(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi có một người chị - là giáo viên của một trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa, dù là sự kiện quan trọng của gia đình hay việc trường, việc lớp, trang phục đầu tiên mà chị lựa chọn để diện đó là áo dài. Áo dài của chị đủ kiểu dáng, màu sắc. Chị nói rằng, được mặc chiếc áo dài là niềm tự hào bởi áo dài chính là “hồn cốt” của dân tộc, là nét văn hóa mà mỗi người dân Việt Nam nên gìn giữ, phát huy, góp phần để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Giữ gìn áo dài truyền thống

Tôi có một người chị - là giáo viên của một trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa, dù là sự kiện quan trọng của gia đình hay việc trường, việc lớp, trang phục đầu tiên mà chị lựa chọn để diện đó là áo dài. Áo dài của chị đủ kiểu dáng, màu sắc. Chị nói rằng, được mặc chiếc áo dài là niềm tự hào bởi áo dài chính là “hồn cốt” của dân tộc, là nét văn hóa mà mỗi người dân Việt Nam nên gìn giữ, phát huy, góp phần để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Giữ gìn áo dài truyền thốngNhững bộ áo dài cổ phục Việt được đoàn viên Công đoàn Báo Thanh Hóa lựa chọn tại Hội thi Thời trang công sở nhân dịp 20/10 do ban nữ công, Công đoàn Báo Thanh Hóa tổ chức.

Lặng thầm gìn giữ áo dài

Không chỉ riêng chị bạn tôi mới yêu áo dài, mà chắc chắn một điều những người phụ nữ Việt Nam đều yêu và tự hào khi được mang trên mình chiếc áo dài truyền thống, vừa tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ, vừa là nét văn hóa riêng của dân tộc. Để góp phần gìn giữ áo dài của quê hương, còn là sự đóng góp của những người làm nên chiếc áo dài.

Ngày nay, trên các tuyến đường phố của TP Thanh Hóa như Trường Thi, Lê Hoàn, Đào Duy Từ, Tống Duy Tân, Đội Cung... hay ở các huyện, thị xã, chúng ta dễ dàng bắt gặp những cửa hàng áo dài, với nhiều mẫu mã, đa dạng về chất liệu. Qua đó cho thấy áo dài theo thời gian vẫn luôn khẳng định được vị trí quan trọng trong lòng mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là các chị em phụ nữ. Tùy theo nhu cầu, sở thích của khách hàng mà người may sẵn sàng đáp ứng. Giá cả của chiếc áo dài truyền thống hay cách tân thường dao động từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Nhiều cửa hàng vừa may áo dài vừa kết hợp cho thuê một cách linh hoạt.

Đã gần 20 năm gắn bó với nghề may áo dài, chị Nguyễn Thị Minh Hòa – một chủ cửa hàng áo dài trên đường Đinh Công Tráng, phường Ba Đình (TP Thanh Hóa) vui mừng vì mình đã góp phần nhỏ bé trong việc gìn giữ áo dài của người phụ nữ Việt Nam. Chị Hòa học được từ mẹ về nghề may quần áo để rồi chị bén duyên với nghề may áo dài truyền thống. Chị Hòa từng vào Sài Gòn học hỏi những người thầy có nhiều kinh nghiệm, để rồi trở về quê hương Thanh Hóa và gắn bó với nghề may áo dài cho đến nay. Ban đầu khách hàng chỉ là bạn bè, người thân ủng hộ, sau đó thương hiệu áo dài Hiền Hòa được nhiều khách hàng là chị em các cơ quan, công sở trên địa bàn tỉnh đặt may. Chị Hòa chia sẻ: Vẻ đẹp của chiếc áo dài là dung dị, đẹp nhẹ nhàng, kín đáo mà gợi cảm. Khi khách hàng mặc lên chiếc áo dài mà mình thiết kế, tôi luôn cảm thấy tự hào, từ đó giúp tôi có thêm động lực để gắn bó với nghề.

Cũng như chị Hòa, bởi có duyên với nghề may áo dài nên dù trải qua bao thăng trầm, vất vả với nghề, chị Vũ Thị Lý – chủ cửa hàng áo dài Thiên Lý, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) cũng gắn bó đã hơn 25 năm. Với chị Lý, nghề may áo dài khá đặc biệt, đòi hỏi người đến với nghề cần có chữ duyên, sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Hạnh phúc lớn nhất của người làm nghề chính là được nhìn thấy sản phẩm của mình góp phần tôn lên nét đẹp của người phụ nữ Việt.

Nếu như chị Hòa, chị Lý đã và đang tạo nên nhiều kiểu áo dài từ truyền thống đến hiện đại thì với anh Lê Việt Dũng, đang công tác tại Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa là người say mê, tâm huyết bảo tồn và phát huy giá trị cổ phục Việt. Để hiểu về cổ phục Việt, anh Dũng đã sưu tầm, đọc nhiều sách, tư liệu, tham gia các hội thảo, tọa đàm về cổ phục. Hiện nay, bộ sưu tập cổ phục Việt của anh chủ yếu là trang phục của người Việt thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Ngay tại nhà riêng, anh Dũng dành riêng một không gian để trưng bày cổ phục Việt, trang trí như một điểm check-in để khách thoải mái khi đến thuê trang phục hay đơn giản chỉ là ghé chơi, tham quan, tìm hiểu về cổ phục.

Chị Hòa, chị Lý hay anh Dũng hay những người đang gắn bó với nghề may áo dài mà tôi chưa có dịp gặp, họ chính là những người âm thầm làm đẹp cho đời, làm nên giá trị trường tồn cho tà áo dài Việt, để rồi “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó...” như lời bài hát trong ca khúc “Một thoáng quê hương” của nhạc sĩ Thanh Tùng và Từ Huy sáng tác.

“Tự hào áo dài Việt Nam”

Ngày nay, áo dài được các chị em phụ nữ mặc vào các sự kiện quan trọng, dịp lễ, tết. Áo dài cũng được các cô giáo, các em nữ sinh mặc đến trường, lớp, trở thành “đồng phục” thân thương. Đồng hành cùng phụ nữ Việt, các cấp hội phụ nữ đã và đang có nhiều hoạt động góp phần nhằm tôn vinh, quảng bá nét đẹp của người phụ nữ qua mặc trang phục áo dài truyền thống. Thông qua các cuộc thi hoặc hưởng ứng tuần lễ áo dài, nhất là dịp 8/3, 20/10... đã thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham dự, hưởng ứng.

Giữ gìn áo dài truyền thốngChị Vũ Thị Lý, một chủ cửa hàng áo dài tại TP Thanh Hóa cắt may áo dài cho khách hàng.

Tại tỉnh Thanh Hóa, để nhiều hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, vùng khó khăn có điều kiện mặc áo dài, thời gian qua, nhất là dịp 8/3, 20/10, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh chỉ đạo các cấp hội tiếp tục thực hiện trao tặng áo dài với tinh thần “Ai cần thì lấy, ai có thì tặng”. Nhiều cơ sở hội đã tặng áo dài mới cho cán bộ, hội viên, phụ nữ có thành tích trong hoạt động hội và hội viên, phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, nữ công nhân lao động khó khăn. Các cấp hội cũng đã xây dựng các “gian hàng”, “tủ áo dài” đặt tại nhà văn hóa thôn, phố, chợ, các điểm công cộng... tuyên truyền cho chị em phụ nữ lựa chọn cho mình những bộ áo dài phù hợp với sở thích, vóc dáng để mặc.

Chị Bùi Thu Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Vân Du (Thạch Thành), cho biết: “Thời gian qua, Hội LHPN thị trấn Vân Du thường xuyên tuyên truyền cho chị em phụ nữ các chi hội, hội viên phụ nữ mặc áo dài vào các dịp lễ, tết, nhất là ngày 8/3, 20/10. Đồng thời kêu gọi, vận động hội viên phụ nữ hoặc các cá nhân trao tặng những bộ áo dài cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn nhằm tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng và khơi dậy trách nhiệm gìn giữ, phát huy di sản văn hóa Việt Nam”.

Theo đánh giá của các cấp hội LHPN trong tỉnh, những việc làm, hoạt động trao tặng áo dài đã có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân tích cực tham gia, tạo khí thế thi đua sôi nổi, đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng xã hội. Những năm qua, đã có hàng nghìn bộ áo dài của hội viên, nữ công chức, viên chức... tặng và được xây dựng thành các “gian hàng”, “tủ áo dài” đặt tại nhà văn hóa thôn, phố, chợ, các điểm công cộng... dành tặng cho các chị em phụ nữ, hội viên có hoàn cảnh khó khăn, qua đó nhằm tôn nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua bộ trang phục áo dài truyền thống. Năm 2023, cuộc thi “Tự hào áo dài Việt Nam” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp Trung tâm Đào tạo VIETFUTURE, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới cùng tà áo dài dân tộc và đóng góp cho các hoạt động xã hội, cộng đồng, phát triển quê hương, đất nước. Cuộc thi đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ, công chức, viên chức, lao động nữ đang sinh sống, học tập và làm việc trên khắp cả nước Việt Nam tham dự, trong đó có hội viên phụ nữ tỉnh Thanh Hóa tham dự sôi nổi.

Bài và ảnh: Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]