(vhds.baothanhhoa.vn) - Mới đây tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có buổi gặp mặt với đoàn học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc của ngành Giáo dục năm học 2017 - 2018. Trường THPT Triệu Sơn 5 vinh dự có em Ngô Minh Hiếu (lớp 11A6) được đại diện phát biểu cảm nghĩ nhưng thay vì kể về thành tích học tập, học sinh ấy đã kể một câu chuyện xúc động về một người bạn học và ngôi trường của mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về Trường THPT Triệu Sơn 5 nghe chuyện “trồng người”

Mới đây tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có buổi gặp mặt với đoàn học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc của ngành Giáo dục năm học 2017 - 2018. Trường THPT Triệu Sơn 5 vinh dự có em Ngô Minh Hiếu (lớp 11A6) được đại diện phát biểu cảm nghĩ nhưng thay vì kể về thành tích học tập, học sinh ấy đã kể một câu chuyện xúc động về một người bạn học và ngôi trường của mình.

Lấy chân - thiện - mỹ làm gốc giáo dục

Câu chuyện của em Ngô Minh Hiếu đã đưa chúng tôi về Trường THPT Triệu Sơn 5 để hiểu hơn về sự nghiệp “trồng người”. Khi chúng tôi đến, không gian xung quanh có vẻ khá yên ắng giống như đang diễn ra một kỳ thi quan trọng. Nhưng không, bác bảo vệ cho biết, đó chỉ là một giờ học bình thường vì có thầy hiệu trưởng đang đi khảo sát ở các lớp. Nghe vậy, chúng tôi tranh thủ đi tham quan khuôn viên sân trường để thưởng cho mình những phút giây thảnh thơi sau một chặng đường dài mỏi mệt. Qua quan sát, cơ sở vật chất của ngôi trường khá cũ, lại còn có 2 dãy nhà cấp 4 nhưng mỗi bước chân chúng tôi đi qua trước đó đều đã được quét dọn sạch sẽ, gần như rất khó để tìm thấy một cọng rác dù diện tích của nhà trường tương đối rộng. Điểm nhấn cho bức tranh đơn sơ ấy có lẽ là những tấm biển được đặt ở 2 bên lối đi phía sau cổng chính, trong đó chứa đựng nhiều nội dung thông điệp ý nghĩa, nổi bật có những câu nói mang tính giáo dục đạo đức, nhân cách giáo viên và học sinh rất cao nhưng cũng hết sức gần gũi, mộc mạc.

Trở lại văn phòng hiệu trưởng, chúng tôi thấy có một phụ huynh cũng đang ngồi đợi. Qua hỏi chuyện, được biết anh là Nguyễn Tài Quản - Chủ tịch Hội cha mẹ học sinh của nhà trường. Anh nói có hẹn với thầy hiệu trưởng để bàn kế hoạch ủng hộ cho một giáo viên đang điều trị bệnh ung thư ở viện. Và để chúng tôi hiểu hơn, anh cho biết: “Những năm gần đây, nhà trường rất quan tâm đến công tác từ thiện. Vì vậy, không chỉ có giáo viên đau ốm nặng mới được nhà trường quan tâm ủng hộ mà với những gia đình học sinh gặp hoạn nạn, khó khăn, công đoàn trường đều kêu gọi quyên góp và cho học sinh cùng đi trao quà để giáo dục các em tính nhân văn, biết sẻ chia, nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh. Việc làm này có ý nghĩa thiết thực, rất được phụ huynh ủng hộ, nhất là khi sự vô cảm đang có xu hướng “lây lan” trong giới trẻ”.

Thầy Nguyễn Tài Quyển - Hiệu trưởng nhà trường trả lời phóng viên VTV1 về những quan điểm giáo dục trong thời đại 4.0.

Câu chuyện giữa chúng tôi đang dần trở nên thân thiết thì tiếng trống trường báo hiệu giờ ra chơi bỗng vang lên giòn giã. Đó cũng là lúc Hiệu trưởng nhà trường - thầy Nguyễn Tài Quyển trở về phòng làm việc của mình. Thấy chúng tôi ngồi đợi, thầy nói như phân trần: “Ngày nào có mặt ở trường là ngày đó tôi phải tranh thủ đi khảo sát các lớp. Có thế mới yên tâm được”. Nói đến đây thì thầy nhớ lại: “4 năm trước lúc mới về trường làm hiệu trưởng, điều tôi lo lắng nhất chính là nền nếp học tập của nhà trường chưa được đưa vào khuôn khổ. Đó là căn nguyên chính khiến cho sau khi chuyển đổi từ bán công sang công lập một thời gian, chất lượng giáo dục nhìn chung vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Bấy giờ, ban giám hiệu nhà trường đã họp bàn, thống nhất tập trung xây dựng nền nếp kỷ luật, giáo dục kỹ năng, đạo đức cho học sinh, trong đó lấy “chân - thiện - mỹ” làm gốc giáo dục, giúp học sinh, nhất là những em cá biệt hoặc khiếm khuyết về mặt nhận thức tự điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của mình”.

Rạng danh vùng đất học trên quê hương Triệu Sơn

Sau một thời gian tạo dựng kỷ cương nền nếp học đường, nỗi lo lắng của thầy Nguyễn Tài Quyển và các CBGV ở Trường THPT Triệu Sơn 5 đãkhông còn nữa, thay vào đó là niềm tự hào khi nhiều học sinh không chỉ mang về cho nhà trường những thành tích cao trong các kỳ thi THPT Quốc gia và đại học mà các em còn giúp phụ huynh thay đổi cách nhìn về nhà trường từ chính những điều giản dị. “Nhiều phụ huynh đã hỏi chúng tôi là “Các thầy cô nói gì mà con tôi trở nên ngoan thế?”. Vì thực tế là khi mới vào trường, không ít em đã thường xuyên bỏ học hoặc gây gổ, đánh nhau với bạn bè nhưng với cách giáo dục của nhà trường, các em đều đã vào khuôn khổ. Đáng mừng hơn, ngày càng có nhiều em ý thức rất tốt, tự giác tham gia lao động và giữ gìn vệ sinh trường lớp học. Đặc biệt, các em đều biết quan tâm giúp đỡ bạn bè mà trường hợp của em Ngô Minh Hiếu là một ví dụ điển hình” - một thầy giáo ở trường nhìn nhận.

Tìm gặp em Ngô Minh Hiếu trong giờ ra chơi, chúng tôi không khỏi xúc động khi thấy em đang cõng trên lưng một người bạn là em Nguyễn Tất Minh từ nhà vệ sinh đi vào. Hiếu cho biết: “Em và Minh đều là học sinh của lớp 11A6. Minh bị tật nguyền bẩm sinh ở cả 2 chân và một bàn tay bên phải nên không thể đi lại được. Thương và cảm phục tinh thần hiếu học của bạn, em đã tự nguyện đưa bạn đến trường hàng ngày và cõng bạn những lúc cần di chuyển. Em thấy vui vì mình đã làm được việc có ích đúng như những điều mà thầy cô ở trường dạy bảo”.

Chia tay thầy, trò Trường THPT Triệu Sơn 5, chúng tôi ra về mang theo nhiều suy nghĩ. Và cũng kể từ lúc đó tôi nhận ra, làm nên tên tuổi của một nhà trường đôi khi lại bắt đầu từ những điều giản dị, giống như ai kia đã nói: “dạy học thì trước tiên phải dạy làm người”.

P.V


P.V

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]