(vhds.baothanhhoa.vn) - Hòa trong không khí đón chào năm mới 2020, ngành giáo dục Thanh Hóa cũng bắt đầu “mùa gieo hạt” mới với khát vọng chinh phục những đỉnh cao tri thức mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tự hào giáo dục Thanh Hóa

Hòa trong không khí đón chào năm mới 2020, ngành giáo dục Thanh Hóa cũng bắt đầu “mùa gieo hạt” mới với khát vọng chinh phục những đỉnh cao tri thức mới.

Nhìn lại năm 2019, giáo dục Thanh Hóa đã đạt được những kết quả nổi bật, giáo dục mũi nhọn đạt thành tích cao nhất từ trước đến nay, giữ vững vị trí tốp đầu cả nước, chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục được nâng lên, giáo dục miền núi rút ngắn dần khoảng cách với miền xuôi... Những thành tích này đã thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các nhà trường, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện mục tiêu giáo dục nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao Bằng khen cho các giáo viên và học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi Olympic Quốc tế.

Giáo dục mũi nhọn vươn tầm quốc tế

Với nhiều chính sách, giải pháp cụ thể, chất lượng giáo dục mũi nhọn của Thanh Hóa liên tục giữ vững và duy trì trong tốp đầu cả nước về thành tích thi học sinh (HS) giỏi Quốc gia, Olympic quốc tế và khu vực. Năm 2019, tham gia kỳ thi Olympic Quốc tế và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tỉnh Thanh Hóa đạt 6 huy chương, trong đó có 3 HCV Olympic Quốc tế các môn Vật lý, Hóa học và Tin học; 1 HCB Olympic Quốc tế môn Sinh học; 2 HS đạt HCB và HCĐ tại kỳ thi Olympic khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với kết quả này, Thanh Hóa đứng đầu toàn quốc khi tham gia các kỳ thi Olympic Quốc tế năm 2019 và là năm thứ 4 liên tiếp có HS đoạt huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế.

Tại kỳ thi HS giỏi quốc gia, Thanh Hóa có 65 em đạt giải; kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT đạt 92,39%. Trong đó, HS khối THPT đạt 94,39%; khối bổ túc THPT đạt 64,04%; toàn tỉnh có 35 bài thi đạt điểm 10; 107 học sinh đạt 27 điểm trở lên ở 3 môn xét tuyển đại học, cao đẳng... Kết quả này đã khẳng định bước đi đúng hướng, vững chắc trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng HS giỏi của các nhà trường.

Đằng sau chuỗi thành tích ấn tượng của các em HS là những nỗ lực vượt bậc và sáng tạo không ngừng nghỉ của những người thầy đã tận tâm “truyền lửa” đam mê cho các em HS.

Nhà giáo ưu tú Chu Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lam Sơn cho biết: Để giữ vững thành tích qua các kỳ thi bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, hằng năm, nhà trường tập trung đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý trường học, quản lý công tác chuyên môn, coi trọng công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng HS giỏi. Ngoài ra, xây dựng đội ngũ nhà giáo tâm huyết, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, không ngừng “truyền lửa” đam mê, khơi dậy sự sáng tạo cho HS. Nhà trường luôn tạo ra môi trường giáo dục thuận lợi và quan tâm, chia sẻ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt cơ chế, chính sách thi đua, khen thưởng nhằm động viên, khích lệ mỗi giáo viên, HS phấn đấu, phát huy hết năng lực của mình trong dạy và học.

Giáo dục miền núi rút dần khoảng cách với miền xuôi

Từ năm 2000, Thanh Hóa đã hoàn chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân, có đầy đủ các loại hình cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học. Năm học 2019 - 2020 giáo dục Thanh Hóa có 2.069 trường học với trên 850.000 HS; 2 trường đại học trực thuộc tỉnh, 3 phân hiệu đại học trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, 17 trường cao đẳng và TCCN, 635 trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn. Nhờ vậy mà chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, năm sau cao hơn năm trước, giáo dục miền núi đã có chuyển biến tích cực, từng bước rút ngắn khoảng cách với miền xuôi.

Một trong những chính sách mang lại hiệu quả thiết thực đó là UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo miền núi giai đoạn 2013 - 2020”. Sau thời gian thực hiện, giáo dục ở khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa đã có những chuyển biến tích cực, như mạng lưới trường lớp được quy hoạch phù hợp, chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học ngày càng được nâng cao; quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được củng cố, phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em đồng bào các dân tộc trong độ tuổi đến trường. Phần lớn các thôn, bản vùng cao, biên giới đã có lớp mầm non; các xã có trường tiểu học và THCS; các huyện đều có trường THPT... Đến nay, tổng số phòng học các cấp (từ trường mầm non đến trường THPT) là 8.459 phòng, trong đó số phòng học được kiên cố hóa là 7.155 phòng (chiếm 84,6%); mạng lưới trường lớp phát triển ổn định, thuận lợi cho con em học tập.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học từng bước được đầu tư theo hướng kiên cố, chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Đến nay, đã có 333 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 51%). Việc duy trì, củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS... đã góp phần nâng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 60 là 98,4%. Các chính sách cho HS-SV vùng DTTS được quan tâm và đáp ứng kịp thời, có hơn 495.000 lượt HS được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập với số tiền là hơn 186 tỷ đồng; có hơn 108.000 HS được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo với số tiền hơn 218 tỷ đồng... Công tác giáo dục định hướng nghề nghiệp được triển khai từ cấp phổ thông, mô hình trường bán trú tại cấp mầm non, tiểu học, THCS được triển khai ngày càng hiệu quả, tạo điều kiện để các em HS tại vùng sâu, vùng xa yên tâm học tập...

Một giờ học của các em học sinh Trường Tiểu học Hải Long (Như Thanh).

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn đề án nâng cao chất lượng GD&ĐT miền núi, thời gian tới, ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung phát triển GD&ĐT trên cơ sở đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Gắn phát triển GD&ĐT với phát triển KT-XH, phù hợp với thực tiễn của mỗi huyện miền núi; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên có năng lực nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức tốt, yêu nghề; xây dựng mạng lưới trường, lớp hợp lý theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn các huyện miền núi.

Kết quả giáo dục khu vực miền núi đạt được đã góp phần cùng với toàn ngành hoàn thành tốt kế hoạch đề ra. Cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được quan tâm xây dựng, quy hoạch khang trang với tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng đạt 87,7%. Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia có nhiều chuyển biến, toàn tỉnh đã có 1.439 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 69,32.%. Chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được giữ vững và có bước đột phá mới.

Toàn ngành giáo dục đã có nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được trao tặng danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước và của ngành. 3 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới, 5 đơn vị được tặng huân chương độc lập, nhiều đơn vị được tặng huân chương lao động các hạng, hàng trăm lượt đơn vị, trường học trong ngành được tặng Cờ thi đua Chính phủ, Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT, Cờ thi đua của UBND tỉnh; 2 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 6 Nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGND, 131 nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGƯT, nhiều nhà giáo được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh...

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]