(vhds.baothanhhoa.vn) - Bằng tinh thần nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi, lòng say mê nghề nghiệp, thẩm phán Vũ Thị Dung, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Cẩm Thủy đã đạt được nhiều thành tích trong công tác. Năm 2023, chị được Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Tòa án Nhân dân”, và danh hiệu “Thẩm phán giỏi” năm 2024.

Gương sáng nữ thẩm phán

Bằng tinh thần nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi, lòng say mê nghề nghiệp, thẩm phán Vũ Thị Dung, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Cẩm Thủy đã đạt được nhiều thành tích trong công tác. Năm 2023, chị được Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Tòa án Nhân dân”, và danh hiệu “Thẩm phán giỏi” năm 2024.

Gương sáng nữ thẩm phánThẩm phán Vũ Thị Dung, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Cẩm Thủy. Ảnh: Đồng Thành

Thuộc thế hệ 8x, tốt nghiệp đúng chuyên ngành luật, chị Vũ Thị Dung được tuyển dụng, công tác tại Tòa án Nhân dân huyện Cẩm Thủy từ năm 2006. Đến năm 2018, chị được bổ nhiệm làm thẩm phán.

Suốt quá trình thực thi nhiệm vụ, chị luôn nhất quán tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức công vụ, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người cán bộ ngành tòa án: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Bởi vậy, trong thụ lý, giải quyết các loại vụ, việc, thẩm phán Vũ Thị Dung luôn dành nhiều thời gian nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng từng hồ sơ, phân tích, tìm hiểu bản chất của vụ án, hoặc tranh chấp, đề ra kế hoạch, biện pháp giải quyết.

Trong giải quyết các vụ, việc dân sự nói chung, chị luôn đề cao vai trò công tác hòa giải, đối thoại, tạo điều kiện tối đa để các bên đương sự tự định đoạt tranh chấp, hạn chế việc phải áp dụng quyền lực Nhà nước. Đây là cách làm phù hợp, hiệu quả, vừa giải quyết triệt để tranh chấp, vừa góp phần củng cố tình đoàn kết trong cộng đồng, xã hội, đúng với chủ trương cải cách tư pháp của Đảng. Tuy nhiên, việc tổ chức hòa giải giữa các bên đương sự luôn là điều chẳng dễ dàng, đòi hỏi người thẩm phán không những nắm vững kiến thức pháp luật mà cần giỏi nắm bắt tâm lý, kỹ năng vận động, thuyết phục...

Như trong giải quyết án hôn nhân - gia đình, trong gần 7 năm làm thẩm phán, qua công tác hòa giải, chị đã giúp đỡ nhiều cặp vợ chồng trở lại chung sống với nhau. Đó là trường hợp chị N.T.V (SN 1992) ở thị trấn Phong Sơn viết đơn đề nghị tòa giải quyết ly hôn với anh L.V.T (SN 1991) vào năm 2022 khi đã có với nhau một con gái 7 tuổi. Được giao nhiệm vụ giải quyết, thẩm phán Dung đã chủ động tìm hiểu hoàn cảnh, điều kiện gia đình cũng như tính cách, quan điểm sống cả hai vợ chồng. Đồng thời tổ chức gặp mặt để lắng nghe quan điểm, nguyện vọng từ hai phía, tìm hiểu nguyên nhân ly hôn. Được chị Dung hòa giải, chỉ cách tháo gỡ mâu thuẫn, chị T. đã chủ động rút đơn, trở lại sinh sống với anh L. Đến nay, hai người đã có thêm với nhau một con trai.

Chị Dung bộc bạch: “Xét thấy còn chút hy vọng giúp đỡ vợ chồng quay lại chung sống với nhau, mình sẽ cố gắng hết sức. Quả thực, ly hôn là quyền của người lớn, nhưng khi nghe tiếng khóc của những đứa trẻ mình không đành lòng”...

Trường hợp xét thấy vợ chồng không thể quay trở lại chung sống với nhau, thẩm phán Vũ Thị Dung đã tổ chức hòa giải để họ thuận tình ly hôn, hạn chế tối đa trường hợp phải mở phiên tòa xét xử. Nỗ lực hòa giải cũng là phương châm, cách thức hiệu quả để thẩm phán Vũ Thị Dung tiến hành giải quyết thành công số lượng lớn vụ, việc dân sự, kinh doanh - thương mại trong thời gian qua. Theo đó, chỉ trong 3 năm (từ 2021 đến ngày 30/9/2024) chị đã giải quyết 302 vụ án hôn nhân - gia đình, dân sự, kinh doanh - thương mại, với tỷ lệ hòa giải thành 70%, cao hơn nhiều so với quy định của ngành và không có lỗi chủ quan của thẩm phán hoặc án giải quyết quá hạn định.

Cùng với cách làm việc khoa học, bài bản, tinh thần thượng tôn pháp luật, thẩm phán Vũ Thị Dung luôn cầu thị học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp đi trước, qua các án lệ của Tòa án Nhân dân tối cao để nâng cao chất lượng công tác giải quyết án. Đồng thời luôn đổi mới, sáng tạo, chủ động thực hiện các biện pháp cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng. Ví dụ như năm 2023 chị đã chủ động tham mưu cho chi bộ, ban lãnh đạo đơn vị, phối hợp có hiệu quả với Tòa án Nhân dân huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) tổ chức thành công phiên tòa trực tuyến xét xử bị cáo đang bị tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện Bình Chánh, tiết kiệm tối đa chi phí xét xử. Đây không chỉ là việc làm chưa có tiền lệ ở Tòa án Nhân dân huyện Cẩm Thủy, mà còn là phiên tòa trực tuyến hiếm hoi ở tòa án cấp huyện trên địa bàn tỉnh được kết nối ra tỉnh ngoài.

Bên cạnh đó, với vai trò là Phó Chánh án Tòa án Nhân dân huyện, thẩm phán Vũ Thị Dung còn tiên phong, gương mẫu trong thụ lý giải quyết thành công nhiều vụ án khó, án tạm đình chỉ và tham gia xét xử các phiên tòa rút kinh nghiệm. Các bản án kết án đúng người, đúng tội, không có án oan sai, không bỏ lọt tội phạm, hoặc hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán. Từ thực tiễn công tác xét xử, chị đã đúc rút nhiều sáng kiến kinh nghiệm, được áp dụng rộng rãi trong đơn vị. Ngoài ra, chị còn tích cực tổ chức các phiên tòa giả định, phiên tòa lưu động, tuyên truyền rộng rãi kiến thức, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, góp phần đấu tranh phòng, ngừa tội phạm trên địa bàn.

“Trong công tác mình luôn ý thức phải thực hiện đúng bổn phận, trách nhiệm của người thẩm phán và lương tâm của bản thân với thái độ trung thực, thận trọng, công tâm, khách quan. Đó cũng là cách để mình giải quyết thành công nhiều vụ, việc khó”, chị Dung chia sẻ.

Đồng Thành



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]