(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Cứ mỗi dịp hè đến là tình trạng trẻ em bị đuối nước lại gia tăng. Thực trạng này đang dấy lên hồi chuông cảnh báo đối với những gia đình có con em trong độ tuổi đi học.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trẻ em đuối nước - Nỗi ám ảnh mùa hè

(VH&ĐS) Cứ mỗi dịp hè đến là tình trạng trẻ em bị đuối nước lại gia tăng. Thực trạng này đang dấy lên hồi chuông cảnh báo đối với những gia đình có con em trong độ tuổi đi học.

Mỗi ngày có khoảng 9 trẻ tử vong do đuối nước

Theo báo cáo của Bộ LĐ,TB&XH, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 6.400 người bị đuối nước, trong đó có khoảng 3.500 trẻ em và trẻ vị thành niên (chiếm hơn 50%), nghĩa là trung bình mỗi ngày có khoảng 9 trẻ tử vong do đuối nước.

Điển hình như vụ tai nạn gần đây nhất xảy ra vào khoảng 15h50 ngày 30/3, một nam sinh lớp 9 ở xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc xuống sông Bưởi tắm cùng các bạn, nhưng đã bị đuối nước tử vong. Nạn nhân là em Lê Thanh Bình (15 tuổi, trú tại xóm 2, thôn Bèo, Vĩnh Long, Vĩnh Lộc). Được biết, Bình là học sinh lớp 9 Trường THCS Phạm Văn Hinh. Trước đó, Bình rủ 2 bạn cùng lớp xuống sông Bưởi tắm, trong khi bơi không may bị cuốn vào vùng nước xiết và bị đuối nước.

Thực tế cho thấy, năm nào cũng vậy, cứ khi mùa hè đến là tình trạng đuối nước đối với trẻ em, học sinh lại trở thành vấn đề “nóng” trong dư luận xã hội. Để trang bị kỹ năng phòng tránh cho học sinh, từ mấy năm trước ngành giáo dục đã có chủ trương, đề án dạy bơi cho học sinh trong các trường phổ thông.

Xin đừng dửng dưng trước “mùa" đuối nước.

Để không còn những nỗi đau

Bà Trịnh Thị Dinh trú ở phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) cho biết: “Tôi có 3 cháu nhỏ đang trong độ tuổi rất cần học bơi, đã mấy vụ hè rồi tôi đều cho các cháu đi học bơi ở một số bể bơi trong TP nhưng vẫn chưa bơi được thành thạo. Vừa ít bể bơi, lại thêm quá đông các cháu học vào mùa hè, nên hôm được hôm không”.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị đuối nước nhưng có thể dễ dàng nhận thấy nguyên nhân chính là do nhận thức của xã hội về vấn đề này còn bị hạn chế dẫn đến công tác tuyên truyền, phòng ngừa chưa được thực hiện triệt để. Bên cạnh đó nhiều địa phương còn xem nhẹ, chưa chú trọng việc nâng cao nhận thức cho người dân về mức độ nguy hiểm do đuối nước gây ra. Một nguyên nhân nữa là môi trường sống không an toàn, nhiều ngôi nhà gần ao hồ, sông ngòi nhưng hoàn toàn không có rào che chắn, các giếng khơi, bể nước không có nắp đậy... hoặc việc thực hiện các quy định về an toàn giao thông đường thủy chưa nghiêm ngặt như người điều khiển thuyền, đò không có bằng lái, chất lượng của các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những vụ tai nạn thương tâm cướp đi sinh mạng của các em học sinh.

Trước những nguyên nhân trên thì các trường học đang có những chương trình nhằm tuyên truyền về đuối nước và khuyến khích các học sinh tham gia học bơi. Ngoài các bể bơi tư nhân và bể bơi của trường Cao đẳng TDTT thì trên địa bàn TP Thanh Hóa chỉ duy nhất Trường mầm non Tân Sơn được tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư bể bơi đạt tiêu chuẩn tại trường với diện tích hơn 200m2. Năm học 2015 - 2016, Trường Mầm non Tân Sơn đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư cải tạo, nâng cấp bể bơi với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng. Năm nay, nhà trường phối hợp với Trung tâm ĐAT (Để an toàn) thành phố Đà Nẵng về dạy bơi cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Hiện nay, hầu hết các trường trên địa bàn TP đã xây dựng chương trình học bơi trên bể bơi thông minh vào mùa hè. Cụ thể là các bể bơi thông minh có mái che sẽ được đặt ngay tại sân trường. Điều này sẽ tránh tình trạng quá tải mùa hè ở các bể bơi, và cũng giúp các bé tự tin tiếp xúc với nước.

Mong rằng, cùng với sự quyết tâm của các ngành chức năng thì các bậc phụ huynh cũng tích cực, chủ động để con em mình tham gia các chương trình do nhà trường và các phòng GD&ĐT đưa ra.

Doãn Tài



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]