạnh địa phương, phát triển những mô hình kinh tế hay, phù hợp.

Từ bỏ hay vươn tới khát vọng

Là một kỹ sư xây dựng với tấm bằng giỏi trong tay ra trường, anh Lê Anh (Hoằng Phụ, Hoằng Hóa) dễ dàng được nhận vào công ty nước ngoài với mức lương 2.000 USD/tháng. Công việc thuận lợi, kinh tế ổn định nhưng anh lại trở về với nghề làm mắm truyền thống. “Khi nghe mình quyết định thì cả gia đình từ bố mẹ nội ngoại, vợ con và bạn bè đều bảo điên, khuyên can không được thì bố mẹ khóc lóc, van xin” - anh Lê Anh nhớ lại khi quyết định từ bỏ tất cả để làm mắm. Bản thân anh cũng hiểu rõ nghề mắm là nghề rất khốc liệt, bởi sự phát triển mạnh mẽ của thương hiệu mắm truyền thống nổi tiếng, cũng như thị trường cạnh tranh, còn anh chỉ là một tay “vừa non vừa xanh” trong nghề.

Tuy nhiên, cũng chính sự biết rõ điểm yếu của mình mà Lê Anh đã không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Nếu phát triển nghề mắm truyền thống theo kiểu cũ thì nhãn hiệu nước mắm của anh dễ lọt thỏm và “chết yểu” giữa rừng nước mắm truyền thống đã có thương hiệu. Vì vậy, anh áp dụng cách làm mắm truyền thống như ở Phú Quốc với sự hợp tác nghiên cứu của các chuyên gia hàng đầu, đầu tư bài bản cùng cách làm khoa học, đảm bảo vệ sinh. Anh sử dụng cá cơm tươi làm nguyên liệu, được ủ ròng 2 năm trong thùng gỗ Bời Lời.

Hiện tại, thương hiệu nước mắm Lê Gia của anh đã được nhiều người biết đến, mỗi năm tiêu thụ 25.000 lít và 200.000 tấn mắm tôm, mắm tép, với tổng doanh thu 10 tỷ/năm. Đây cũng là điểm thu hút khách du lịch đến tham quan và mua sắm nổi tiếng ở Khu du lịch biển Hải Tiến.

Anh Lê Anh và xưởng sản xuất nước mắm Lê Gia.

Cũng giống như Lê Anh, anh Lê Ngọc Đạt (thôn 6, Xuân Khánh, Thọ Xuân), tạm gác lại tấm bằng kỹ sư nông nghiệp cùng mức lương 1.500 USD/ tháng, trở về quê nhà nắm lấy “bờ xôi ruộng mật”. Với vốn kiến thức về kỹ thuật nông nghiệp, Đạt mạnh dạn “dốc” 2,6 tỷ đồng cho 3.000m2 đất xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao. Các sản phẩm dưa lưới, dưa kim hoàng hậu... của anh đang được tiêu thụ rộng rãi tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lợi trên 150 triệu đồng, tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên, với mức lương 3 triệu đồng/ tháng. Không những thế anh Đạt còn là gương mặt uy tín thường xuyên được các cơ sở đoàn trong tỉnh và ngoài tỉnh mời tham gia trình diễn mô hình, chia sẽ kinh nghiệm, dạy kỹ thuật trồng dưa lưới công nghệ cao.

Anh Lê Anh, anh Đạt là một trong nhiều gương mặt tiêu biểu cho những chàng trai, cô gái nông thôn mạnh mẽ vươn lên lập thân lập nghiệp. Bản thân các anh đều xuất thân từ nông nghiệp, gia đình thuần nông không có nguồn vốn hỗ trợ hay kinh nghiệm trong kinh doanh, nhưng tự bản thân các anh trong quá trình học tập và làm việc tích lũy “vốn” cho bản thân. Và điều quan trọng nhất mà các anh muốn nhắn nhủ, đó là mỗi thanh niên cần giữ vững ý chí, niềm đam mê với công việc, đó sẽ là sợi chỉ đỏ giữ các bạn ở lại với ước mơ.

Cơ hội cho thanh niên nông thôn

Nhiều người sẽ hỏi, với những vùng đất chiêm trũng, hay vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” thì cơ hội nào cho thanh niên nông thôn phát triển? Thực tế, thanh niên nông thôn có những lợi thế riêng, đó là sự tiếp xúc và am hiểu về nông nghiệp, tiếp cận và tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó là bản tính cần cù, không sợ khổ, sợ khó cộng với tinh thần xung kích của thanh niên dám nghĩ, dám làm. Đặc biệt, nguồn tài nguyên đất phong phú tại vùng nông thôn chính là cơ hội tốt phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hay thành lập những trang trại, gia trại quy mô lớn. Thực tế đã có hơn 1.500 mô hình kinh tế do thanh niên nông thôn làm chủ ra đời và phát triển có hiệu quả.

Khởi nghiệp không nhất thiết phải ở lĩnh vực kinh doanh, hay làm ông chủ sản xuất mà đơn giản là để thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Như anh Bùi Văn Thành (thôn 2, xã Xuân Trường, Thọ Xuân) gia cảnh khó khăn, bản thân anh không có bằng cấp gì trong tay, đã phải làm thuê làm mướn qua rất nhiều nghề. Được nguồn vốn vay ưu đãi từ đoàn thanh niên, anh tự mở xưởng cơ khí, qua 3 năm phát triển gia đình anh không những thoát được nghèo, thu nhập 100 triệu đồng/năm, mà còn tạo việc làm cho 2 lao động, với mức lương 5 triệu đồng/ tháng/ người.

Thanh niên nông thôn có thể khởi nghiệp từ mô hình nhỏ, thậm chí càng nhỏ càng tốt, nhưng phải gắn với đặc thù của địa phương để có thể khai thác tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên đất, nước, rừng, nguồn lực lao động tại chỗ.

Thực tế cho thấy với nhiều thanh niên nông thôn hiện nay thay vì mơ ước có một công việc ổn định, đã chuyển thành ước muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Thậm chí họ sẵn sàng từ bỏ công việc đáng mơ ước với mức lương hàng nghìn USD/tháng, trở về phát huy nghề truyền thống quê hương.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]