Góp phần bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Thái

(vhds.baothanhhoa.vn) - Trước nguy cơ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Thái trên địa bàn huyện Thường Xuân đang dần mai một, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch huyện khôi phục, bảo tồn, phát triển. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 3 tổ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tạo việc làm ổn định cho gần 100 người.

Trước nguy cơ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Thái trên địa bàn huyện Thường Xuân đang dần mai một, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch huyện khôi phục, bảo tồn, phát triển. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 3 tổ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tạo việc làm ổn định cho gần 100 người.

Góp phần bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào TháiTHT “Dệt thổ cẩm khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc Thái” xã Xuân Lẹ giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại Ngày phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp.

Tổ hợp tác (THT) “Dệt thổ cẩm khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc Thái” tại thôn Liên Sơn, xã Xuân Lẹ được thành lập tháng 4/2023, có 19 hội viên và gần 20 khung dệt. THT được thành lập là kết quả nỗ lực của rất nhiều người, nhưng có lẽ vui nhất là chị Vi Thị Luyến, người sáng lập và dẫn dắt THT phát triển và là Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Lẹ. Chị Luyến kể cho chúng tôi nghe về những trăn trở khi thành lập THT với nhiều khó khăn thách thức và cả dự định đưa sản phẩm dệt truyền thống của người Thái đạt chuẩn OCOP và có thể lên sàn thương mại điện tử. Việc thành lập THT và thương mại hóa sản phẩm truyền thống của địa phương cho thấy bước phát triển mới trong tư duy làm kinh tế của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã vùng cao còn nhiều khó khăn. Qua câu chuyện chị kể, chúng tôi cảm nhận được tâm huyết và trách nhiệm của người con dân tộc Thái đối với bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc khi tuổi đời còn rất trẻ.

Hơn 30 tuổi, đảm nhận vai trò chủ tịch hội LHPN xã gần một nhiệm kỳ, nhưng chị Luyến trăn trở khôi phục nghề dệt thổ cẩm đã hơn chục năm nay. Chị cùng ban chấp hành hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về giữ gìn, phát triển nghề dệt thổ cẩm, phát động mặc trang phục truyền thống của dân tộc trong ngày lễ, tết, các sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương, nhằm nâng cao nhận thức của bà con về nghề truyền thống, vẻ đẹp bản sắc dân tộc qua trang phục, đồ dùng bằng thổ cẩm.

THT chia 4 tổ nhỏ thực hiện 4 công đoạn: dệt chân váy thô, dệt chăn, nhuộm và hoàn thiện sản phẩm. Mỗi công đoạn sẽ phát huy tối đa sở trường và kinh nghiệm của mỗi thành viên. Người giàu kinh nghiệm đảm nhận việc khó, phụ trách khâu hoàn thiện sản phẩm, những thành viên trẻ hơn thì làm những việc đơn giản.

Bà Ngân Thị Quân, thành viên THT, cho biết: “Tôi có hơn 50 năm gắn bó với dệt thổ cẩm, dù không làm nhanh bằng người trẻ tuổi, nhưng từng đường thêu dệt sản phẩm tôi làm rất tỉ mẩn, sắc nét và chắc chắn. Mỗi tháng tôi có thêm nguồn thu vài triệu đồng, phù hợp với sức khỏe”.

Chị Vi Thị Luyến cho biết thêm: “Trước đây, công việc thêu dệt thổ cẩm không được coi là một nghề. Bởi nó chỉ là công việc nông nhàn của phụ nữ và phục vụ cuộc sống hàng ngày hoặc làm lễ vật khi đi lấy chồng. Gần đây, nghề dệt thổ cẩm được khôi phục và phát triển, giúp cho đồng bào Thái có cơ hội tìm về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhiều bạn trẻ trong bản, trong xã tìm đến các nghệ nhân và THT để học thêu dệt thổ cẩm. Mỗi lần khoác trên người trang phục này, chúng tôi cảm thấy tự hào”.

Hiện nay, các sản phẩm chủ yếu của THT là váy thổ cẩm, túi xách, đệm ghế, chăn. THT đã có 35 thành viên với mức thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Hà Thị Nhung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thường Xuân, cho biết: Từ thành công của THT dệt thổ cẩm khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc Thái, thôn Liên Sơn, xã Xuân Lẹ, hội tiếp tục phối hợp với ngành văn hóa huyện thành lập thêm được 2 mô hình: THT “Dệt thổ cẩm khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc Thái” thôn Na Mén, xã Vạn Xuân và Câu lạc bộ “Phụ nữ giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc bản Mạ” thị trấn Thường Xuân, đồng thời hỗ trợ tập huấn kiến thức, trưng bày quảng bá sản phẩm bán ra thị trường... Đến nay, các mô hình đang hoạt động rất hiệu quả, góp phần khôi phục nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái gắn với phát triển du lịch.

Đến với hộ chị Hà Thị Tuyến, thành viên Câu lạc bộ “Phụ nữ giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc bản Mạ”, khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thường Xuân là một trong những hộ đầu tiên làm du lịch cộng đồng, chị Tuyến cho biết: "Tham gia câu lạc bộ, tôi và nhiều chị em được tập huấn kiến thức làm du lịch cộng đồng để phục vụ việc kinh doanh của gia đình, đồng thời góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Giữ từng nếp nhà sàn, sắc phục dân tộc, ẩm thực... Những nét văn hóa truyền thống ấy lâu nay, chúng tôi chưa chú trọng thì nay được khôi phục, giới thiệu với bạn bè, du khách".

Nhờ phối hợp chặt chẽ và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đến nay những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Thường Xuân đã và đang được khôi phục và phát huy. Thời gian tới, Hội LHPN huyện tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nói chung, cán bộ, hội viên, phụ nữ nói riêng tiếp tục bảo tồn, phát triển văn hóa của người dân bản địa để phụ nữ thêm tự hào, yêu nghề và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mình. Hội quan tâm đồng hành, hỗ trợ các giải pháp để phụ nữ làm tốt hơn vai trò kết nối, hỗ trợ thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu, thu hút nguồn lực lao động, truyền nghề cho thế hệ sau...

Bài và ảnh: Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]