(vhds.baothanhhoa.vn) - Hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2019 với chủ đề "Yêu thương và chia sẻ", tỉnh Thanh Hóa đã và đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững; tạo ra một môi trường sống và làm việc hạnh phúc hơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Yêu thương và chia sẻ

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2019 với chủ đề "Yêu thương và chia sẻ", tỉnh Thanh Hóa đã và đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững; tạo ra một môi trường sống và làm việc hạnh phúc hơn.

Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3

Tháng 6/2012, Liên hợp quốc đã tuyên bố chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. 193 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng cam kết sẽ ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.

Ngày Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Vương quốc Bhutan, vốn được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố: Sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Đại diện quốc gia Bhutan cho rằng nhu cầu về ngày hạnh phúc này là đối với tất cả các quốc gia và con người trên toàn thế giới để có những bước vượt lên trên sự khác biệt giữa các nước và con người trên toàn thế giới, và liên kết, đoàn kết toàn nhân loại.

Ngày 20/3, được chọn là Ngày Quốc tế Hạnh phúc vì đây còn là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau. Vì thế ngày này còn là biểu tượng cho sự hài hòa, cân bằng của vũ trụ. Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng truyền tải thông điệp rằng cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc và hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 do Liên hợp quốc phát động, ngày 26/12/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hằng năm. Đề án nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về Ngày Quốc tế Hạnh phúc, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc.

Chủ đề của Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2019 là "Yêu thương và chia sẻ". Khẩu hiệu là: "Hãy hành động vì mục tiêu gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; tạo ra một môi trường sống và làm việc hạnh phúc hơn". Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc là để cùng cả thế giới biểu thị mong muốn, niềm tin và quyết tâm phấn đấu vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo; một thế giới thịnh vượng và bền vững; một thế giới mà tất cả mọi người dù khác màu da, dân tộc, tôn giáo đều được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc.

Thanh Hóa hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc

Thực hiện Quyết định số 2589/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ VH,TT&DL, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc, thông qua các chương trình, kế hoạch, đề án về lĩnh vực gia đình. Từ đó tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống gia đình, xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình.

Hội thi thể thao, văn nghệ gia đình NTM là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc.

Đặc biệt, kết quả sau 5 năm triển khai Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 (2013 - 2018) đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người dân về ý thức trách nhiệm xây dựng một gia đình hạnh phúc, một xã hội công bằng phát triển bền vững. Các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tích cực đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo 2.750 băng zôn, 700 pa nô, 700 áp phích tại trụ sở cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư, các trục đường chính, 1.500 đợt giao lưu VHVN, TDTT, tuyên truyền xe thông tin lưu động, tổ chức tuần phim chào mừng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3... Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh từ tỉnh đến cơ sở được triển khai lồng ghép có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương; các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới (NTM), rèn luyện sức khỏe cộng đồng...

Trong 5 năm qua, các hoạt động tổ chức hội thảo, hội nghị, tập huấn, tọa đàm, diễn đàn, hội thi, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch... với chủ đề về gia đình xây dựng hạnh phúc gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình diễn ra sôi nổi, thiết thực. Tổ chức thành công 5 hội thi kiến thức về gia đình, 2 hội thi câu lạc bộ “gia đình hạnh phúc”, 3 hội thi văn nghệ gia đình NTM từ cơ sở đến cấp tỉnh thu hút hàng vạn lượt người xem và cổ vũ. Từ đó đã giúp đội ngũ tuyên truyền viên và quần chúng nhân dân nắm và hiểu sâu hơn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình. Từ đó làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc xây dựng một gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tính đến 8/2018, toàn tỉnh có 1.850 CLB “gia đình phát triển bền vững”, 1.158 CLB “gia đình hạnh phúc”, 370 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Có thể nói, thông qua việc triển khai thực hiện đề án đã có tác động tích cực đến đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh; nhiều hoạt động xã hội được diễn ra. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc đã trở thành nguyện vọng của mỗi người, là mối quan tâm của toàn xã hội.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa tăng cường các hoạt động phối hợp trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công tác gia đình, nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của mỗi đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu, tuyên truyền, hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ cộng đồng góp phần vào việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Năm 2019 là năm thứ 6 Thanh Hóa tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”, Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay được phát động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với nhiều hoạt động phong phú nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, xã hội, là dịp để các gia đình được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thực hiện Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 11/5/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hằng năm” giai đoạn 2018 - 2023”, Sở VH,TT&DL tỉnh Thanh Hóa xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2019 với nội dung: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về gia đình, đặc biệt là giáo dục thanh niên về giới tính, đạo đức, tình yêu và những mối quan hệ gia đình; Nêu gương người tốt, việc tốt; các hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc; phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về gia đình; treo băng zôn, khẩu hiệu, pano, áp phích; tuyên truyền trên bản tin về chủ đề và thông điệp của Việt Nam nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc tại trụ sở cơ quan, trường học, các trục đường chính, nơi công cộng, nơi đông dân cư; tổ chức các hoạt động từ thiện, tọa đàm, hội thi, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch; vinh danh các tổ chức, cá nhân, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại cho người thân, gia đình, cộng đồng.

Để Ngày Quốc tế Hạnh phúc có ý nghĩa thiết thực và cao đẹp, tạo sự lan tỏa và chuyển biến sâu sắc cần lắm sự chung tay phối hợp của cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và cộng đồng xã hội, góp phần đem lại hiệu quả quan trọng trong hoạt động xây dựng gia đình và cộng đồng hạnh phúc, đồng thời thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thảo Nguyên

Câu chuyện tình đẹp của cặp vợ chồng khuyết tật

Gặp nhau ở Hội thi tiếng hát người khuyết tật tỉnh Thanh Hóa rồi bén duyên để nên vợ chồng, đó là cả một cuộc hành trình khó của Luyến và Mẫn. Nhưng bằng nghị lực, niềm tin, họ đã viết nên câu chuyện xúc động về yêu thương và hạnh phúc.

Đầu năm 2016, đám cưới của cô dâu Nguyễn Thị Luyến, sinh năm 1990 ở xã Tế Thắng (Nông Cống) và chú rể Lê Quang Mẫn, sinh năm 1985 đã được tổ chức ở quê nhà của chú rể là xã Định Tường (Yên Định). Cuối năm này, cặp vợ chồng Luyến Mẫn sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Lê Hoài An. Sau 3 năm về dưới một mái nhà, họ đã làm nên nhiều điều bất ngờ mà với những người khuyết tật như Luyến, như Mẫn thì đó là cả một sự kỳ diệu, phi thường...

Nguyễn Thị Luyến bị teo cơ tay trái và chân trái bẩm sinh còn Lê Quang Mẫn bị teo cơ hai chân sau một cơn sốt biến chứng. Khi đến với nhau, cả Luyến và Mẫn đã bị phản đối quyết liệt từ phía gia đình. Bởi lẽ, thật khó có hạnh phúc cho 2 con người khuyết tật và sẽ chỉ là những vô vàn khó khăn khi họ ở bên nhau. Nhưng với một tình yêu mãnh liệt, bằng sự kiên trì và quyết tâm, cả Luyến và Mẫn đã thuyết phục được 2 bên gia đình để thành chồng, thành vợ.

Nguyễn Thị Luyến nhớ lại: Em vẫn sẽ nhớ mãi hình ảnh anh Mẫn cầm lấy tay em vào lúc mà sự phản đối của mọi người quyết liệt nhất. Anh nói nếu mà không lấy được em thì sẽ không lấy ai nữa, sướng khổ thì mình cùng chịu. Và chúng em đã vượt qua để có ngày hôm nay.

Ngày hôm nay của Luyến và Mẫn, tôi nghĩ, đến cả những người không bị khuyết tật về đôi tay, đôi chân cũng khó mà sánh kịp. Cách đây 3 năm, khi cả 2 về một mái nhà thì cả 2 vợ chồng vẫn là tay trắng. Luyến dù tốt nghiệp Đại học khoa tài chính kế toán nhưng chưa xin được việc còn Mẫn cũng không có một chỗ làm ổn định. Và kinh tế càng khó hơn khi đứa con ra đời. Đấy là niềm vui nhưng cũng nhân lên bao nỗi lo lắng khi hai vợ chồng không biết lấy gì để nuôi con. Trong sự khó khăn của cuộc sống, Nguyễn Thị Luyến đã mạnh dạn đi vay của anh em, họ hàng 40 triệu đồng để mở một quầy hàng tạp hoá ngay tại nhà chồng. Mừng, là quầy hàng cũng đỡ cho gia đình bớt những gánh nặng về kinh tế. Rồi như một cơ duyên, trong chương trình "Hôm nay ai đến" của VTV 6 - Đài Truyền hình Việt Nam, hai vợ chồng Luyến Mẫn là nhân vật đặc biệt đã được một doanh nghiệp đầu tư tài trợ mở một cửa hàng dân dụng với số tiền lần đầu là 100 triệu đồng. Sau 1 năm kinh doanh, cửa hàng đã mang lại hiệu quả lớn, giúp ổn định về đời sống cho cặp vợ chồng khuyết tật này.

Không dừng ở đây, Nguyễn Thị Luyến tiếp tục đi tìm một con đường mới trong kinh doanh đó là bán sim, thẻ điện thoại online. Đây chính là một bước ngoặt lớn khi việc kinh doanh mặt hàng này khá phát triển, cho thu nhập hàng tháng khoảng 20- 25 triệu đồng. Hiện đây cũng là công việc chính của vợ chồng Luyến Mẫn.

Sau 3 năm nên vợ, nên chồng, Luyến và Mẫn đã làm nên những điều kỳ diệu, họ đã vượt lên hoàn cảnh để chinh phục bản thân, họ có niềm tin và sức mạnh để nuôi dưỡng tình yêu, nhân lên tình thương như Luyến đã từng chia sẻ: "Em rất tâm đắc với câu: Ở đời này không có đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy. Và em cứ luôn đặt cho mình mục tiêu, một cái mốc nào đó để phấn đấu... Trong cuộc sống vợ chồng cũng vậy, cũng có những lúc bất hoà nhưng nếu nhịn được thì cố gắng nhịn, là vợ phải nhịn nhiều hơn. Em làm việc gì cũng hỏi ý kiến chồng, bàn với chồng, chồng đồng ý thì làm, không đồng ý thì thôi, cái gì thuận vợ, thuận chồng thì sẽ vẫn tốt hơn"...

Còn bà Nguyễn Thị Tâm, mẹ chồng của Nguyễn Thị Luyến không khỏi xúc động khi nói về hai con: "Ngày 2 đứa đến với nhau, ai cũng phản đối vì sợ chúng nó sẽ khổ. Nhưng giờ thì ai cũng vui, cũng mừng vì những gì mà chúng tôi nghĩ trước đây đã hoàn toàn ngược lại. Các con đã tự đứng trên đôi chân của mình, tự vun vén, giữ gìn hạnh phúc, tự yêu thương, đùm bọc, tự vực dậy kinh tế để cuộc sống đủ đầy hơn".

Ông Trần Ngọc Côn - Chủ tịch UBND xã Định Tường khẳng định: Điều quý nhất, trân trọng nhất họ là người khuyết tật nhưng họ đã làm nên những điều phi thường, đã làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa và ấm áp hơn.

Nguyễn Thị Luyến và Lê Quang Mẫn từng được tôn vinh là một trong 20 cặp vợ chồng khuyết tật tiêu biểu toàn quốc. Họ đã viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu, về hạnh phúc, niềm tin. Họ vẫn đang ấp ủ nhiều mơ ước, dự định mà như tôi được biết, trong đó có cả ước mơ về công việc phù hợp cho người cùng cảnh... Và họ, cặp vợ chồng khuyết tật, ngày mỗi ngày vẫn đang làm cho nhau những điều tốt đẹp nhất như đơn giản chỉ là nếu có giận nhau cũng không quá 3 tiếng lại làm lành với nhau, như chồng, như vợ chưa bao giờ quên những ngày lễ, kỷ niệm của nhau...

Hạnh phúc đấy là khi biết yêu thương và chia sẻ...

Hoàng Việt Anh

Hạnh phúc từ đức hy sinh

Chồng đang làm việc nơi đầu sóng ngọn gió, bao nhiêu lo toan vất vả cuộc sống đời thường luôn đè nặng lên đôi vai, nhưng chị Dương Thị Thế, xã Thiệu Thịnh (Thiệu Hóa) đã vượt qua mọi khó khăn vất vả, lo việc nhà, nuôi dạy con cái.

Chúng tôi tìm đến Trường Tiểu học và THCS Thiệu Thịnh (Thiệu Hóa) khi cô giáo Dương Thị Thế, vợ của anhNguyễn Quốc Dũng - Trưởng trạm lái tàu ở đảo Mê (Tĩnh Gia), đang đứng lớp giảng dạy. Nghe tôi nhắc đến người chồng đang làm nhiệm vụ tại đảo Mê, chị nở một nụ cười hạnh phúc.

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, chị tâm sự: “Đã là vợ lính thì phải biết hy sinh hạnh phúc của bản thân vì nhiệm vụ chung của người lính mà Đảng và nhân dân giao phó”. Dẫu biết rằng yêu một người chiến sĩ công binh là đồng nghĩa với sự hy sinh, thiệt thòi nhưng chị vẫn yêu anh say đắm để rồi anh chị tiến tới hôn nhân trong niềm hạnh phúc vô bờ. Năm 1999, cưới nhau được vài tháng cũng là lúc anh nhận công tác ở đảo Mê. Và suốt 20 năm qua, không ít lần vì nhiệm vụ, vừa về phép được 3 ngày, anh lại vội vàng vào đơn vị. Cuộc sống xa chồng không thể kể hết những khó khăn, vất vả, nhất là những lúc trái gió trở trời, hay con nóng, con sốt.

Gia đình chị Dương Thị Thế và anh Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng trạm lái tàu ở đảo Mê (Tĩnh Gia), hạnh phúc bên nhau.

Nhớ lại những ngày tháng đã qua, có lẽ kỷ niệm mà chị không thể nào quên đó là khi chị mang bầu đứa con thứ nhất, ở nhà một mình chị vừa mừng, vừa tủi, lại thêm ốm nghén, thèm khát cảm giác được chồng ở bên che chở lắm. Thế nhưng, tâm niệm rằng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nên trong lúc khó khăn, vất vả nhất, tâm hồn chị vẫn luôn cháy bỏng tình yêu, sự lạc quan, niềm tin vào cuộc sống. Trong những lá thư viết cho anh, chị cũng động viên anh như thế, để nơi đầu sóng ngọn gió, anh yên tâm công tác.

Hiện nay, cuộc sống tuy vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng chị Thế rất tự hào và hãnh diện vì chồng mình đang làm nhiệm vụ nơi biển xa, con trai đầu hiện đang là sinh viên của Trường Đại học Xây dựng, con thứ 2 học lớp 9 cũng luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi trong các năm học.

Không chỉ vậy, chị Thế còn luôn là giáo viên dạy giỏi của Trường Tiểu học và THCS Thiệu Thịnh. Hàng năm, đội tuyển học sinh giỏi do chị phụ trách luôn có học sinh giỏi cấp tỉnh. Gia đình chị năm nào cũng được công nhận là gia đình văn hoá, 2 con ngoan ngoãn, học giỏi, biết vâng lời cha mẹ, thầy cô, ai cũng thán phục.

Không chỉ nuôi dạy con cái, chị Thế còn hết lòng chăm sóc chu đáo gia đình chồng. Ngày anh ở đảo về thấy mẹ mình khoẻ mạnh, bệnh tình thuyên giảm, các con học hành tốt, anh mừng rơi nước mắt và rất tự hào vì có người vợ hiền chung thủy, đảm đang công việc nhà.

"Niềm hạnh phúc nhất của vợ chồng tôi là được chứng kiến con cái mình ngày càng khôn lớn, khỏe mạnh, gia đình đầm ấm, yên vui. Chỉ chừng đó thôi nhưng đủ xóa tan mọi sự nhọc nhằn của cuộc sống, sự xa cách, nhớ nhung; giúp tôi có thêm nghị lực vượt qua mọi khó khăn và tiếp thêm sức mạnh cho anh cùng sát cánh bên đồng đội gìn giữ vùng biển đảo thiêng liêng Tổ quốc". Chị Thế nói thêm với chúng tôi bằng giọng đầy tự hào.

Yến Vy

Phía sau những bất hạnh

Gia đình là nơi chúng ta thường hay gọi bằng hai tiếng thân thương: "tổ ấm", vốn dĩ là nơi ấm áp nhất, nơi chúng ta trở về sau biết bao lo toan để được hạnh phúc, thấu hiểu và chia sẻ. Thế nhưng, nhiều mái ấm hạnh phúc tan vỡ bởi chính những thành viên trong gia đình.

Vừa qua, cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa đã hoàn tất các thủ tục để khởi tố thêm tội danh “Giết người” đối với Nguyễn Huy Xô (SN 1963, ngụ ở xã Thiệu Tâm, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) - người đặt 10 thỏi mìn cho nổ tung nhà anh trai ruột khiến 3 người bị thương. Trước đó do ghen tuông, chị Quách Thị Diệu (24 tuổi) bị chồng là Bùi Hữu Trung (33 tuổi ở xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống) chém nhiều nhát dẫn đến tử vong. Sau khi gây án, anh Trung nhảy xuống cống ở gần nhà tự tử.

Đau lòng hơn, cách đây hơn 1 năm, tại khu phố 1, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn đã xảy ra vụ việc rúng động dư luận khi nghi phạm sát hại cháu bé hơn 20 ngày tuổi chính là bà nội của cháu. Với hành vi, tội ác của mình, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Xuân (66 tuổi, trú xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, Thái Bình) 13 năm tù về tội “giết người”. Hay một vụ án khác, do làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, trong cơn túng quẫn cùng cực người chồng đã đầu độc vợ và 2 con bằng thuốc ngủ liều cao, sau đó treo cổ tự tử tại nhà riêng trên đường Trần Phú, TP Thanh Hóa.

Bạo lực gia đình cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến gia đình tan vỡ (ảnh minh họa của N.H)

Một vụ án thương tâm và phẫn nộ khác trong gia đình là Vũ Văn Quang trú tại thôn 4, xã Tế Tân, huyện Nông Cống, trong lúc tức giận vợ đã mua xăng tẩm vào người đứa con ruột mới hơn 3 tuổi, rồi châm lửa đốt. Ngay sau khi đốt con, tên Quang để mặc đứa bé dãy dụa trong lửa đỏ rồi bỏ trốn...

Những bản án đã được thi hành, kẻ gây tội phải chịu sự trừng trị nghiêm khắc của pháp luật. Thế nhưng, liệu có phiên tòa nào sẽ xét xử cho những bi kịch bắt nguồn từ bạo hành tinh thần, hàng ngày vẫn tồn tại ngầm trong nhiều gia đình, bám sâu, luồn lách, tung hoành, gây ra biết bao nỗi đau khổ cho những nạn nhân?

Theo thống kê của tòa án nhân dân tối cao, trung bình mỗi năm trên cả nước có tới 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân do bạo lực gia đình. Cũng theo số liệu thống kê của bệnh viện, các trung tâm, phòng cấp cứu lớn của cả nước, có hơn 27% phụ nữ bị ngược đãi phải nhập viện, hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng hằng năm do nguyên nhân bạo lực gia đình.

Các nhà hoạt động xã hội cũng cho biết: Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ chiếm 91,0%, gây tổn hại về sức khỏe, thể chất: 87,5%, gây tổn thương về tâm lý, tinh thần: 89,4%, gây tan vỡ gia đình: 89,7% và làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội: 89%.

Ở nước ta, Luật Phòng chống bạo hành gia đình đã được Quốc hội khóa XXII ban hành ngày 21/11/2007, đã có rất nhiều biện pháp được đưa ra để bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình, đồng thời cũng đề ra trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên thực tế, nạn nhân của nạn bạo hành gia đình vẫn chưa được bảo vệ, bằng chứng là ngày càng gia tăng các vụ việc liên quan đến bạo hành gia đình mà hậu quả để lại cực kỳ nghiêm trọng.

Bà Lê Thị Thanh Thủy - Phó Trưởng bộ môn Xã hội học - Công tác xã hội, khoa Khoa học xã hội, Trường ĐH Hồng Đức cho biết: Bạo lực gia đình là một trong những vấn đề khá phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay. Bạo lực gia đình tồn tại ở 4 hình thái chủ yếu đó là: Bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, bạo lực kinh tế. Dù tồn tại dưới hình thức nào thì bạo lực gia đình cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến gia đình tan vỡ, để lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe về thể chất và tinh thần không chỉ đối với nạn nhân trực tiếp mà đối với cả các thành viên còn lại trong gia đình.

Phía sau những gia đình tan vỡ là những đứa trẻ bơ vơ, là những nỗi đau tím tái của những người trong cuộc, là sự đảo lộn các giá trị truyền thống vốn có của xã hội.

Gia đình bền vững không chỉ là hạnh phúc của mỗi cá nhân mà chính là sự an vui, lành mạnh của toàn xã hội. Do đó xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ là mơ ước của mỗi gia đình mà còn là trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình đó.

Linh Hương

Nhóm P.V


Nhóm P.V

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]