(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo một số chuyên gia, trẻ em hiện nay rất dễ nghiện điện thoại. Thực tế, nhiều phụ huynh đã cho trẻ dùng điện thoại để “cầm chân” dụ ngồi yên, tránh làm phiền. Nhưng cũng rất nhiều phụ huynh đang tận dụng những lợi thế của công nghệ để kết nối với con trẻ.

Thiết bị thông minh giúp cha mẹ kết nối với trẻ

Theo một số chuyên gia, trẻ em hiện nay rất dễ nghiện điện thoại. Thực tế, nhiều phụ huynh đã cho trẻ dùng điện thoại để “cầm chân” dụ ngồi yên, tránh làm phiền. Nhưng cũng rất nhiều phụ huynh đang tận dụng những lợi thế của công nghệ để kết nối với con trẻ.

Thiết bị thông minh giúp cha mẹ kết nối với trẻCho trẻ dùng các thiết bị thông minh, vừa đáp ứng được mong muốn khám phá của trẻ, vừa giúp trẻ có thêm một số kiến thức.

Đồng hành để định hướng

“Cũng như những đứa trẻ khác, khi nhỏ con trai tôi lúc nào cũng nhảy nhót như bị tăng động. Và để tránh ồn ào, đau đầu mỗi khi đi làm về, vợ chồng tôi lại đưa cho con chiếc điện thoại cho nó ngồi im, ít đòi chơi cùng. Lâu dần, chúng tôi lại sợ vì im lặng nhiều dễ dẫn đến trầm cảm. Lục lại lịch sử truy cập, tôi biết cháu rất thích khám phá những vấn đề liên quan đến sáng tạo, sáng chế. Thực sự lúc đó, tôi giật mình tự nghĩ: Phải chăng mình không đúng khi để con tự bơi trong thế giới ảo”. Đó là lời chia sẻ của anh Lữ Hoàng (số 9, ngõ 616, đường Nguyễn Trãi, TP Thanh Hóa).

Sau khi tìm hiểu trên internet, anh Hoàng thấy mạng xã hội Pinterest có nhiều video liên quan đến sáng chế, nên định hướng cho con xem mỗi ngày 30 phút trước khi đi ngủ. Riêng chủ nhật được xem thêm 30 phút buổi sáng và nếu cần thì bố con cùng thực hành. Mỗi lần được xem video về chế tạo những vật dụng cũ là bé rất thích, và tự nảy sinh những ý tưởng. Chẳng hạn, khi uống hết chai nước Lavie 1,5 lít là bé giữ lại và tìm học cách trồng cây trong vỏ chai. “Thú thật chỉ cần biết con sử dụng điện thoại mà không chơi game là tôi vui rồi. Giờ con học được nhiều ý tưởng, đó là hơn cả sự mong đợi của chúng tôi” - anh Hoàng bộc bạch.

Chị Thuận (ở số 55, đường Nguyễn Thượng Hiền, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa), cho biết: Bình thường, ngoài bài tập cô giáo giao, chị yêu cầu con dành 30 phút nghe thêm tiếng anh, hoặc làm toán nâng cao. Lúc đầu, con có vẻ không vui, thắc mắc, chị biết nếu giải thích cho con về lợi ích của việc hạn chế xem tivi con sẽ không dễ nghe theo. Chính vì thế, chị ra quy ước, nếu con hoàn thành bài sớm, mẹ cho con mượn máy quay TikTok 20 phút. Vì là con gái nên bé rất thích quay video có hiệu ứng động kết hợp với âm nhạc. Mỗi khi có video nào là bé lại cho chị xem và nói: Sau này con sẽ kiếm tiền trên TikTok.

Là giáo viên nên chị Trần Thị Lâm, Trường THPT Lê Lợi (Thọ Xuân) rất chú trọng việc quan sát, tìm hiểu các phương pháp để giáo dục con một cách phù hợp. Quan điểm của chị: Con gái là phải biết nấu nướng. Vì thế, chị thường xuyên kéo con vào làm món này món kia theo các video có sẵn trên mạng. “Cái được là bé thích nấu ăn, mới học lớp 7, nhưng bé đã có thể nấu bữa ăn đơn giản cho cả gia đình” - chị Lâm chia sẻ.

Theo chia sẻ của chị Trần Thị Hoàn, chủ của Nhóm trẻ - lớp mẫu giáo độc lập tư thục Xuân Mai (số 22, Chu Văn An, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa): “Nếu cha mẹ dành thời gian để cùng con chia sẻ cách dùng, khai thác những lợi ích của mạng xã hội thì rất tốt. Nhiều trẻ khi đến đây chúng tôi mở những bài hát thiếu nhi tiếng Việt và tiếng Anh, nhún nhảy hát theo rất vui. Khi cô giáo hỏi các con trả lời: Ở nhà, con và mẹ thường hát theo YouTube. Như vậy, đừng chỉ nhìn phía mặt tiêu cực của các thiết bị thông minh, mà có rất nhiều mặt tích cực chúng ta chưa khai thác hết. Vấn đề là phụ huynh không nên giao nguyên chiếc điện thoại cho con trẻ, mà cần có sự kiểm soát, vui chơi cùng con. Thời đại 4.0 các con sẽ không còn biết nhiều trò chơi dân gian, nhưng còn cả thế giới qua chiếc điện thoại, khai thác đúng và trúng tôi nghĩ sẽ giúp trẻ cả về tri thức cũng như cảm xúc”.

Cùng con thư giãn trên không gian mạng

Khoảng sau 19 giờ, khi cả gia đình ăn tối xong, vợ chồng chị Lê Thị Cúc (02A/15, Phùng Khắc Khoan, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) quây quần cùng con trai 8 tuổi và con gái 3 tuổi xem các chương trình hoạt hình có lồng ghép dạy tiếng Anh trên kênh Monkey Junior của YouTube.

Chị Cúc nhớ lại: Hai vợ chồng làm ở VNPT Thanh Hóa rất bận rộn, mọi vấn đề từ ăn ngủ, chơi của bọn nhỏ, chị giao hết cho người giúp việc. Bác giúp việc lại nói giọng vùng biển, đang tuổi tập nói, cả ngày ở cùng nên con nói “đặc” giọng bác. Thỉnh thoảng chị sửa lại cho con nhưng bọn nhỏ không thích, không quen. Vì thế, vợ chồng chị đã cùng ngồi lại nói chuyện về việc cần dành thời gian cho con và cho cả hai. Thay vì về nhà mỗi người ôm cái điện thoại, 2 đứa bám riết lấy bác giúp việc, thì cần thiết hơn hết là phải chơi cùng nhau, học cùng nhau. Kết quả không ngờ là chỉ trong thời gian ngắn, nhiều thói quen của các con đã được thay đổi mà vẫn đảm bảo sở thích xem internet. Các con tính tình sôi nổi hơn, sẵn sàng nói chuyện tiếng Anh, hát tiếng Anh cùng bố mẹ.

Dù con gái mới thi học kỳ và nghỉ học gần 10 ngày nay do dịch COVID-19, nhưng chị H. (Nhà 1, chung cư Đông Phát, phường Đông Vệ) đã rất sốt ruột vì con ăn ngủ vô tổ chức, không đúng giờ giấc. Chị nghĩ ra cách, vì không được tới trung tâm tập thể thao thì sáng chị gọi con dậy sớm, 2 mẹ con cùng tập yoga trên YouTube. Cũng đến tuổi bắt đầu thích làm đẹp nên con rất hào hứng. Chị chia sẻ: “Một công đôi việc, con không ngủ nướng và cũng không lo béo phì. Tôi chưa bao giờ cấm triệt để con không được dùng các thiết bị thông minh. Bọn nó giờ nếu không có điện thoại thông minh khác gì bị tách ra khỏi thế giới, nhưng quan trọng hơn là phải định hướng, chơi cùng con, xem cùng con, rồi vui cùng con nữa”.

Thậm chí nếu có con ở lứa tuổi THCS, THPT, các phụ huynh lại phải có cách kết nối “tinh tế” hơn: “Muốn kết nối với con cái không phải dễ. Ngay cả kết bạn, làm bạn được với con từ trong thế giới ảo cho đến ngoài đời thật, tôi phải xác định ở một mức độ nào đó cần tôn trọng quyền cá nhân, riêng tư của con. Có như thế, khi theo dõi các thông tin, các hoạt động tương tác của con trên mạng xã hội, với những biểu hiện tiêu cực thì mới có thể uốn nắn và định hướng ngay. Còn nếu chưa đến mức quá so với bình thường thì tôi chỉ nắm thông tin, không can thiệp. Vì càng can thiệp sâu, hay can thiệp một cách thô bạo sẽ phản tác dụng. Và ngay lập tức bọn nhỏ sẽ hủy kết bạn, hoặc lại thành lập hội, nhóm riêng" - chị Thịnh Xuân (Lô 69, MBQH 1131, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) chia sẻ.

Dẫu biết, nếu “thả” con với công nghệ thì sẽ nhiều hậu quả xảy ra. “Chưa nói đến những câu chuyện buồn, trước tiên những bệnh về mắt như: Khô mắt, mỏi mắt, tật cận thị, lác mắt... ảnh hưởng đến không chỉ thị giác mà con sẽ bị mệt mỏi, giảm sự tiếp thu bài” - Ths. Bs Nguyễn Hữu Phước, chuyên điều trị Cận - Viễn - Loạn (số 38 Lê Lai, TP Thanh Hóa) cho biết.

Quả thật, ngoài phục vụ cho nhu cầu công việc, giải trí, phụ huynh còn cần sử dụng mạng xã hội như một kênh để tương tác với con mình. Cha mẹ không thể dạy con sử dụng các thiết bị công nghệ một cách có chừng mực, hiệu quả nếu cũng “ôm” điện thoại để “trốn” vào những “góc riêng” của mình. Thay vào đó, mỗi phụ huynh hãy trao đổi nhiều hơn, trò chuyện nhiều hơn trong các sinh hoạt chung cùng con trẻ, như dọn dẹp nhà cửa, bữa ăn gia đình…Việc kết nối với con cái qua thiết bị công nghệ chỉ nên xem là một nghệ thuật giám sát.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]