(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số để vừa bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, vừa quảng bá hình ảnh vùng đất, con người của mỗi địa phương là xu hướng tất yếu. Xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số, huyện Yên Định đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trên lĩnh vực văn hóa.

Góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở vùng đất cổ

Trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số để vừa bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, vừa quảng bá hình ảnh vùng đất, con người của mỗi địa phương là xu hướng tất yếu. Xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số, huyện Yên Định đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trên lĩnh vực văn hóa.

Góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở vùng đất cổ

Lễ hội đền Đồng Cổ (xã Yên Thọ).

Yên Định là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Nơi đây không chỉ gắn liền với nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng như: Khương Công Phụ, Đào Cam Mộc, Ngô Từ..., mà vùng đất này còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa độc đáo được thể hiện qua hệ thống di tích, trò diễn, lễ hội. Về với Yên Định, du khách được hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống, được ghé thăm các điểm du lịch tiêu biểu như: Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Yên Trường (xã Yên Trường), Khu Di tích núi và đền Đồng Cổ (xã Yên Thọ), Di tích Điện Thừa Hoa và từ đường Phúc Quang (xã Định Hòa)...

Đặc biệt, tại các di tích, điểm đến trên địa bàn huyện Yên Định, người dân và du khách có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin về di tích thông qua mã QR. Tại quần thể di tích núi và đền Đồng Cổ, làng Đan Nê (xã Yên Thọ), du khách chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR thì phần giới thiệu về quần thể di tích bằng video, kèm lời bình sẽ hiện ra. Qua đó, du khách sẽ tìm hiểu được lịch sử hình thành, nhân vật lịch sử, những câu chuyện thần tích gắn với di tích, kiến trúc độc đáo và những lễ hội, nét văn hóa độc đáo gắn với di tích. Chị Nguyễn Thị Huyền (Yên Định), cho biết: “Tôi khá ấn tượng với phần giới thiệu về di tích, thông tin đầy đủ, hình ảnh đẹp mắt, lời bình hay. Mã QR đã góp phần giúp cho du khách chủ động hơn trong tìm hiểu, khám phá, nhiều trải nghiệm thú vị khi đến với di tích”.

Huyện Yên Định hiện có 49 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 42 di tích cấp tỉnh và 21 lễ hội truyền thống. Đây được xem là nguồn lực nội sinh quan trọng, động lực phát triển bền vững cho địa phương. Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Yên Định, Lê Thị Thúy, cho biết: “Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành động lực phát triển toàn diện, huyện Yên Định đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa, du lịch. Đặc biệt, huyện đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, gồm số hóa các di tích, lễ hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống thư viện, nhà văn hóa... Qua đó, không chỉ lưu giữ các giá trị văn hóa trên nền tảng số mà còn quảng bá hình ảnh con người, vùng đất Yên Định đến với người dân các vùng đất khác”.

Với quyết tâm cao, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa trên địa bàn huyện Yên Định đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các điểm đến, di tích, lễ hội trên địa bàn huyện đều được viết bài giới thiệu đăng tải trên cổng thông tin của huyện, xã và tạo mã QR. Trong đó, có khoảng hơn 30 di tích được gắn mã QR tại di tích, số di tích còn lại do đang bị xuống cấp nên chưa triển khai gắn mã QR. Riêng đối với 7 di tích cấp quốc gia, ngoài phần giới thiệu bằng bài viết, hình ảnh, Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin đã phối hợp với đoàn thanh niên thực hiện quay, dựng video kèm lời bình để phần giới thiệu về di tích thêm sinh động, ấn tượng với du khách.

Huyện Yên Định cũng chú trọng khôi phục các lễ tục, lễ hội văn hóa truyền thống và tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích; gắn việc bảo tồn, phát huy các di sản với phát triển du lịch thông qua việc xây dựng các tour, tuyến, điểm đến và giới thiệu, quảng bá các tour, tuyến, điểm đến trên cổng thông tin điện tử, trên nền tảng số. Từ đó, đưa thông tin về văn hóa, du lịch, điểm đến và các sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu trên địa bàn huyện đến với Nhân dân và du khách một cách sâu rộng, nhanh chóng, kịp thời.

Cùng với số hóa di sản, huyện Yên Định đã xây dựng thư viện số thông qua việc tạo mã QR kết nối với các trường, thư viện, thư viện quốc gia để làm phong phú kho sách cho bạn đọc; trang bị máy tính kết nối internet để bạn đọc thuận lợi tra cứu, tìm kiếm thông tin. Đối với xã, thị trấn đều có biển gắn mã QR giới thiệu về xã, thôn, làng; giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển đảng bộ xã, các làng; lịch sử các điểm di tích; các giá trị văn hóa trên địa bàn; lịch sử hình thành phát triển các trường học, trạm y tế; thông tin, danh sách hộ khẩu, nhân khẩu trong xã, thôn; các quyết định, văn bản của xã, thôn...

Có được kết quả đó, huyện Yên Định đã bám sát các nghị quyết, quyết định, chương trình hành động của tỉnh về chuyển đổi số, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn huyện. Huyện đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình chuyển đổi số, góp phần giúp người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công, tra cứu, tìm hiểu thông tin nhanh chóng, tiện lợi. Đồng thời, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ cập kiến thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện.

Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Yên Định, Lê Thị Thúy, cho biết: “Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị quan trọng, do đó, đối với lĩnh vực văn hóa, huyện sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa và du lịch trên nền tảng số để góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]