(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi lần về quê, tôi cứ vội vã với những lý do đã nhét sẵn trong đầu. Thành thử chạy chỗ này một tí, chỗ kia một tí, rồi lại lên xe phóng trong chiều hun hút, lúc lên đến thành phố, tôi lại ngợp với chính sự vội vã của mình. Lần này tôi đi chậm nhịp một chút, để có thời gian đong đếm gió quê nhà. Xách con “mui trần hai bánh” để rủng rỉnh thời gian, vừa đi vừa ngắm, vừa hình dung ra những gì rất đỗi thân quen, dịu dàng.

Góc quê

Mỗi lần về quê, tôi cứ vội vã với những lý do đã nhét sẵn trong đầu. Thành thử chạy chỗ này một tí, chỗ kia một tí, rồi lại lên xe phóng trong chiều hun hút, lúc lên đến thành phố, tôi lại ngợp với chính sự vội vã của mình. Lần này tôi đi chậm nhịp một chút, để có thời gian đong đếm gió quê nhà. Xách con “mui trần hai bánh” để rủng rỉnh thời gian, vừa đi vừa ngắm, vừa hình dung ra những gì rất đỗi thân quen, dịu dàng.

Góc quêMinh họa: Linh Chi

Bao lâu rồi, những con đường quê đã khác. Nhà nhà đã xây mới, con đường đã rộng hơn. Nhiều nhánh đường đã có điện sáng, đi đêm không còn cảm giác thăm thẳm như xưa nữa. Ánh sáng đêm nay lại làm tôi nhớ tới con bé da đen, gầy gò đêm thuở trước, mua thuốc cho bà mà vừa đi vừa sợ ma, cứ ngoái đầu ngó sau, nhìn quanh rồi cắm cổ chạy. Bây giờ, những hàng quán mới mọc lên, thêm ánh điện, thêm tiếng nói cười của ngõ cũ. Nhà trẻ, trường học khang trang hơn, sống động hơn với những bức tranh nơi cổng trường mầm non của xã.

Quê trong buổi bình minh là chợ làng Viềng của Nga Sơn đã không còn lem lấm nụ cười mà tỏa sáng và rộn rã những niềm vui của bà con. Một góc chiếu cói như là tất cả sự thảo thơm, chất phác, một góc rau xanh vẽ nên chút thanh bần, một góc cá tôm với bao phấn chấn của người mua người bán. Phía Bắc cổng chợ, rau khoai, củ quả bày biện sắp thành hàng dài. Chợ quê cũng là lần tôi được nháp đi bán cá đồng cùng chị, đi bán rau cùng bạn. Những đứa trẻ quê lớn lên từ những buổi chợ quê, đứng bày bán, mời chào những thứ rau quả có được, rồi tằn tiện, sắm chút đồ sưởi ấm gian nhà. Tôi vẫn nhớ góc lều phía Nam chợ, dãy hàng trầu cau nơi bác hàng xóm của tôi từng ngồi. Bác có giọng nói miền biển (dưới lạch Sung) vang lên rổn rảng, nổi bật so với giọng làng Viềng (dân lúa) chúng tôi. Bác sẽ nhặt cho tôi những lá trầu nhỏ, tươi và đẹp nhất, còn cho thêm lá trầu hoặc miếng cau để tôi mang về. Quà cho thêm ấy là bác con bé trèo hái dừa cho bác, con bé còi bác xin vía hên để bán chạy hàng. Bao mùa bác đi rồi nhưng tôi lúc nào cũng luyến nhớ giọng bác lúc gần bốn giờ sáng, khi tôi yên ổn ở bàn học, thì bác rửa mặt rồi quẩy quang gánh bán trầu cau ở chợ Dừa. Sự luyến nhớ nhiều đến mức, mỗi dịp đi tới hàng trầu cau là tôi lại chạnh lòng về mái đầu của bác. Lối cổng phía Nam, góc hàng cá thân thuộc đã được quy hoạch lại, nhưng trong tôi vẫn còn ánh nhìn phúc hậu của cô bán cá ngày xưa. Ngày ấy, buổi chợ nào con bé ngô nghê là tôi cũng mua cá - cá bạc má, cá nục vừa tươi vừa rẻ, kho lên một bữa ăn chia được nhiều người. Đứng ở phía Nam cổng chợ, cách một quãng ngắn, tầm 20m là bãi Đượng - nơi cha và ông bà tổ tiên nằm lại, những ngôi nhà đặc biệt nhỏ ấy ngơ ngác, lặng lẽ trong chiều đông.

Tôi lại rượt qua những con đường tới trường phổ thông, những tán lá bàng rung rinh như hỏi tôi về ký ức. Con sông Hưng Long vừa đủ nhỏ để xinh xắn bên mái trường THPT Ba Đình. Sông ban ngày âm trầm, thanh bạch, đến đêm lại diện một sắc phục rực rỡ bằng hàng chùm điện lấp lánh. Ai biết đời sông xưa chỉ lấp lóa cây và nắng gió, nay rộn ràng hơn bên sắc điện. Từ chùa Tiên và hồ đồng Vụa trong xanh, tôi đi về phía đền ông tổ họ Mai - Mai An Tiêm. Nơi đây đã được hun đúc trong lòng bao thế hệ về hiền minh, lòng trung và khí khái. Tôi và lũ bạn chụp ảnh ở đây, nhí nhố đùa vui như thuở học trò. Gió mênh mang thổi cờ bay phấp phới phía trước cổng đền. Nét hùng vĩ của thiên nhiên thắm trong huyền tích của đền như càng tỏa thêm nét đẹp của vùng đất. Bóng dáng người xưa như hiển linh cùng một chút trầm ngâm về khát vọng ngày nào. Tôi về góc riêng của tôi thuở nhỏ. Chiếc sân trở nên nhỏ hẹp hơn, mảnh vườn xưa mất đi, không thể ngắm trăng dưới mảnh vườn lao xao, cảnh rõ ràng hơn nhưng hình như đã đơn điệu một chút. Tôi cũng không còn được ngắm trăng và bóng bố ra vào hiên nhà như buổi ấy.

Còn bao nhiêu góc thân thuộc, những chỗ bàn chân tôi đã bám chặt, nơi mắt tôi đã ríu rít cười. Quê nhà là vậy. Dầu bao ngày ta không có dịp chạm đến, nhưng luôn chờ ta trở về. Khi ta sẵn sàng trở lại là như có cây đũa thần đánh thức mọi thứ xung quanh tỉnh giấc.

Tản văn của Mai Hạnh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]