(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong một năm, người Việt có nhiều ngày lễ tết, song Tết Nguyên đán có ý nghĩa quan trọng nhất. Tuy nhiên, đi qua thời gian, việc đón tết - vui tết của người Việt có những thay đổi mà khi soi chiếu vào đó, mỗi người lại mang tâm tư, quan điểm khác nhau. Xung quanh câu chuyện tết xưa - tết nay, rồi làm thế nào để giữ nét đẹp văn hóa ngày tết... phóng viên (PV) báo Thanh Hóa cuối tuần đã trao đổi với các ông, bà: Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh; TS. Đào Thanh Thủy, Trưởng bộ môn Việt Nam học, Khoa Khoa học xã hội Trường Đại học Hồng Đức; TS. Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thanh Hóa.

Giữ gìn nét đẹp Tết cổ truyền

Trong một năm, người Việt có nhiều ngày lễ tết, song Tết Nguyên đán có ý nghĩa quan trọng nhất. Tuy nhiên, đi qua thời gian, việc đón tết - vui tết của người Việt có những thay đổi mà khi soi chiếu vào đó, mỗi người lại mang tâm tư, quan điểm khác nhau. Xung quanh câu chuyện tết xưa - tết nay, rồi làm thế nào để giữ nét đẹp văn hóa ngày tết... phóng viên (PV) báo Thanh Hóa cuối tuần đã trao đổi với các ông, bà: Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh; TS. Đào Thanh Thủy, Trưởng bộ môn Việt Nam học, Khoa Khoa học xã hội Trường Đại học Hồng Đức; TS. Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thanh Hóa.

Ông Trịnh Đình Dương: “Tái hiện” không gian tết truyền thống để khách tham quan có thêm trải nghiệm

Giữ gìn nét đẹp Tết cổ truyền

PV: Trong dịp Tết Quý Mão năm 2023, không gian tết thời bao cấp được tái hiện thông qua những hiện vật trưng bày như tem phiếu, cửa hàng mậu dịch tại Bảo tàng tỉnh... khiến nhiều khách tham quan thích thú. Xin ông chia sẻ về ý nghĩa của hoạt động trưng bày? Và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa sẽ có thêm hoạt động gì mới?

Ông Trịnh Đình Dương: Tết Nguyên đán đối với mỗi người Việt là điều gì đó thật thiêng liêng. Đi qua những năm tháng đời người, con người ta sẽ có những cảm nhận về tết khác nhau. Đặc biệt, đối với những người đã có tuổi, những cái tết thời bao cấp đã trở thành một phần ký ức không dễ phai mờ. Còn đối với các bạn trẻ, “không khí” tết thời bao cấp lại khá xa lạ. Thông qua việc tái hiện không gian tết thời bao cấp - nhiều người còn gọi là tết xưa, Bảo tàng tỉnh mong khách tham quan có thêm những trải nghiệm, xúc cảm về một giai đoạn chưa quá xa với chúng ta. Qua đó, để mỗi người thêm trân trọng những năm tháng - những cái tết trong cuộc đời con người.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới, bên cạnh việc tái hiện không gian tết xưa, Bảo tàng tỉnh dự kiến sẽ có thêm trưng bày không gian nghề làm hương truyền thống. Chúng ta đều biết, trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của người Việt, hương có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đó là vật “kết nối” người sống với người đã khuất, con người với thần linh. Đặc biệt trong những ngày tết, không thể thiếu những nén hương thơm. Chúng tôi sẽ lựa chọn những làng nghề làm hương truyền thống nổi tiếng ở xứ Thanh để đưa vào không gian trưng bày lần này. Cùng với đó, khách tham quan còn được trực tiếp quan sát từng công đoạn và cả trải nghiệm việc làm hương. Qua đó, không chỉ vui mà còn biết thêm những thông tin, kiến thức bổ ích về một nghề truyền thống.

TS. Đào Thanh Thủy: Đơn giản hơn nhưng không vì thế mà Tết cổ truyền thay đổi ý nghĩa

Giữ gìn nét đẹp Tết cổ truyền

PV: Mỗi dịp tết đến, nhiều người thường so sánh tết nay - tết xưa với không ít xúc cảm tiếc nuối. Lại có người cho rằng, tết ngày nay không còn vui nhiều như trước kia. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Đào Thanh Thủy: Trước hết, tôi cho rằng “khái niệm” tết xưa - tết nay đến từ những thế hệ khác nhau. Trong đó, những người ở độ tuổi trung niên trở về trước, họ có nhiều “trải nghiệm” qua những “mùa tết” hơn. Từ những ngày chiến tranh bom đạn, đến thời kỳ bao cấp còn chật vật về kinh tế, mọi thứ khá đơn giản nhưng vẫn thắm đượm tình cảm và cuộc sống hiện tại, khi mọi thứ đã đủ đầy hơn. Người ta nhớ tết xưa với từng phiên chợ tết, tràng pháo nổ, những buổi quây quần cùng nhau gói bánh chưng; đến những nghi lễ trong ngày tết... Việc hoài niệm và trân trọng những điều đã qua cũng phù hợp với tâm lý con người.

Còn bạn trẻ ngày nay, họ đón tết - chơi tết có phần đơn giản hơn. Có lẽ, đã có sự “dịch chuyển” trong quan niệm, tâm thế đón tết giữa những thế hệ. Trong đó, người trẻ xem tết là dịp để nghỉ ngơi, vui chơi, gặp gỡ bạn bè, du lịch và tận hưởng sau những ngày tháng làm việc cật lực. Cũng vì cuộc sống vật chất thường ngày đã đủ đầy rồi, nên chuyện ăn uống ngày tết với nhiều người trẻ cũng không còn quá quan trọng.

Việc tết xưa có vui hơn tết nay hay không, tôi cho rằng còn phụ thuộc vào sự “ứng xử” của mỗi người với tết. Việc bạn cho rằng tết bây giờ kém vui, không có nghĩa đó cũng là cảm nhận của tôi. Hay như việc ai đó cho rằng, ngày tết phải đến khắp lượt gia đình anh em, họ hàng, làng xóm để chúc tết thì mới vui, thì cũng không có nghĩa việc nhiều người lựa chọn dành trọn những ngày tết chỉ ở bên gia đình, người thân để nghỉ ngơi là điều gì đó ích kỷ.

Qua thời gian, sẽ có những thói quen ít nhiều thay đổi. Tuy nhiên, tôi không cho rằng vì thế mà tết mất đi ý nghĩa. Tết cổ truyền của dân tộc vẫn vẹn nguyên ý nghĩa, đó là dịp để con cháu hướng về tiên tổ, quây quần, gắn kết tình thân.

TS. Phạm Văn Tuấn: Những yếu tố hiện đại đang hiện hữu ngày càng rõ trong tết truyền thống

Giữ gìn nét đẹp Tết cổ truyền

PV: Ông nhìn nhận việc vui tết - đón tết hiện nay như thế nào, thưa ông?

Phạm Văn Tuấn: Cần phải khẳng định, đi qua thời gian, Tết Nguyên đán đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người Việt, dù là xưa kia, bây giờ hay mai sau, người Việt sẽ không bao giờ bỏ tết hay để mất tết.

Trong cuộc sống ngày nay, do xã hội phát triển và đời sống người dân được nâng lên, nên xu hướng đón tết - ăn tết - vui tết cũng đa dạng, phong phú hơn. Từ việc trang trí, trang hoàng nhà cửa, xóm làng, phố phường ngày tết, đến chuyện ẩm thực. Ngày càng có thêm nhiều món ăn ngon được người Việt sáng tạo để ngày tết thêm vui. Cùng với đó, cũng có thêm nhiều hơn những sự tiện lợi để mỗi người, mỗi gia đình đón tết bớt đi bận rộn, vất vả. Rõ ràng, những yếu tố của cuộc sống hiện đại “xen” vào tết truyền thống là điều tất yếu. Và đó cũng không phải điều gì không nên.

Tuy nhiên, có một vấn đề tôi thấy khá băn khoăn. Hiện nay, nhiều gia đình, bạn trẻ - chủ yếu là các gia đình trẻ, có điều kiện về kinh tế, khi tết đến, thay vì quây quần bên gia đình, người thân, ghé thăm họ hàng thì lại lựa chọn đi du lịch (trong và ngoài nước). Đành rằng, mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, người Việt vốn coi trọng đời sống tình cảm và cũng thông qua những dịp như lễ tết mà con người ta gắn bó, thấu hiểu nhau hơn, từ đó tạo nên sức mạnh gia đình, cộng đồng. Vậy nên, nếu có thể, ngày tết hãy dành nhiều hơn thời gian để hướng về nguồn cội, tổ tiên, ông bà, cha mẹ...

Thu trang (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]