(vhds.baothanhhoa.vn) - Với mong muốn khơi dậy niềm đam mê sáng tạo khoa học trong học sinh (HS), tại nhiều trường học bên cạnh việc khích lệ, truyền cảm hứng, giáo viên đã trao quyền “tự chủ” cho các em trong triển khai thực hiện dự án, mô hình khoa học. Qua đó, HS trở nên năng động, mạnh dạn hơn và sẵn sàng cho những dự án khoa học tiếp theo.

Trao quyền tự chủ cho “nhà sáng chế học đường”

Với mong muốn khơi dậy niềm đam mê sáng tạo khoa học trong học sinh (HS), tại nhiều trường học bên cạnh việc khích lệ, truyền cảm hứng, giáo viên đã trao quyền “tự chủ” cho các em trong triển khai thực hiện dự án, mô hình khoa học. Qua đó, HS trở nên năng động, mạnh dạn hơn và sẵn sàng cho những dự án khoa học tiếp theo.

Trao quyền tự chủ cho “nhà sáng chế học đường”

Cô giáo Lê Thị Lan Hương và hai học trò thử nghiệm son môi làm từ tinh dầu hạt na.

Dự án khoa học “Chiết xuất axit Oleic từ dầu hạt na làm son môi” của nhóm tác giả Nguyễn Xuân Huy, lớp 11C4 và Phạm Yến Nhi, lớp 11C1 Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) đạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật dành cho HS trung học lần thứ 8, năm học 2020 - 2021, do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Theo chia sẻ của hai tác giả, xuất phát từ thực tiễn đời sống, mùa đông ở nước ta hanh khô khiến cho da môi của nhiều người bị nứt nẻ, đau rát, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính thẩm mỹ. Để cải thiện tình trạng trên, Nhi và Huy đều đã sử dụng qua nhiều son dưỡng giá trị từ thấp đến cao, nhưng vẫn không cảm thấy hài lòng. Bản thân Nhi, Huy là những HS đang nằm trong đội tuyển HS giỏi môn Hóa, Sinh của trường, nên tự hỏi “sao mình không tự tạo ra son dưỡng môi, bởi các chất cấu tạo nên son môi đều có công thức hóa học của nó”. Ý tưởng gặp nhau, hai bạn đã kết hợp và được giáo viên môn Hóa học Lê Thị Lan Hương của trường hết sức ủng hộ và trực tiếp hướng dẫn đề tài.

Đối với bất kỳ dự án khoa học nào, thì quá trình nghiên cứu, sáng tạo sẽ giống như “lửa thử vàng” mà trong đó sự nhiệt huyết, kiên trì quyết định sự thành công. Tiếp sau quyết định thực hiện ý tưởng là những ngày tháng hai bạn lao vào nghiên cứu, tự tìm tòi, học hỏi cách làm nên một thỏi son môi hoàn chỉnh, nguyên liệu từ thiên nhiên, vừa có tác dụng giữ ẩm, vừa khiến cho đôi môi căng mọng. Qua tìm hiểu khoa học, Nhi và Huy nhận thấy axit Oleic là loại axit béo giúp giữ ẩm, dưỡng da, co lợi cho tim mạch, trí nhớ, có nhiều trong hạt na. Từ đó, dầu hạt na trở thành đối tượng nghiên cứu của hai em. Để có tinh dầu từ hạt na các em thử nghiệm qua tất cả quy trình ép nóng, ép lạnh, ngâm chiết bộ hạt na trong etanol... Trong mỗi lần thử nghiệm tạo son, hai em từng bước điều chỉnh công thức hóa học. “Em và Huy trải qua hàng trăm lần thử nghiệm. Nhật ký son môi của chúng em dày hàng trăm trang, mỗi trang là một công thức. Công thức này chưa đạt chúng em tiếp tục đổi cho đến khi tìm được công thức hợp lý”, Nhi tâm sự. Sản phẩm đã hoàn toàn chinh phục được các giám khảo trong Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật dành cho HS trung học lần thứ 8, năm học 2020 - 2021 bởi tính thân thiện, an toàn và chất lượng trong sử dụng.

Để dự án đi đến thành công, trên con đường của các “nhà sáng chế học đường” không thể thiếu vắng thầy cô giáo, những người hướng dẫn khoa học cho các em. Cô giáo Lê Thị Lan Hương, Trường THPT Hàm Rồng, cho biết: “Đây không phải lần đầu tiên tôi hướng dẫn khoa học cho HS. Ở mỗi dự án hướng dẫn, tôi luôn đặt HS lên trên hết và trao quyền tự chủ cho các em. Ví dụ, đã biết về vấn đề này, nhưng tôi không làm, sẽ đặt câu hỏi gợi mở cho HS để các em tự tìm tòi, tự nghiên cứu. Trong quá trình triển khai cô và trò cùng trao đổi thẳng thắn”. Với vai trò “người lái đò thầm lặng” ngay từ đầu cô giáo Hương đã nhìn rõ những chông gai, thử thách trên con đường khoa học, vì vậy ở mỗi giai đoạn cô đều có sự động viên, khích lệ kịp thời. “Bên cạnh hỗ trợ về kinh phí thực hiện vì HS không có tiền, tôi nhờ sự giúp đỡ của người hướng dẫn khoa học chuyên sâu, kết hợp với sự chủ động nghiên cứu của các em. Bởi vậy quy trình được thực hiện đúng chuẩn, bài bản khoa học nhất” - cô Hương chia sẻ. Theo nhóm tác giả thì thời khắc khó khăn nhất là khi chờ kết quả phân tích các thành phần sau chiết xuất hạt na, xác định có thành phần nào mang tính độc không. Sau khi có kết quả xác định tính an toàn của thành phần, cô trò như “trút được gánh nặng”, nở nụ cười tiếp tục hành trình.

Cùng chung niềm đam mê sáng tạo khoa học, mô hình “Phòng phun sơn PU an toàn” của em Phùng Quang Tùng, Trường THPT Thọ Xuân 4, đạt giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thanh Hóa năm 2020 và đạt giải Khuyến khích cuộc thi toàn quốc. Mô hình thực hiện các giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế địa phương. Quan sát nghề mộc tại địa phương, Tùng nhận thấy, quá trình sản xuất, chất thải từ việc sản xuất đồ mộc có ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và sức khỏe của con người, trong đó có công đoạn phun sơn. Nghiên cứu cho thấy, người thợ dù có đeo khẩu trang nhưng khi hít phải sơn với liều lượng nhỏ sẽ gây kích thích mắt, mũi, họng, có cảm giác đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Còn nghiên cứu trên động vật cho thấy có sự liên quan của những chất này với các dị tật bẩm sinh, ung thư và nguy cơ tổn thương hệ thần kinh trung ương. Mô hình “Phòng phun sơn PU an toàn” vừa có thể đảm bảo sức khỏe cho con người và bảo vệ môi trường sống, vừa có thể mở ra hướng phát triển bền vững cho làng nghề chế biến gỗ tại địa phương. Phùng Quang Tùng chia sẻ: “Trong thực hiện mô hình giáo viên hướng dẫn luôn bên cạnh hỗ trợ em về nhiều mặt. Thầy cũng luôn cho em một “khoảng trống” để tự do thể hiện ý tưởng. Với từng ý tưởng thầy ý kiến về ưu, nhược điểm và cùng với chính kiến của mình, thầy trò thống nhất chọn ra phương án phù hợp nhất”. Điểm sáng tạo của mô hình là được chế tạo từ những thiết bị điện tử trong gia đình, đồ chơi trẻ em, vật liệu dễ kiếm, có sẵn tại địa phương và thân thiện với môi trường.

Khơi dậy niềm đam mê sáng tạo khoa học trong học trò, mỗi thầy cô giáo lại có phương pháp riêng. Như cô Hương, giáo viên Trường THPT Hàm Rồng, thường xuyên kể những mẫu chuyện sáng tạo khoa học trong nước và trên thế giới, từ đó, cô trò có thể vừa tâm sự, trò chuyện và phân tích tính hấp dẫn của đề tài. Theo cô Hương: “Đề tài khoa học là để giải quyết những nhu cầu của thực tế cuộc sống, không cần phải là những phát minh sáng kiến to lớn. Khi đã có ý tưởng, các em sẽ phải học cách tự chủ và tự lập thực hiện đề tài như những nhà khoa học thực sự. Đây là cách để học trò thể hiện sự tự tin, quyết đoán và tính kiên trì trong dự án khoa học của mình”.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]