(vhds.baothanhhoa.vn) - Tư vấn tâm lý cho học sinh (HS) trong trường phổ thông là hoạt động nhằm hỗ trợ và kịp thời can thiệp khi HS gặp những khó khăn về tâm lý, hướng dẫn các em tìm ra cách giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra, qua đó góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Tư vấn tâm lý học đường Việc không thể xem nhẹ

Tư vấn tâm lý cho học sinh (HS) trong trường phổ thông là hoạt động nhằm hỗ trợ và kịp thời can thiệp khi HS gặp những khó khăn về tâm lý, hướng dẫn các em tìm ra cách giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra, qua đó góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Tư vấn tâm lý học đường Việc không thể xem nhẹHoạt động tư vấn tâm lý được nhiều trường học tổ chức theo hình thức sân khấu hóa theo từng chủ đề.

Cầu nối tâm tư giữa học sinh, phụ huynh và nhà trường

Ví phòng Tư vấn tâm lý học đường như “chiếc cầu nối” giữa HS, phụ huynh và nhà trường trong việc vận dụng kiến thức tâm lý học và giáo dục công dân để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, để dự phòng, ngăn chặn sự phát triển không lành mạnh về sức khỏe tinh thần ở HS, cô giáo Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Tĩnh Gia I (thị xã Nghi Sơn), chia sẻ: Trường THPT Tĩnh Gia I đã chọn đặt phòng Tư vấn tâm lý ở vị trí kín đáo để HS không cảm thấy ngại ngần khi tìm đến. Vào mỗi đầu tuần, nhà trường cho HS đăng ký nội dung cần được tư vấn, sau đó căn cứ vào nội dung đăng ký sẽ phân công giáo viên tư vấn riêng biệt trên tinh thần chia sẻ, định hướng và tuyệt đối giữ bí mật cho HS. Hiểu được các em cần gì, mong muốn điều gì, nhà trường sẽ gặp gỡ phụ huynh trao đổi riêng để có sự phối hợp trong việc giáo dục, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các em.

Không chỉ phải đối mặt với những áp lực trong học tập và thi cử, HS ngày nay còn chịu nhiều cám dỗ từ mạng xã hội, các mối quan hệ, bạn bè... Do đó, việc tư vấn tâm lý còn mang ý nghĩa hỗ trợ các em rèn luyện kỹ năng sống, thái độ ứng xử phù hợp, khả năng nhận định, giải quyết các vấn đề, rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần, góp phần định hình, hoàn thiện nhân cách.

Cô giáo Đào Thị Hoa, Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Đông Thọ (TP Thanh Hóa), chia sẻ: “Trong môi trường giáo dục với hơn 1.000 HS, sẽ có hơn 1.000 hoàn cảnh khác nhau, do đó, chắc chắn sẽ có rất nhiều HS mong muốn được chia sẻ, tâm sự với giáo viên để mong nhận được những lời khuyên bổ ích cho những vấn đề gặp phải. Với trách nhiệm là Tổng phụ trách đội, do trong nhà trường không có giáo viên tâm lý học đường, nên tôi thường tranh thủ lồng ghép nội dung giáo dục giới tính, bạo lực học đường... vào các tiết dạy của mình. Đồng thời, tìm hiểu tình hình HS thông qua phiếu thông tin cá nhân để nắm được hoàn cảnh, các mối quan hệ gia đình, xã hội, những ước muốn, sở trường, khó khăn (nếu có) của HS... Do HS đông nên tôi thường xuyên phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm các lớp để nắm được trọng tâm, trọng điểm các vấn đề, từ đó kịp thời tư vấn, can thiệp tâm lý riêng cho HS khi cần, hoặc xây dựng nội dung các em quan tâm thành buổi sinh hoạt tập thể, hoặc tổ chức các chương trình sân khấu hóa”.

Nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh

Bên cạnh các trường học có phòng Tư vấn tâm lý, có Hội đồng tư vấn tâm lý hoạt động tương đối hiệu quả, thì cũng còn không ít những trường học không có hoặc có phòng Tư vấn tâm lý nhưng không hoạt động, hoặc hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do người tư vấn kiêm nhiệm, không được đào tạo bài bản... Cũng do kiêm nhiệm nên ở nhiều trường, giáo viên chỉ làm một số buổi tư vấn chung chung, không hiệu quả. Vì vậy, khi HS có nhu cầu, hoặc gặp phải sự cố cần tư vấn thì không thể kịp thời giải quyết.

Cô Lê Thị Nguyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Hải I (TP Thanh Hóa), chia sẻ: "Nhà trường hiện thiếu nhân viên, thiếu phòng học, do đó, không tổ chức được phòng Tư vấn tâm lý HS. Tuy nhiên, hoạt động tư vấn tâm lý cho HS hàng năm vẫn được nhà trường quan tâm, chú trọng, linh hoạt lồng ghép trong các tiết học, các buổi sinh hoạt cuối tuần... Là người quản lý chung mọi hoạt động của nhà trường, tôi luôn nhận thức rằng công tác tư vấn tâm lý HS không thể là nhiệm vụ riêng lẻ của một cá nhân, bộ phận nào mà là sự vào cuộc, chung tay góp sức của cả tập thể nhà trường. Đồng thời, phụ huynh cũng cần dành thời gian quan tâm đến tâm lý của các con, không nên phó mặc cho giáo viên, cho nhà trường, mà cần tăng cường phối hợp, thông tin hai chiều để công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho HS đạt hiệu quả cao.

Thầy giáo Nguyễn Tiến Hồng, Trường THCS thị trấn Bến Sung (Như Thanh), cho biết: Nhiệm vụ tư vấn tâm lý cho HS chủ yếu là do giáo viên chủ nhiệm đảm nhiệm. Trong quá trình thực hiện tư vấn tâm lý, các giáo viên cũng gặp không ít khó khăn như: chưa đủ kinh nghiệm, vốn sống do còn quá trẻ, hoặc thầy cô lớn tuổi lại khó nắm bắt được tâm lý, không có tiếng nói chung với học trò... Do đó, để có thể “làm bạn” với học trò, tạo cho các em cảm giác an toàn, an tâm chia sẻ thì thầy cô cần chủ động gần gũi chuyện trò, giúp đỡ thật khéo léo, tế nhị. Đồng thời, để có đủ kiến thức, kỹ năng để tư vấn cho học trò, giáo viên cũng cần không ngừng học hỏi, tham vấn đồng nghiệp về những kinh nghiệm, kỹ năng tư vấn tâm lý... Khi có thể thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý cho HS, người giáo viên đã đóng góp một phần công sức không nhỏ vào sự nghiệp “trồng người”.

Ngoài ra, để hoạt động tư vấn tâm lý HS trong các nhà trường không theo kiểu mạnh ai người ấy làm, các nhà trường cần xây dựng kế hoạch hoạt động tư vấn tâm lý HS trong năm học, trong đó nêu rõ: mục đích, nguyên tắc, tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ, kinh phí, nội dung, hình thức tư vấn, công tác phối hợp... Kế hoạch này nên được thông qua và tổ chức theo đúng quy chế tập trung dân chủ, thống nhất các nội dung từ chi ủy, ban giám hiệu, hội đồng tư vấn tâm lý nhà trường, ban đại diện cha mẹ HS... Để thảo luận, triển khai, tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả, mang lại ý nghĩa và giá trị thiết thực, góp phần xây dựng môi trường giáo dục nhà trường thực sự thân thiện, tất cả vì HS thân yêu.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]