(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong những năm qua, đặc biệt nhiệm kỳ 5 năm (2012 - 2017), được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự ủng hộ và giúp đỡ của chính quyền, mặt trận tổ quốc, các ban, ngành chức năng, tăng ni, phật tử Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu phật sự quan trọng theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa: Tích cực đóng góp vào sự phát triển quê hương

(VH&ĐS) Trong những năm qua, đặc biệt nhiệm kỳ 5 năm (2012 - 2017), được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự ủng hộ và giúp đỡ của chính quyền, mặt trận tổ quốc, các ban, ngành chức năng, tăng ni, phật tử Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu phật sự quan trọng theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Một buổi chia sẻ pháp thoại tại chùa Báo Ân - Vĩnh Lộc (ảnh HPGTH).

Trong nhiệm kỳ 2012- 2017, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành chức năng kiện toàn, củng cố 18 Ban Trị sự Phật giáo cấp huyện và thành lập mới 2 Ban Trị sự Phật giáo tại huyện Ngọc Lặc và Đông Sơn. Đến nay, 20 Ban Trị sự Phật giáo cấp huyện trong tỉnh đã đi vào hoạt động có nề nếp, một số ban trị sự hoạt động có hiệu quả như: Ban Trị sự Phật giáo TP Thanh Hoá, TP Sầm Sơn, TX Bỉm Sơn, Vĩnh Lộc

Cũng trong nhiệm kỳ, Ban Trị sự đã bổ nhiệm được 50 vị trụ trì và kiêm nhiệm trụ trì và bổ nhiệm 9 vị kế vị trụ trì, nâng tổng số chùa có sư trụ trì từ 64 lên 117 ngôi (tăng 53 ngôi); bổ nhiệm 13 Phó trụ trì và nâng tổng số huyện có sư trụ trì từ 17 huyện lên 21 huyện, thị, thành phố (tăng 4 huyện có sư trụ trì). Các chùa khi được bổ nhiệm trụ trì có chư Tăng Ni lãnh đạo đã góp phần ổn định sinh hoạt của chư Tăng Ni, tín đồ địa phương, hạn chế tối đa tình trạng giả sư, đạo lạ, mê tín dị đoan trên địa bàn. Đồng thời cùng chính quyền địa phương ổn định, quản lý các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, phục hồi nền đạo đức trong sáng của dân tộc.

Những năm gần đây, Ban Hướng dẫn Phật tử kết hợp với Ban Hoằng pháp đã tổ chức 32 lớp học giáo lý, 4 khoá hội trại, 50 khoá tu dành cho giới trẻ. Các chùa trong tỉnh tổ chức được 553 khoá tu 1 ngày an lạc dành cho giới trẻ. Trên 1.000 khoá tu "1 ngày an lạc", "tu bát quan trai" dành cho Phật tử. Nhiều chùa trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được hàng trăm lễ hằng thuận cho các cặp vợ chồng trẻ. Bên cạnh đó, Hoạt động của các Câu lạc bộ Thanh thiếu niên phật tử thuộc các chùa trong tỉnh ngày càng được nhân rộng và hoạt động hiệu quả với 40 câu lạc bộ thường xuyên sinh hoạt. Câu lạc bộ Thanh thiếu niên phật tử ra đời đã đáp ứng phần nào nhu cầu học Phật và tạo môi trường lành mạnh, giao lưu học hỏi trao dồi đạo đức cho thanh thiếu niên phật tử trong tỉnh.

Đêm thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong Hội trại thanh thiếu niên phật tử (ảnh HPGTH).

Trong những năm qua, Phật giáo Thanh Hoá tương đối ổn định về các mặt. Tuy nhiên cũng có một số vụ việc khiếu kiện do Tăng Ni được thuyên chuyển từ miền Nam ra chưa hiểu được phong tục tập quán của người miền Bắc nên đã có khúc mắc. Trước tình hình đó, Ban Trị sự đã chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương và Ban Trị sự sở tại tập trung giải quyết, tháo gỡ vướng mắc. Do đó, 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá không có sự vụ nào đáng tiếc xảy ra.

Thực hiện lời dạy "Từ, Bi, Hỷ, Xả", Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và Tăng Ni, Phật tử luôn tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ tỉnh bằng những hành động cụ thể, đó là đóng góp xây dựng các quỹ từ thiện xã hội như: Quỹ người mù, Quỹ học sinh nghèo vượt khó, Quỹ xoá đói giảm nghèo, Ủng hộ đồng bào bão lụt... Trong nhiệm kỳ 2012 - 2017, tổng công tác từ thiện nhân đạo đạt 33.081.565.000đ.

Phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" được thể hiện trong Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là khẳng định sự gắn bó không thể tách rời giữa đạo pháp và dân tộc. Kế tục sự nghiệp của các bậc tổ sư tiền bối qua các thời kỳ lịch sử, cách mạng của dân tộc, Tăng Ni, Phật tử tỉnh Thanh Hoá đã không ngừng cố gắng trong mọi công tác ích đạo - lợi đời. Thực hiện tinh thần giáo lý Đại thừa "tùy duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên" trong quá khứ cũng như hiện tại, Chư vị tôn đức Hoà thượng, Tăng Ni ngoài bổn phận chính tu hành chăm lo phụng sự đạo pháp, thiệu long Tam Bảo, còn vận dụng giáo lý với cuộc sống thế gian, tham gia công tác đoàn thể đem lại lợi ích cho nhân dân.Đặc biệt, nhiều vị Tăng Ni được cử tri tín nhiệm bầu vào Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấpnhiệm kỳ 2016 - 2021.

Với tinh thần hoà hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội, Tăng Ni, Phật tử Thanh Hoá luôn phát huy tốt đẹp truyền thống yêu nước, gắn bó cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, thực hiện có hiệu quả tôn chỉ mục đích đúng đắn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là: "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội". Những thành quả tốt đẹp của Tỉnh hội Phật giáo Thanh Hoá trong nhiệm kỳ qua đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng quê hương, đất nước, đồng thời một lần nữa khẳng định niềm tin của Tăng Ni, Phật tử vào Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kế thừa niềm tin của những bậc chân tu tiền bối trong các giai đoạn lịch sử và cách mạng Việt Nam - Một niềm tin sáng suốt, xuất phát từ lòng yêu nước thấm nhuần tư tưởng từ bi và trí tuệ của đạo Phật Việt Nam đã được kiểm nghiệm lâu dài trong lịch sử dân tộc. Tỉnh hội Phật giáo Thanh Hoá đã đi đúng đường lối mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chọn, phù hợp với truyền thống yêu nước, yêu dân của Phật giáo Việt Nam để tiếp bước trên hành trình đưa chúng sinh tới bờ giác ngộ...

Có thể khẳng định, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Nhiệm kỳ 2012- 2017 đã hoàn thành tốt vai trò nhiệm vụ của mình là ổn định và phát triển,tạo đà để Phật giáo Thanh Hóa phát triển cao hơn trong nhiệm kỳ tới.

Thu Thủy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]