(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nhiều năm qua, việc đến trường của hàng chục nữ giáo viên công tác, giảng dạy tại một xã bên phía tả ngạn sông Chu thuộc huyện Thiệu Hóa trở nên chông chênh, nguy hiểm khi hàng ngày phải di chuyển qua chiếc cầu phao Vồm cũ nát, xuống cấp nối liền hai xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) và xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hàng chục nữ giáo viên liều mình băng qua cầu phao cũ kỹ

(VH&ĐS) Nhiều năm qua, việc đến trường của hàng chục nữ giáo viên công tác, giảng dạy tại một xã bên phía tả ngạn sông Chu thuộc huyện Thiệu Hóa trở nên chông chênh, nguy hiểm khi hàng ngày phải di chuyển qua chiếc cầu phao Vồm cũ nát, xuống cấp nối liền hai xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) và xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa).

Từ nhiều năm nay, trên địa bàn xã Thiệu Khánh vẫn tồn tại chiếc cầu phao Vồm đã xuống cấp và hư hỏng, nhiều lần gây ra những tai nạn thương tâm. Tuy nhiên, để thuận tiện cho việc đi lại, thông thương, người dân các xã thuộc “vùng trũng” bên phía tả ngạn sông Chu, thuộc địa bàn huyện Thiệu Hóa, bao gồm: Thiệu Hợp, Thiệu Thịnh, Thiệu Quang, Thiệu Nguyên... và xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) vẫn hàng ngày “liều mình” đi qua chiếc cầu “tử thần” này.

Cầu phao Vồm tồn tại đã 40 năm, do thời gian, cầu xuống cấp nghiêm trọng, nhiều tấm ván mục nát, một số đoạn bị đứt rời phải chắp vá, trơn trượt vào mùa mưa, phía dưới thân cầu được kết cấu bằng những chiếc thùng phi, thành cầu gia cố tạm bợ...

Chiếc cầu phao Vồm bắc qua hai xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) và xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa).

Công tác và giảng dạy tại một trường đóng trên địa bàn xã Thiệu Thịnh gần 20 năm, từng ấy thời gian đủ khiến cho cô giáo Phan Thị Thanh nhiều phen hú vía, khổ sở mỗi khi đi qua chiếc cầu phao Vồm. Cô tâm sự: “Đã 20 năm trôi qua, tôi thường xuyên phải qua chiếc cầu này ít nhất 2 lượt/ngày để đến trường, không chỉ riêng tôi mà hàng ngày, có hàng trăm lượt người, phương tiện qua sông bằng chiếc cầu phao, sợ nhất mùa mưa mỗi lần qua sông chân tay run “cầm cập” vì sợ trượt, té ngã”.

Theo tìm hiểu, hiện có hàng chục nữ giáo viên tại các huyện Quảng Xương, THPT, Đông Sơn... về công tác tại đây, vẫn hàng ngày đi qua chiếc cầu phao tạm bợ này để đến trường. Để thuận tiện cho việc đi lại được gần hơn, nhiều cô giáo thường đi tắt qua cầu. Đối với họ, tuy nguy hiểm nhưng lại rút ngắn được rất nhiều thời gian, thậm chí còn tiết kiệm chi phí xăng xe. Nhiều giáo viên khác, lo sợ sự nguy hiểm, chấp nhận đi đường vòng, vòng lên thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa) sau đó đi thêm vài cây số nữa mới đến được trường.

Cô giáo Lê Thị Hồng Thắm (Trường THPT Nguyễn Quan Nho, xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa), chia sẻ: “Mới đầu lên đây công tác, mình không dám đi xe trên cầu, cứ phải mượn người dắt xe, thậm chí sau mỗi buổi dạy học về nhà tim còn đập “thình thịch”. Giảng dạy hơn 10 năm, nhưng đến nay mình vẫn không thể tự đi qua cầu mà vẫn phải nhờ người đẩy hoặc dắt xe...”

Khó khăn, nguy hiểm luôn rình rập, nhưng các giáo viên vẫn hàng ngày, hàng giờ băng qua những tấm ván cũ kỹ, mục nát, trơn trượt để đến với những người học trò... bằng tình yêu nghề .

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều giáo viên công tác tại các xã bên tả ngạn sông Chu vẫn thể hiện khát khao dạy chữ cho học sinh, dù chặng đường đến trường đối với các cô thực sự là một nỗi ám ảnh. Chính cái nghèo, ước mong học chữ tại cái nơi gọi là “vùng trũng” bên dòng sông Chu thơ mộng này đã thôi thúc, động viên các cô đến trường.

“Cầu nguy hiểm lắm các anh ạ, ngày trước đi dạy qua đây chưa quen nên rất sợ, những ngày mưa lớn muốn qua cầu phải gửi xe đi bộ, vịn vào lan can cầu để đi qua, rất mong các cấp có thẩm quyền sớm xây dựng cây cầu mới thay thế chiếc cầu phao để mọi người đi lại được yên tâm hơn”, một giáo viên cho biết.

Vào mùa mưa gió, một số cô giáo dạy học tại các xã Thiệu Hợp, Thiệu Thịnh thường phải mang thêm một bộ quần áo dự phòng tới trường để thay, bởi chỉ cần tay chân lóng ngóng, đi không vững rất dễ trơn trượt.

Đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên chiếc cầu tạm bợ này, và mặc dù đã xuống cấp, hư hại, nhưng công tác duy tu, sửa chữa, gia cố đến nay rất ít. Mặt khác, mỗi khi có thuyền hay phương tiện tàu thủy nào muốn qua lại, chủ cầu phao lại xuống tháo khớp nối, dùng sào đẩy sang hai bên cho thuyền bè qua lại.

Mùa mưa lũ đang đến gần, người dân các xã tả ngạn sông Chu và xã Thiệu Khánh, đặc biệt là những cô giáo chân yếu tay mềm lại nơm nớp một nỗi lo từ cây cầu phao này.

Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]