Giáo viên và nỗi niềm làm thêm dịp hè
Khi tiếng trống báo hiệu năm học kết thúc cũng là lúc nhiều giáo viên có thời gian nghỉ ngơi sau 9 tháng dạy học vất vả. Có những người, họ chọn lựa cho mình một chuyến du lịch, quây quần bên gia đình, thăm hỏi bạn bè hoặc tranh thủ tìm một công việc để có thêm nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống.
Sau giờ nghỉ trên lớp, cô giáo Lò Thị Hoài, Trường Mầm non Thành Sơn (Bá Thước) tất bật với nghề tay trái của mình là kinh doanh Homestay.
Trong thời buổi ai cũng mệt mỏi, căng thẳng với guồng quay của “cơm áo, gạo tiền”, đối với nhiều giáo viên, những người có điều kiện kinh tế khó khăn, ngoài công việc chuyên môn chính ở trường, lớp, tùy theo khả năng, sở trường, hằng ngày họ vẫn phải bươn trải làm thêm nhiều công việc khác nhau như: bán hàng online, in thiệp mời, dạy bơi, dạy đàn, dạy vẽ... những mong có thêm chi phí sinh hoạt gia đình. Nhiều giáo viên cho biết, họ không muốn mở lòng với nghề “tay trái” của mình, mặc dù công việc họ đang làm là chính đáng.
Nghỉ hè là quãng thời gian mà thầy giáo Trịnh Hồng Quân, Trường Mầm non Thành Sơn (Bá Thước) luôn tất bật với đủ công việc khác nhau. Vốn hoạt ngôn, hóm hỉnh lại có nhiều tài lẻ, việc gì thầy cũng có thể làm được, từ buôn bán, trồng trọt cho đến dạy nhạc, in thiệp giấy... Chia sẻ về công việc ngoài giờ, thầy Quân cho biết: Nếu chỉ sống dựa vào đồng lương chắc hẳn không đủ chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày. Ở quê, gia đình có vài sào ruộng, nuôi ít gà, rảnh rỗi còn tranh thủ bán nước mía, in thiệp, dạy nhạc. Hồi đầu cũng ngại, nhưng đói thì đầu gối phải bò, miễn nghề lương thiện nuôi vợ, nuôi con là được. Với đặc thù là vùng núi cao, đồng bào dân tộc chủ yếu làm nương, chăn nuôi, đến mùa vào rừng đào măng về luộc rồi treo lên ăn dần hoặc bán cho khách có nhu cầu, nhưng giá rẻ, thu nhập bà con thấp. Để giúp người dân tiêu thụ măng treo, cũng như kiếm thêm đồng ra đồng vào, ngoài giờ trên lớp, thầy thường lên các trang mạng rao bán măng giúp người dân. Nếu ai đặt mua, tiện chuyến xe thì vận chuyển, bình quân có ngày thầy Quân bán được 15kg măng treo.
Vốn có tài lẻ về thể thao, đặc biệt là bóng chuyền, bơi lội... dịp hè đến, thầy giáo Nguyễn Quang Hải, giáo viên dạy thể dục Trường TH&THCS Tân Châu (Thiệu Hóa), được các trung tâm bơi lội mời làm huấn luyện viên, rồi trọng tài các trận đá bóng phủi, bóng chuyền phong trào. Thầy tâm sự: Con cái đang tuổi ăn, tuổi học trong khi tiền nước, tiền điện, phí sinh hoạt... tăng nên phải cực kỳ tiết kiệm đúng kiểu “giật gấu, vá vai”. Làm thêm nghề tay trái có thêm nguồn thu nhập ổn định, giúp cải thiện cuộc sống và giảm áp lực về tài chính, dễ dàng chi trả các chi phí hàng ngày và tích lũy kinh tế cho tương lai.
Ngoài giờ lên lớp, thầy giáo Trịnh Hồng Quân, Trường Mầm non Thành Sơn (Bá Thước) lại bận rộn chăm sóc mấy sào mía của gia đình để kiếm thêm thu nhập.
Theo chia sẻ của thầy Hà Văn Diệp, hiện đang công tác ở Trường Mầm non Lũng Niêm (Bá Thước), với mức lương hiện tại chỉ khoảng 5,7 triệu đồng, hàng tháng phải chi nhiều khoản trong sinh hoạt hàng ngày, chưa kể lễ tết, ốm đau, con cái ăn học, chăm bố mẹ già... rất tốn kém. Vậy nên, cứ dịp nghỉ hè hàng năm, để tăng thu nhập, thầy lại dành quãng thời gian nghỉ ngơi quý giá của mình làm thêm tại các nhà hàng, resort ở Khu Du lịch Pù Luông. Do đang đợt cao điểm du lịch, lượng khách đến đông, khối lượng công việc khá vất vả, tốn nhiều sức khỏe, nhưng đối với thầy Diệp đó không chỉ đơn thuần có thêm đồng ra đồng vào mà còn là dịp để bản thân được trải nghiệm, có thêm kiến thức, kỹ năng sống để dạy con cái sau này...
Được biết, thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, kể từ ngày 1/7/2024, lương cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% so với mức lương hiện hưởng. Với mức tăng trên không chỉ cải thiện đời sống của giáo viên mà còn tạo động lực để họ yên tâm công tác, làm việc, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Bài và ảnh: Trung Lê
- 2024-09-18 10:28:00
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật trong trường học
- 2024-09-18 10:19:00
Chương trình ngoại khóa ở Trường PTDT nội trú THCS huyện Bá Thước
- 2024-06-27 10:15:00
Đề thi chính thức môn Ngữ văn Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024
Hơn 1 triệu thí sinh làm thủ tục dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông
Mường Lát: Chuẩn bị tốt các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Trường tư thục tuyển sinh sớm với nhiều chính sách ưu đãi
Tuyển chọn giáo viên, giảng viên Việt Nam đi dạy tiếng Việt tại Lào
Kỳ nghỉ dài cùng câu chuyện giáo dục giới tính
Thi tốt nghiệp THPT: Triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ học sinh khó khăn
Như hoa hướng dương
Thủ khoa đầu vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn: Yêu con số, thích thể thao
“Nới lỏng” nhưng liệu có “lạm phát”