(vhds.baothanhhoa.vn) - Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Công đoàn ngành giáo dục Thanh Hóa đã tổ chức phát động phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc” giai đoạn 2021 - 2025. Trường học hạnh phúc chính là khi người học được đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình, được tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ...

“Trường học hạnh phúc”dưới góc nhìn của những người trong nghề

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Công đoàn ngành giáo dục Thanh Hóa đã tổ chức phát động phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc” giai đoạn 2021 - 2025. Trường học hạnh phúc chính là khi người học được đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình, được tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ...

“Trường học hạnh phúc”dưới góc nhìn của những người trong nghề

Sẻ chia, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, góp phần xây dựng hiệu quả “Trường học hạnh phúc” (Trong ảnh: Trường THCS và THPT Thống Nhất trao quà cho học sinh khó khăn của nhà trường). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Xu hướng tất yếu

Năm học 2021 - 2022, Trường THCS và THPT Thống Nhất (Yên Định) có 48 cán bộ giáo viên, với 905 học sinh. Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng những năm qua, trường luôn vượt khó để đảm bảo chất lượng dạy và học.

Xây dựng “Trường học hạnh phúc”, đối với Trường THCS và THPT Thống Nhất có nhiều thuận lợi. Theo thạc sĩ Vũ Văn Thành, Hiệu trưởng nhà trường thì khái niệm “Trường học hạnh phúc” không phải bây giờ mới có mà lâu nay đã được triển khai ở dưới nhiều hình thức khác nhau, như cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức học tập và sáng tạo” hay phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... Hiệu trưởng Vũ Văn Thành cho rằng: “Xây dựng “Trường học hạnh phúc” là xu hướng tất yếu phải đạt đến, như một luồng sinh khí để tạo khởi sắc cho phong trào của nhà trường. Tôi thiết nghĩ, trong xây dựng “Trường học hạnh phúc” bao hàm rất nhiều nội dung, nhưng có những nội dung để sau này đặt nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục, ví dụ như với cán bộ, giáo viên, nhân viên là những người có phẩm chất đạo đức, có tinh thần trách nhiệm, có sự thương yêu học sinh. Phía học sinh cũng phải có rất nhiều yếu tố ở trong đó như về đạo đức, ý thức, nhân cách...”.

Từ trước đến nay, Trường THCS và THPT Thống Nhất đưa ra nhiều cách làm mà ở đó, quyền làm chủ của cán bộ, giáo viên, nhân viên được tôn trọng và phát huy. Đồng thời phát huy tính tự giác của học sinh, thông qua học sinh để nắm bắt những bất thường trong học sinh. “Nói gì thì nói, xây dựng “Trường học hạnh phúc” là phải có nền nếp, kỷ cương, có ý thức tổ chức kỷ luật, không có bạo lực học đường. Rất mừng là đến thời điểm hiện tại, nhà trường chưa xảy ra tình trạng học sinh đánh nhau, đến trường là tập trung cho học hành”, hiệu trưởng Vũ Văn Thành cho biết.

Trường THCS và THPT Như Thanh (Như Thanh) có 841 học sinh, trong đó chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số và có tới 60% học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với những đặc thù như vậy nên sự quan tâm của phụ huynh đối với việc học của con cái còn nhiều hạn chế. Đây cũng là một trong những vấn đề khó đối với nhà trường khi thực hiện xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Theo Phó hiệu trưởng Phạm Văn Phú: “Trường học hạnh phúc” là nơi mà cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh cảm thấy được hạnh phúc trên nhiều phương diện, được an toàn, được tôn trọng, chia sẻ và yêu thương, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Nhà trường cũng đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Đồng thời với cán bộ, giáo viên, đã có những thay đổi trong phương pháp quản lý, dạy học thì sẽ cần phải tích cực đổi mới hơn nữa, lấy người học làm trọng tâm để khơi dậy niềm đam mê, tư duy, sáng tạo cho học sinh...”.

Những giá trị yêu thương, sẻ chia cần được đưa lên hàng đầu

“Trường học hạnh phúc”, được hiểu một cách gần gũi nhất đấy là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp hàng ngày. Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Định, bà Nguyễn Thị Khuyên, thì trong năm học 2022 - 2023, phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc” sẽ được triển khai trên địa bàn huyện, thực hiện kết hợp với chương trình nâng cao chất lượng trường chuẩn quốc gia. Bà nói: “Phong trào này không mới, đã và đang làm rồi, tuy nhiên phải tạo ra mới hơn, hay hơn so với lâu nay đang thực hiện để nhà trường, cán bộ giáo viên, phụ huynh, học sinh thấy được hiệu quả mô hình này hơn mô hình khác chỗ nào, thấy được nhu cầu thiết thực mà họ đang hướng đến... Nhưng trước hết, là nhận thức của cán bộ, giáo viên, phải thay đổi tư duy...”.

Còn theo bà Lê Thúy Lan, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Như Thanh: "Xác định xây dựng môi trường học tập nhân văn, thân thiện, tiến bộ, khoa học là điều cần thiết để thực hiện “Trường học hạnh phúc”, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch để triển khai cho các cấp học từ mầm non đến THCS, với mong muốn cán bộ quản lý, thầy cô giáo và học sinh trong mỗi nhà trường phải nỗ lực không ngừng, với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, là nơi lý tưởng để bồi đắp những trái tim yêu nghề, mến trẻ của thầy cô, là nơi để học sinh được gắn kết thân tình bởi những tình cảm tốt đẹp từ mỗi ngôi trường mà các em đang học tập, rèn luyện”.

“Trường học hạnh phúc”dưới góc nhìn của những người trong nghề

Hoạt động thể thao của học sinh Trường THCS và THPT Như Thanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tại buổi phát động phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc”, ông Trần Văn Bình, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục tỉnh đã nhấn mạnh: “Trường học hạnh phúc phải là nơi an toàn cho các hoạt động dạy và học của thầy trò, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi phi đạo đức. Để trường học xứng đáng là ngôi nhà, tổ ấm thứ hai với mỗi giáo viên, học sinh thì những giá trị yêu thương, sẻ chia cần được đưa lên hàng đầu và cần thực hiện tốt ở mỗi trường”.

Xây dựng “Trường học hạnh phúc” sẽ góp phần thực hiện mục tiêu đưa giáo dục tỉnh Thanh Hóa tiệm cận tốp 20 cả nước, giúp cho đội ngũ nhà giáo trong tỉnh ngày càng vững mạnh về mọi mặt và sẵn sàng tích cực đồng hành với lộ trình đổi mới giáo dục của cả nước. Theo đó, để phong trào đạt hiệu quả cao nhất, các nhà trường, đơn vị tập trung làm tốt các tiêu chí như môi trường nhà trường và phát triển cá nhân; dạy và học; các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường.

Xây dựng “Trường học hạnh phúc” không phải một sớm, một chiều mà đó là cả quá trình, từ việc xây dựng văn hóa nhà trường, các quy chế ứng xử... “Trường học hạnh phúc” mà ở đó thầy cô giáo là người truyền cảm hứng cho học sinh, không chỉ đơn giản là lên lớp với những bài giảng trong sách vở và những vận dụng thực tế mà còn làm thế nào để học sinh thấy được ngôi trường của mình trở thành một nơi thú vị...

Vi An


Vi An

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]