(vhds.baothanhhoa.vn) - Đã hơn 11 năm thầy Hà Thanh Sơn bám bản để “gieo chữ” tại khu điểm lẻ (bản Xía Nọi, Trường tiểu học Sơn Thủy, xã Sơn Thủy, huyện vùng cao Quan Sơn). Bản Xía Nọi với 100% là đồng bào dân tộc Mông, điều kiện kinh tế khó khăn, sự chăm lo cho con em đến trường còn hạn chế, những ngày đầu năm học mới nếu không đi vận động thì không có học sinh đến lớp.

Thầy giáo “cắm bản” và câu chuyện đi vận động học sinh đến lớp

Đã hơn 11 năm thầy Hà Thanh Sơn bám bản để “gieo chữ” tại khu điểm lẻ (bản Xía Nọi, Trường tiểu học Sơn Thủy, xã Sơn Thủy, huyện vùng cao Quan Sơn). Bản Xía Nọi với 100% là đồng bào dân tộc Mông, điều kiện kinh tế khó khăn, sự chăm lo cho con em đến trường còn hạn chế, những ngày đầu năm học mới nếu không đi vận động thì không có học sinh đến lớp.

Thầy giáo “cắm bản” và câu chuyện đi vận động học sinh đến lớp

Học sinh khu lẻ bản Xía Nọi (Trường TH Sơn Thủy) tròng buổi học đầu năm.

Cơn mưa kéo dài từ đêm trước khiến cho con đường đồi đất vào bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy trở nên vất vả hơn với thầy Sơn. Thầy cho biết còn 2 hộ là Sung Văn M và Sung Văn Ch nhà nằm ở lưng chừng quả đồi (cách điểm trường hơn 1km) phải đến vận động thêm, chứ không học sinh mai lại vắng.

Đây là những hộ có điều kiện kinh tế rất khó khăn, nhà cửa hiện vẫn ở tạm bợ, hàng ngày bố mẹ lên rẫy, chuyện con đi học hay không, cũng không quan tâm nhiều.

Thầy Sơn kể: “Có lần vào nhà M hỏi: Sao không cho con đến lớp? Anh M trả lời: Vẫn cho cháu đi học, nhưng chắc do ham chơi nên cháu quên, thầy ạ! Với lại, có đi học hay không thì người ăn miếng thịt gà vẫn thấy ngon!”

Thầy giáo “cắm bản” và câu chuyện đi vận động học sinh đến lớp

Con đường vào bản gồ gề, đầy gian nan.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân nói tiếng phổ thông còn hạn chế, các gia đình phần lớn giao tiếp bằng tiếng bản địa khiến cho con em khi đến lớp phát âm cũng không chuẩn. Các thầy đi vận động thì bao giờ thành phần cũng phải có cả trưởng bản đi cùng, vừa là tăng uy tín, vừa là phiên dịch viên…

Thầy giáo “cắm bản” và câu chuyện đi vận động học sinh đến lớp

Để học sinh đến lớp đầy đủ, các thầy đã phải vận động phụ huynh rất nhiều.

Đứng trước điểm trường, chứng kiến cơ sở vật chất thiếu thốn, đặc biệt nơi ăn, chốn nghỉ của các thầy là căn nhà gỗ được bà con dân bản đóng góp dựng tạm mới thấy nghị lực của các thầy cô vượt lên hoàn cảnh là thế nào. Hỏi liệu căn nhà có chống được mưa bão? Thầy Sơn cười, nói: “Đổ sập và đã dựng lại mấy lần rồi. Mỗi lần có bão thì chuyển lên lớp học được xây bằng tường vôi kiên cố ngủ mới yên tâm”.

Hiện tại, khu lẻ tại bản Xía Nọi do thầy Hà Văn Sơn và thầy Vi Văn Nâm đảm nhiệm 2 lớp ghép, với 5 nhóm trình độ (lớp 1 và 3; lớp 2, 4, 5). Theo thầy Sơn, việc dạy lớp ghép rất bất tiện, nhà trường đã nhiều lần bàn chuyện sáp nhập với khu lẻ của bản Mùa Xuân nhưng rồi cách trở đường xá nên lại thôi.

Thầy giáo “cắm bản” và câu chuyện đi vận động học sinh đến lớp

Bản người Mông điều kiện còn nhiều khó khăn.

Dù các thầy cùng với trưởng bản đã nhiều lần đến các hộ dân vận động, tuyên truyền các hộ cho con em đến trường những rồi buổi học nào cũng có khoảng 5 em không đến lớp. Đến nhà tìm phụ huynh cũng không biết, hóa ra khi bố mẹ lên rẫy, các con lại xuống suối bắt cá quên đi học.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thủy Hoàng Văn Sáu cho biết: “Không chỉ khu lẻ Xía Nọi mà Khu bản Mùa Xuân, bản Khà cũng có điều kiện hết sức khó khăn, không điện, không đường, không sóng điện thoại… Để vận động con em đến lớp các thầy, cô đã phải cố gắng rất nhiều".

Trước giờ lên lớp, thầy Sơn khoe: “Vui nhất là khi có những học sinh của mình từng dạy giờ đã là đồng nghiệp, hoặc làm cán bộ công an, biên phòng. Các em vẫn gọi điện ôn lại kỷ niệm thầy trò”.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]