(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Từng là trường phổ thông cơ sở Thanh Sơn (1978 - 1994), đến nay sau hơn 20 năm chia tách, Trường THCS Thanh Sơn đang trở thành niềm tự hào của các thế hệ giáo viên, học sinh không chỉ bởi sự đổi thay về diện mạo mà còn bởi chất lượng dạy và học của nhà trường đã và đang được nâng lên một bước đáng kể.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trường THCS Thanh Sơn: Xứng danh trường chuẩn Quốc gia

(VH&ĐS) Từng là trường phổ thông cơ sở Thanh Sơn (1978 - 1994), đến nay sau hơn 20 năm chia tách, Trường THCS Thanh Sơn đang trở thành niềm tự hào của các thế hệ giáo viên, học sinh không chỉ bởi sự đổi thay về diện mạo mà còn bởi chất lượng dạy và học của nhà trường đã và đang được nâng lên một bước đáng kể.

Trường xưa...

Trong trí nhớ của nhiều người, Trường THCS Thanh Sơn trước đây chỉ là những phòng học đơn sơ cũ kỹ, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học thì đều thiếu thốn, lạc hậu. Ngay như đến năm học 2012 - 2013, nhà trường chỉ đủ phòng để học 2 ca/ngày, chưa có phòng thực hành cho tất cả các môn, chưa có phòng đọc, phòng thư viện... điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của nhà trường, làm giảm đi phần nào tinh thần thi đua hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động do ngành phát động. Vì vậy mà trong nhiều năm liên tục, dù rất cố gắng nhưng vị trí của nhà trường cũng chỉ đứng trong “top” trung bình của huyện.

Đứng trước thực tế đó, chi bộ nhà trường đã ra nghị quyết mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên là một tuyên truyền viên đưa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác xã hội hóa giáo dục, qua đó giúp mỗi người dân hiểu đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển. Sau một thời gian, nhận thức của các bậc cha mẹ cũng như các tầng lớp nhân dân trong xã đã có sự chuyển biến rõ rệt. Đây chính là cơ sở để nhà trường tham mưu cho Đảng bộ và chính quyền địa phương đưa nội dung này vào nghị quyết.

Không chỉ thế, tại Đại hội Đảng bộ xã khóa 23, HĐND khóa 18 đã ra Nghị quyết xây dựng Trường THCS Thanh Sơn đạt chuẩn Quốc gia vào năm 2015. Chính điều đó đã tạo thuận lợi để các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân cùng góp công, góp sức thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường một cách toàn diện. Cũng từ đây, phong trào xã hội hóa giáo dục mà nòng cốt là phong trào “Khuyến học, khuyến tài” trên địa bàn xã phát triển rộng rãi trong từng gia đình, dòng họ, xóm làng, để rồi từ một xã có dân trí trung bình đã vươn lên trở thành đơn vị được huyện công nhận “Công tác khuyến học đạt xuất sắc” trong nhiều năm qua. Bởi thế nên chỉ trong vòng 5 năm, ngoài sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của Đảng ủy, UBND xã trong xây dựng cơ bản, nhà trường đã huy động được một nguồn kinh phí lớn từ sự đóng góp của các thế hệ học sinh, phụ huynh và các ban, ngành địa phương. Sự tổng hợp của các yếu tố này đã tạo thành sức mạnh tổng hợp làm nên sự đổi thay toàn diện cho nhà trường.

... Bây giờ

Từ một ngôi trường khó khăn về vật chất, đến nay, Trường THCS Thanh Sơn đã có khuôn viên riêng biệt, có vườn cây thuốc nam đa dạng về chủng loại.Tất cả được bố trí một cách hợp lý, hài hòa, tạo cho ngôi trường một không gian thoáng mát, rất đỗi thân thiện. Trong bức tranh đó, nổi bật nhất là các dãy phòng học 2 tầng kiên cố, có đầy đủ các phòng cho học sinh học 1 ca/ngày. Trường đã có 2 phòng thực hành thí nghiệm, 1 phòng máy vi tính, 1 phòng nhạc, 2 phòng tổ bộ môn, 1 phòng thư viện, phòng đọc, có phòng truyền thống, phòng y tế học đường, khu luyện tập TDTT theo quy chuẩn. Trang thiết bị ở mỗi phòng học cơ bản đã được tân trang hiện đại, đáp ứng nhu cầu dạy và học của nhà trường trong tình hình mới.

Một hoạt động về nguồn của Trường THCS Thanh Sơn.

Cùng với những nỗ lực hoàn thiện về cơ sở vật chất, những năm qua, nhà trường đã tập trung chấn chỉnh nền nếp và đẩy mạnh cải tiến phương pháp dạy học, đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá học sinh và chú trọng bồi dưỡng tác phong, năng lực giảng dạy và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, giáo viên. Bên cạnh đó, hàng năm, nhà trường luôn chỉ đạo và thực hiện tốt các hoạt động giáo dục khác như: giáo dục hướng nghiệp dạy nghề; giáo dục ngoài giờ lên lớp; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh với nhiều hình thức kết hợp nội khóa và ngoại khóa, trong giờ học và ngoài giờ lên lớp. Tập trung bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém ở tất cả các khối, đặc biệt là các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh ngay từ đầu năm học. Đồng thời phát động nhiều phong trào thi đua trong giáo viên, học sinh như: “Thi đua dạy tốt, học tốt”,“Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực”...

Từ trong các phong trào đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường đã không ngừng vươn lên, tự nghiên cứu, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp giảng dạy. Trong 24 CBGV nhà trường có 18 đạt trình độ trên chuẩn. Số lượng giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh cũng tăng lên. Như năm học 2015 - 2016, nhà trường có 13 giáo viên giỏi huyện, 2 giáo viên giỏi tỉnh. Đáng nói là, ở từng bộ môn, nhà trường đều có những giáo viên nòng cốt, vững vàng về kiến thức và tâm huyết, nhiệt tình với sự nghiệp “trồng” người. Đó là yếu tố quan trọng khơi dậy trong các em học sinh tinh thần ham học hỏi và ý thức rèn luyện hạnh kiểm bản thân. Vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn, chất lượng giáo dục của nhà trường đã được nâng lên một cách toàn diện. Chẳng hạn, năm học 2013 - 2014, tỷ lệ học sinh khá giỏi của nhà trường là gần 36% thì đã tăng lên gần 40% trong năm học 2015 - 2016. Tương tự, tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm tốt, khá cũng tăng từ 96% lên 99%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn của nhà trường tiếp tục được củng cố, nhiều năm liền đều có học sinh đạt giải cấp tỉnh. Sự chuyển biến đồng bộ và toàn diện đó đã đưa vị trí của nhà trường vươn lên đứng trong “top” 10 trong số 34 trường THCS trên địa bàn huyện, được Giám đốc Sở GD&ĐT khen thưởng vì đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua dạy và học. Niềm vui ấy càng được nhân lên gấp bội khi mới đây, nhà trường đã được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công nhận là trường đạt chuẩn Quốc gia - bằng chứng không chỉ cho thấy sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của các thế hệ CBGV, học sinh mà còn là bài học kinh nghiệm về sự phối hợp hiệu quả trong mối liên kếtgiữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Nhờ khen thưởng kịp thời, nhà trường đã tạo động lực thi đua trong học sinh.

Vui vì những nỗ lực của nhà trường đã được ghi nhận. Tuy nhiên, với thầy Nguyễn Duy Dân - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Sơn thì: “Danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho thầy và trò của nhà trường nhưng bên cạnh đó cũng đặt ra không ít áp lực, nhất là khi một số phòng học đặc thù của nhà trường chưa có đủ các trang thiết bị hỗ trợ. Vì vậy, để xứng danh với danh hiệu đạt được thì ngoài sự cố gắng của CBGV và học sinh, nhà trường mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Phòng GD&ĐT huyện Tĩnh Gia; Đảng ủy, chính quyền địa phương; Hội khuyến học xã; Hội đồng trường và phụ huynh học sinh. Đó chính là nguồn động lực to lớn giúp nhà trường vươn xa hơn, trở thành địa chỉ đào tạo nhân lực, nhân tài cho quê hương, đất nước mai sau”.

Mai Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]