(vhds.baothanhhoa.vn) - Đã gần 7 năm thực hiện Nghị định số 20/2014/NĐ-CP, ngày 24-3-2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (XMC) và hơn 5 năm thực hiện Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT, ngày 22-3-2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định về điều kiện đảm bảo và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, XMC, nhưng Mường Lát vẫn là huyện duy nhất của tỉnh chỉ đạt chuẩn XMC mức độ 1 (mức độ thấp nhất).

Xóa mù chữ ở Mường Lát: Khó càng thêm khó

Đã gần 7 năm thực hiện Nghị định số 20/2014/NĐ-CP, ngày 24-3-2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (XMC) và hơn 5 năm thực hiện Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT, ngày 22-3-2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định về điều kiện đảm bảo và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, XMC, nhưng Mường Lát vẫn là huyện duy nhất của tỉnh chỉ đạt chuẩn XMC mức độ 1 (mức độ thấp nhất).

Xóa mù chữ ở Mường Lát: Khó càng thêm khóLãnh đạo huyện Mường Lát, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 5 và xã Quang Chiểu chụp ảnh lưu niệm với học viên người Khơ Mú trong một lớp học xóa mù chữ. Ảnh: TƯ LIỆU

Đưa cái chữ đến với bà con

Với diện tích rộng, địa hình núi cao hiểm trở, dân cư phân tán nhưng ngay sau khi có Công văn số 2824 ngày 28-11-2017 của Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục và XMC tỉnh, Mường Lát đã kiện toàn ban chỉ đạo cấp huyện, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, thường xuyên nắm rõ tình hình để chỉ đạo kịp thời; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để Nhân dân tích cực tham gia... Nhờ đó đến nay, huyện Mường Lát đã đạt phổ cập giáo dục bậc mầm non; phổ cập tiểu học đúng độ tuổi đạt mức độ 3 - mức độ cao nhất; phổ cập THCS đạt mức độ 2. Tuy nhiên, việc XMC mới chỉ đạt mức độ 1 - mức độ thấp nhất.

Theo chân những người lính biên phòng của Đồn Biên phòng Quang Chiểu, chúng tôi đến bản Lách, xã Mường Chanh gặp những người đã từng tham gia lớp học đặc biệt. Gọi là lớp học đặc biệt vì thời gian học vào buổi tối, đa phần học sinh có tuổi từ 20 đến 50, giáo viên là bộ đội biên phòng hoặc cô giáo cắm bản. Đây là một trong những bản xa nhất trong địa giới của tỉnh, với 255 nhân khẩu/53 hộ dân, 100% người Khơ Mú.

Chị Cút Thị Bao (40 tuổi) nhớ lại: "Cách đây gần 2 năm, cứ đều đặn từ 19h đến 21h thứ 2 đến thứ 6, tôi lại cắp vở đi học. Gia đình tôi có 3 người con, con trai đầu và đứa út đi làm ở công ty. Đứa thứ hai đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Tôi muốn có cái chữ để biết đọc, biết viết, nên đã cùng 2 đứa cháu nội đi học cái chữ”.

Còn chị Lương Thị Yên (31 tuổi) hào hứng giơ cái điện thoại, nói: “Không biết chữ khổ lắm, muốn dùng điện thoại để đọc tin tức, hay gọi điện, nhắn tin cũng không biết. Vì thế, cán bộ đến nhà động viên đi học, tôi liền đăng ký ngay. Sau 2 năm, giờ tôi đã biết chữ".

Gắn bó nhiều năm với bà con vùng biên, Đại úy Trần Văn Hưng, thời điểm năm 2018 là một trong 3 người trực tiếp đứng lớp tại khu trường lẻ Chai - Lách, cho biết: "Thực hiện Chương trình Bộ đội biên phòng đồng hành cùng phụ nữ vùng biên, sau khi rà soát tỷ lệ tái mù chữ tại các địa bàn, chúng tôi xác định bản Lách có tỷ lệ tái mù chữ cao. Vì thế, Đồn Biên phòng Quang Chiểu đã xây dựng kế hoạch, báo cáo với phòng GD&ĐT của huyện rồi triển khai lớp học tại bản này. Để mở lớp học, các chiến sĩ phải xuyên rừng, lội suối nhiều tuần liền, đến từng bản, từng nhà để vận động người dân đi học. Lúc đầu, do tâm lý e ngại, tự ti nên lớp học chỉ được hơn chục người. Sau vài buổi, lớp học đông hơn, vì ai cũng nhận thức được lợi ích của việc biết chữ. Trong vòng 3 năm, cùng với các lực lượng khác, chúng tôi đã mở được 2 lớp XMC, một lớp ở bản Lách, xã Mường Chanh và một lớp ở Con Dao, Suối Tút, xã Quang Chiểu”.

Và những khó khăn

Để có những lớp học XMC ấy là cả hành trình vất vả gian nan. Trong đó, khó khăn nhất là khác biệt ngôn ngữ và chênh lệch độ tuổi người học. Có những người tuổi đã quá cao, nhưng cũng có em nhỏ 9-10 tuổi theo học lớp này. Trong khi đó, đa phần học sinh không nói được tiếng Kinh, thầy giáo lại là những người Kinh, người Thái, nên khó truyền đạt cho học sinh người Khơ Mú, Mông. Các cô giáo cắm bản thì còn quá trẻ, rụt rè và nhiều ngại ngùng.

Chia sẻ khó khăn này, Đại úy Trần Văn Hưng cho biết: “Lớp chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi. Mục đích của họ là chỉ để biết đọc, biết viết, cộng trừ nhân chia thành thạo, nên khi soạn giáo án, chúng tôi thường sử dụng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, gần gũi mà người dân thường gặp trong giao tiếp để truyền đạt. Tuy vậy, thầy giáo bộ đội thì không được đào tạo bài bản nghiệp vụ sư phạm, học viên lại đủ lứa tuổi, nên kết quả cũng chỉ tàm tạm”.

Cô giáo Lâu Thị Cợ (sinh năm 1981), Trường Tiểu học Pù Nhi, cho biết: “2 năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chúng tôi cũng dừng việc dạy XMC cho bà con. Năm 2018, tôi là một trong 5 giáo viên của điểm trường lẻ khu Pù Ngùa tham gia giảng dạy cho bà con. Lớp học đông lắm, gần 30 người ở đủ lứa tuổi. Hầu hết chưa biết đọc, biết viết và cũng không biết nói tiếng Kinh, nhất là với những phụ nữ trên 35 tuổi. Sau 3 tháng đi học, cũng chỉ khoảng 60% học sinh biết chữ".

Việc mở các lớp XMC là nỗ lực của ngành GD&ĐT Thanh Hóa nói chung và huyện Mường Lát nói riêng, cùng với sự tham gia của bộ đội biên phòng. Tuy vậy, theo thống kê, đến nay ở Mường Lát số người mù chữ trong độ tuổi 15-25 chiếm 3,47%; từ 25-35 tuổi chiếm 3,82%; từ 35-60 tuổi chiếm 7,12%. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Hùng, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát, cũng là người gắn bó với công tác phổ cập giáo dục và XMC, cho biết: “Bắt đầu từ năm học 2015-2016, mỗi năm chúng tôi mở trên 10 lớp XMC. Lực lượng tham gia dạy chủ yếu là giáo viên cắm bản, tranh thủ thời gian không về nhà, bên cạnh đó có sự tham gia của bộ đội biên phòng. Riêng năm học 2020-2021, do thiếu giáo viên, lại thêm tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nên việc mở lớp bị hạn chế”.

Theo ông Nguyễn Viết Hùng, kinh phí cho công tác XMC hàng năm không có, việc dạy là hoàn toàn tự nguyện. Vì thế khó áp đặt quản lý việc dạy, mà chủ yếu là động viên giáo viên tham gia, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng nông thôn mới. Nếu một lớp 15 người, có khoảng 3-5 người hết mù chữ là đạt yêu cầu.

Vấn đề không chỉ ở việc xóa mù mà chuyện tái mù chữ cũng có vẻ rất bình thường. Ông Lò Văn Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát, cho biết: “Cũng như chúng ta học ngoại ngữ, bà con khi được đến lớp học chữ, thì biết viết, biết đọc, nhưng sau một thời gian không sử dụng, họ quên dần. Quên thì sẽ ngại nói, ngại đánh vần. Vì thế khi có đoàn đến kiểm tra, câu trả lời của họ thường là: không biết chữ để đỡ bị hỏi nhiều. Đây chính là nguyên nhân mà Mường Lát vẫn bị đánh giá và xếp vào tỷ lệ tái mù chữ cao”.

Hiện Mường Lát vẫn là huyện duy nhất trong toàn tỉnh chỉ đạt chuẩn XMC mức độ 1 (mức độ thấp nhất). Mục tiêu của huyện là tới năm 2025 sẽ hoàn thành đạt chuẩn mức độ 2. Hành trình XMC vốn đã khó nay lại càng khó hơn.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]